+Aa-
    Zalo

    Nhìn lại năm 2014: Bức tranh toàn cảnh đa sắc và kỳ vọng hóa rồng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Năm 2014 qua đi để lại nhiều dấu ấn với những cán bộ làm công tác tố tụng, cải cách tư pháp, giao thông, kinh tế, văn hoá...

    (ĐSPL) - Năm 2014 qua đi để lại nhiều dấu ấn với những cán bộ làm công tác tố tụng, cải cách tư pháp, giao thông, kinh tế, văn hoá...

    Một số vụ án oan sai tiếp tục được đưa ra ánh sáng đã củng cố lòng tin của nhân dân vào hệ thống pháp luật đất nước. Các chính sách về kinh tế cũng được vận hành tốt hơn do sự sửa đổi, bổ sung của một số điều luật.

    Khép lại năm cũ, bước sang năm mới, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với những chuyên gia hàng đầu thuộc các lĩnh vực trên để có cái nhìn tổng thể trước những việc chưa làm được và những hy vọng cho năm 2015.

    Bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung Ương: Chú ý đến đạo luật nhằm cụ thể hóa quyền công dân, quyền con người

    Bà Lê Thị Thu Ba.

    Năm 2014 cũng là năm đánh dấu nhiều điểm nhấn trong lĩnh vực cải cách tư pháp. Đây cũng là nhân tố quan trọng góp phần tạo môi trường ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong năm qua.

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, bà Lê Thị Thu Ba - Phó trưởng ban Thường trực ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương khẳng định, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2014 đã đạt được mục tiêu, định hướng đề ra. Theo báo cáo của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã trình Chính phủ 31 dự án luật, nghị quyết, pháp lệnh, trong đó Chính phủ đã cho ý kiến thông qua 26 dự án, cho ý kiến 3 dự án và cho ý kiến về định hướng lớn của 2 dự án. Sau khi điều chỉnh chương trình, các Bộ, cơ quan ngang Bộ phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 38 dự án luật, pháp lệnh; thông qua 26 dự án và cho ý kiến 9 dự án.

    Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay vẫn còn phải điều chỉnh. Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình 3 dự án; rút khỏi chương trình 2 dự án; Ủy ban TVQH đề nghị rút khỏi chương trình 1 dự án. Đặc biệt, tình hình nợ đọng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Chính phủ cam kết trước Quốc hội. Dự báo, đến đầu năm 2015 số văn bản nợ đọng sẽ tăng lên rất lớn, lên tới 100 văn bản.

    Những tồn đọng này trong tờ trình của Ủy ban TVQH về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và 2015 đã từng nhắc đến với việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn những hạn chế, như: Một số dự án luật trình Ủy ban TVQH, Quốc hội không theo đúng tiến độ đã đề ra; số lượng các dự án luật đề nghị điều chỉnh, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn nhiều; tình trạng "tồn đọng" văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn; chất lượng chuẩn bị một số dự án luật còn hạn chế. Việc gửi tài liệu của nhiều dự án luật cho cơ quan thẩm tra, Ủy ban TVQH, Quốc hội không đúng thời gian theo quy định.

    Trong bối cảnh hiện nay, thứ tự ưu tiên trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, trước hết cần ưu tiêu xây dựng các dự án luật về tổ chức bộ máy Nhà nước. Bên cạnh đó, ban soạn thảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng cần phải chú ý đến đạo luật nhằm cụ thể hóa các quyền công dân, quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp sửa đổi. Với việc xác định thứ tự ưu tiên như vậy, một số ý kiến cho rằng, cần xem xét lại lộ trình xây dựng của các luật như luật An toàn thông tin số, luật Thú y... đồng thời nên bổ sung thêm vào chương trình các dự án luật Hội, luật Biểu tình.

    TS. Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao: Án oan sai đã được xử lý nghiêm túc không dung túng

    Ông Dương Thanh Biểu.

    "Trong một số vụ án oan, các kiểm sát viên (KSV) thụ lý vụ án để xảy ra oan đều bị khởi tố, có trường hợp phải áp dụng biện pháp bắt giam, trong đó có KSV nguyên là trưởng phòng VKS cấp tỉnh. Điều đó cho thấy, những thiếu sót khuyết điểm của KSV để xảy ra oan sai đã được xử lý một cách kiên quyết, nghiêm túc, không bao che dung túng".

    Đó là nhận định của TS. Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) khi đánh giá cuộc chiến chống tiêu cực tồn tại ở ngành này.

    Năm vừa qua, cơ quan điều tra VKSNDTC đã khởi tố một số vụ án liên quan đến oan, sai, mà điển hình là vụ án làm oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) hoặc vụ 7 trường hợp bị bắt giam oan tại Sóc Trăng, đã làm dấy lên những bức xúc, lo ngại về tình trạng bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra. Mặc dù lãnh đạo các cơ quan tư pháp Trung ương và địa phương trong thời gian qua đã có nhiều biện pháp chỉ đạo một cách kiên quyết về việc chống oan sai trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử nhưng thực tiễn vẫn xảy ra một số vụ án oan.

    Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, trong đó có nguyên nhân quan trọng là quá trình điều tra, truy tố, xét xử, những người tiến hành tố tụng chưa quán triệt và thực hiện một cách nghiêm túc nguyên tắc suy đoán vô tội đã được Hiến định: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật" (khoản 1, Điều 31 Hiến pháp 2013). Nguyên tắc này xác định nghĩa vụ chứng minh thuộc các cơ quan và người tiến hành tố tụng (chứ không phải bị can, bị cáo) và nó đòi hỏi các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử khi tiến hành buộc tội một công dân nào đó phải dựa trên những chứng cứ có thực và được thu thập một cách hợp pháp, khách quan. Trong trường hợp có sự nghi ngờ đối với người bị bắt giữ, bị can, bị cáo đều phải được xác minh làm rõ và khi kết luận phải theo hướng có lợi cho họ.

    Qua nghiên cứu các vụ án oan cho thấy, những người tiến hành tố tụng chưa quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc này. Trong quá trình tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ngay từ đầu đã có định kiến, suy diễn, chỉ tập trung thu thập những chứng cứ buộc tội, không chú ý những chứng cứ gỡ tội. Thậm chí, có trường hợp, người tiến hành tố tụng đã có hành vi mớm cung, bức cung thậm chí có cả nhục hình để buộc người bị bắt giữ, bị can, bị cáo khai báo về hành vi phạm tội theo ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng. Trong những trường hợp này, người tiến hành tố tụng đã đẩy trách nhiệm chứng minh tội phạm của mình sang người bị bắt, bị can, bị cáo.

    Hàng năm Viện trưởng VKSNDTC đã ban hành các Chỉ thị công tác, trong đó xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung khắc phục và chống các trường hợp oan sai. Đối với những trường hợp để xảy ra oan thì KSV được phân công phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo pháp luật. Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, những thiếu sót của cơ quan điều tra và cơ quan xét xử trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử mà để xảy ra oan sai, suy cho cùng đều có trách nhiệm của các KSV được giao nhiệm vụ thụ lý vụ án. Vì lẽ, trong các trường hợp này, KSV chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc nghiên cứu, phát hiện các vi phạm để kiến nghị khắc phục hoặc do nể nang, né tránh nên không dám đấu tranh để khắc phục các vi phạm tố tụng.

    Có thể kể đến, trong các vụ án oan như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, vụ 7 thanh niên bị bắt giam oan ở Sóc Trăng, các KSV thụ lý vụ án để xảy ra oan đều bị khởi tố bị can, có trường hợp phải áp dụng biện pháp bắt giam, trong đó có KSV nguyên là Trưởng phòng Viện Kiểm sát cấp tỉnh. Điều đó cho thấy, những thiếu sót khuyết điểm của KSV để xảy ra oan sai đã được ngành kiểm sát xử lý một cách kiên quyết, nghiêm túc, không bao che dung túng. Dư luận cũng đồng tình với thái độ đúng đắn đó.

    Từ đó cho thấy, vai trò trách nhiệm của các KSV trong quá trình tiến hành tố tụng là hết sức quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào KSV làm việc có trách nhiệm, giám sát chặt chẽ quá trình điều tra, truy tố và xét xử, phát hiện kịp thời các vi phạm tố tụng để kiến nghị khắc phục, nơi đó ít xảy ra các trường hợp oan sai.

    Ông Lê Hồng Lĩnh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp (Thanh tra Chính phủ): Xử lý trách nhiệm nhiều người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

    Ông Lê Hồng Lĩnh.

    Qua thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo các cơ quan Nhà nước đã phát hiện, xử lý 93 vụ, 108 người có hành vi liên quan đến tham nhũng; xử lý trách nhiệm của 46 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong đơn vị.

    Công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng năm vừa qua tiếp tục phát huy hiệu quả. Toàn ngành đã triển khai trên 6.900 cuộc thanh tra hành chính và gần 230.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, đã phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước trên 51.500 tỉ đồng, hơn 1.063ha đất và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 13.767 tỉ đồng, 1.356 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3.280 tỉ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.065 tập thể, 15.412 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra xử lý 55 vụ việc, 42 người; đồng thời kiến nghị xử lý nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, quản lý, điều hành vĩ mô, xử lý vướng mắc trong tổ chức thực hiện ở nhiều lĩnh vực.

    Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: Cải cách hành chính, công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, xây dựng, thực hiện chế độ định mức, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đã phát huy được hiệu quả. Việc thực hiện, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và phát hiện tham nhũng qua công tác của ngành Thanh tra đã có tác dụng răn đe nhất định, góp phần hạn chế tham nhũng.

    Qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân gần 240 tỉ đồng, 265 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 551 người; chuyển cơ quan điều tra xử lý 39 vụ. Đáng chú ý là đã tập trung giải quyết 501/528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đạt tỉ lệ 95\%; đồng thời tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng khác theo Kế hoạch 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ. Việc tích cực kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn, tác động tích cực đến tình hình và kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội và ổn định tình hình.

    Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thông tin và Du lịch Hồ Anh Tuấn: Nghị quyết về văn hóa là "chiếc đũa thần" để ngành thực sự "trở mình"

    Ông Hồ Anh Tuấn.

    Nhìn lại năm qua, ngành văn hóa đã "thay máu" với rất nhiều điểm sáng. Thế nhưng đó cũng là năm mà nhiều người ví rằng, ngành này "sản sinh" ra quá nhiều "thảm họa". Hàng loạt "sự cố" từ những scandal trong showbiz đến những "vết xước" của ngành xuất bản, lộn xộn tại các di tích lịch sử, linh vật ngoại lai... khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Việc ban hành Nghị quyết 33 được kỳ vọng là "chiếc đũa thần" để ngành này thực sự "trở mình".

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng bộ VH,TT&DL khẳng định: "Bộ VH,TT&DL sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và báo chí để phổ biến rộng rãi các giải pháp về xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam. Chính báo chí truyền thông là một kênh quan trọng để đưa các giải pháp phát triển văn hoá, xã hội đến gần người dân hơn".

    Theo ông Tuấn, Nghị quyết số 33-NQ/TW có thêm một phần mới là phần "chủ động" trong các giải pháp văn hoá. Hiện nay, chiến lược triển khai các giải pháp của bộ VH,TT&DL có hai hướng: Chiến lược văn hoá Việt Nam và chiến lược văn hoá đối ngoại đã làm xong. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, các chiến lược này sẽ được Thủ tướng phê duyệt để triển khai sâu rộng hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xây dựng các trung tâm văn hoá tại Lào, tại Đức và sắp tới là ở nhiều nước khác để quảng bá, xúc tiến cho văn hoá Việt Nam.

    Vị đại diện bộ VH,TT&DL cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, để các giải pháp ấy không phải là những mệnh lệnh hành chính cứng nhắc thì Bộ có sự tìm hiểu, khảo sát từ dưới địa phương lên để có những thông tin chuẩn xác, đồng thời tìm hiểu thêm tính thực tiễn của các giải pháp ấy. Việc để nhận sự đồng thuận thì cần sự phối hợp với nhiều Bộ ngành, đặc biệt là báo chí truyền thông để khuyến khích nét đẹp văn hoá của con người Việt Nam.

    Người dân đang kỳ vọng, với những thay đổi mang tính toàn diện này, trong năm 2015 ngành văn hóa sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ, để thực sự trở thành "món ăn tinh thần" của người dân.

    TS.Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Nhiều luật mới đã phát huy tác dụng trong năm 2014

    Ông Cao Sỹ Kiêm.

    Nền kinh tế năm 2014 cực kỳ khó khăn nhưng cũng là một năm thành công. Chúng ta đã qua đáy và kinh tế có hồi phục đi lên. Năm 2014, mức tăng trưởng khá hơn, lạm phát được kiềm chế, ổn định được kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát.

    Trong năm 2014, một loạt các luật mới như luật Đấu thầu, luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư... ra đời đã giúp giải phóng cho doanh nghiệp. Đây là những luật theo tinh thần mới của Hiến pháp bảo đảm quyền tự do công dân và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Chính sách có tác dụng lớn nhất là những đổi mới trong tín dụng. Lãi suất đã giảm, đối tượng vay được mở ra, quản lý vay cũng chặt chẽ hơn trước. Những điểm này đã làm cho GDP tăng tương đối đồng đều, toàn diện; lạm phát được kiềm chế.

    Tuy nhiên, năm 2014 vẫn tồn tại tình trạng nền hành chính trì trệ, không minh bạch, cơ chế xin-cho vẫn hiện hữu. Đây sẽ là mảnh đất cho tiêu cực, tham nhũng phát triển. Chính vì thế, phải thực hiện minh bạch hơn, số liệu phải chính xác, công khai mới tránh được lợi ích cục bộ chi phối. Đồng thời phải làm tốt hơn thanh toán không dùng tiền mặt, tăng thanh toán qua tài khoản để hạn chế tham nhũng, tiêu cực.

    Trong năm 2014, chúng ta đã đưa xét xử hàng loạt các tội phạm ngân hàng như "bầu" Kiên, Huyền Như. Khi đưa những vụ án này ra xét xử mới thấy có nhiều kẽ hở đang được tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng lợi dụng. Chúng ta cần xử lý thật nghiêm để răn đe những ai có ý đồ lừa đảo, làm ăn không minh bạch. Nếu làm kiên quyết thì công cuộc tái cấu trúc ngân hàng sẽ có kết quả tốt. Thị trường tài chính, tiền tệ lành mạnh thì nền kinh tế mới phát triển được.

    Kết quả và kinh nghiệm điều hành của năm 2014 sẽ phát huy tác dụng trong năm 2015. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách toàn diện, trong năm 2015 chúng ta vẫn có nhiều vấn đề cần giải quyết. Lãi suất tuy có giảm nhưng khả năng hấp thụ vốn và tiêu thụ sản phẩm, tăng sức mua vẫn còn thấp. Nhu cầu về vốn dài hạn rất lớn nhưng vốn của chúng ta chưa có nhiều.

    Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: Giải bài toán bất cập và trách nhiệm trong lời hứa

    Ông Nguyễn Hồng Trường.

    Năm 2014 là năm đánh dấu sự phát triển của ngành Giao thông vận tải trên mọi lĩnh vực với một số kết quả nổi bật là: Sản lượng vận tải của toàn ngành đạt 1.066,6 triệu tấn (tăng 5,6\%), vận chuyển được 3.058,5 triệu lượt khách (tăng 7,6\%) so với năm 2013; tai nạn giao thông cả nước có 25.322 vụ, làm chết 8.996 người, bị thương 23.417 người. So với năm 2013 giảm 4.063 vụ (-13,8\%), giảm 373 người chết (-4\%) và giảm 5.083 người bị thương (-17,2\%); hoàn thành và đưa vào khai thác 76 công trình, dự án (vượt 31\% so với kế hoạch); giải ngân đạt 116.702,4 tỉ đồng (vượt 31\% kế hoạch năm); hoàn thành cổ phần hóa 10 công ty mẹ - Tổng công ty thuộc bộ Giao thông Vận tải theo đúng kế hoạch; qua đó, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm qua ngành Giao thông Vận tải vẫn còn một số tồn tại như: Một số dự án còn chậm triển khai về tiến độ; chất lượng của một số dự án chưa đảm bảo; vẫn còn hiện tượng xe quá tải trọng hoạt động tại một số địa phương; lĩnh vực hàng không cũng đã xảy ra một số sự cố. Đáng chú ý, những vụ tai nạn giao thông còn nhiều vụ nghiêm trọng với những vụ tai nạn thảm khốc xe khách trên các quốc lộ tại Đắk Nông, Đà Lạt, Quảng Nam... Rồi hàng loạt những vụ sập cầu kinh hoàng như: Vụ sập cầu tại bản Chu Va 6 xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lào Cai làm 8 người chết và 37 người bị thương; Công trình cầu cảng Tổng kho sản phẩm dầu khí Đà Nẵng của tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petro Vietnam đã bị đổ sập xuống biển... Dù ngành giao thông vẫn còn đó nhiều vấn đề bất cập, song có thể nói đến thời điểm này ngành đã phần nào thể hiện tinh thần trách nhiệm trong từng lời hứa của mình. 

    Luật sư Hoàng Nguyên Hồng, cựu chuyên viên cao cấp Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Giải pháp đột phá để "đánh" mạnh "quan tham"

    Năm 2014, câu chuyện phòng, chống tham nhũng đã trở thành đề tài xuyên suốt trên khắp các mặt báo. Thực trạng cũng như tồn tại của cuộc chiến chống "giặc nội xâm" được thẳng thắn đưa ra mổ xẻ. Nhiều đề xuất mới được "trình làng", trong đó có ý tưởng miễn trách nhiệm hình sự với người đưa hối lộ để phát hiện, "đánh" mạnh vào đám "sâu, mọt" tham nhũng.

    Luật sư Hoàng Nguyên Hồng

    Theo quan điểm của tôi, trên thế giới đã có quy định này từ nhiều năm nay và đây là xu hướng văn minh mà Việt Nam cần hướng tới trong quá trình hội nhập phát triển. Đây là đề xuất hay đối với Việt Nam, gợi lại truyền thống, đạo lý nhân văn của người Việt. Đạo lý nhân văn này bắt nguồn từ đạo đức, từ "nhân, lễ, nghĩa, trí, tín". Nhân tức là con người phải có tình thương. Nghĩa - sinh ra là làm theo lẽ phải (theo luật) chứ không làm điều xấu. Việc đề xuất miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tố cáo nhận hối lộ là nhằm hạn chế bản năng (tham, tàn, ác), phát huy cái trí của con người.

    Đề xuất miễn trách nhiệm hình sự đối với người đưa hối lộ đứng ra tố cáo người nhận hối lộ là cần thiết để khuyến khích người dân chống tham nhũng, chống tiêu cực. Tuy nhiên, chỉ người đứng ra tố cáo mới được miễn trách nhiệm hình sự, còn đưa hối lộ mà âm thầm hưởng lợi cần phải xử lý nghiêm. Theo tôi, cần phải thay đổi Bộ luật Hình sự làm sao khuyến khích người đưa hối lộ tố cáo người nhận bởi hiện nay tham những vặt đang nhan nhản.

    Tội phạm tham nhũng bây giờ quá tinh vi, nhiều mánh khóe, thủ đoạn và ngày càng lớn mạnh, trong khi lực lượng chống tham nhũng còn né tránh, sợ đụng chạm. Trên thực tế, rất khó tìm ra những người bản lĩnh, dám đương đầu và chống tham nhũng đến cùng. Do đó, để cuộc chiến chống tham nhũng hiệu quả cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Tôi đề nghị những tội phạm tham nhũng sau khi bị lĩnh án thì toàn bộ tài sản liên quan phải tịch thu nộp vào ngân quỹ Nhà nước mới mong giảm được.

    TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam: Cuộc đột phá từ Luật Doanh nghiệp sửa đổi

    TS. Cao Sỹ Kiêm

    Ngày 26/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 10 Chương 213 Điều với nhiều điểm tích cực. Sau cuộc đột phá về thể chế của văn bản mang tên Luật Doanh nghiệp (DN) năm 1999, Luật DN 2014 được coi là cuộc đột phá thể chế lần hai và đáp ứng sự mong mỏi, chờ đợi của người dân và doanh nghiệp.

    Một trong những thay đổi lớn nhất trong Luật DN 2014 là bỏ hẳn những điều khoản về đăng ký kinh doanh. Theo đó, DN thực sự được làm những gì pháp luật không cấm, thay vì chỉ làm những gì đã đăng ký. Trước đây, cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu DN phải có một số giấy phép, chứng chỉ hành nghề với hoạt động kinh doanh có điều kiện ngay từ khi thành lập. Luật DN 2014 thay đổi theo hướng tách bạch việc đăng ký thành lập DN và việc xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, như yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định...

    Về vấn đề con dấu của DN, dù chưa thể bỏ hoàn toàn việc sử dụng con dấu, nhưng đã có bước cải cách quan trọng. Trước đây, việc cấp, sử dụng con dấu của DN do bộ Công an quy định thì nay theo Luật DN 2014, DN có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của DN theo quy định của pháp luật. Quy định này giúp DN đỡ phiền hà, tốn kém về chi phí, thời gian...

    Những thay đổi trên nhằm mục tiêu đưa DN trở thành công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư, qua đó tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tạo điều kiện cho DN tiếp cận khoa học công nghệ, vốn... để phát triển sản xuất.

    Theo quan điểm của tôi, luật ra đời đã giải quyết một cách cơ bản, tuy nhiên còn hai vấn đề cần nỗ lực, là cụ thể hóa chính sách và sự phối hợp giữa các ngành với nhau. Trong năm qua, các ngành thuế, hải quan đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, chống tiêu cực, nhũng nhiễu. Tuy nhiên, những tiêu cực này phải được chống triệt để trong năm tới.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhin-lai-nam-2014-buc-tranh-toan-canh-da-sac-va-ky-vong-hoa-rong-a84290.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Làm gì để chấm dứt án oan sai?

    Làm gì để chấm dứt án oan sai?

    (ĐSPL) - Thời gian gần đây có nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm các quy định trong tiến hành tố tụng khiến người dân bị oan sai. Điển hình như vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn hay vụ 7 thanh niên bị oan ở Sóc Trăng.