+Aa-
    Zalo

    Những “dấu ấn” trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở Huế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tuy là một thành phố không phát triển nhanh và năng động như TP. HCM, Đà Nẵng nhưng TP. Huế đã có nhiều dấu ấn trong việc phát triển toàn diện trẻ em.

    (ĐS&PL) - Tuy là một thành phố không phát triển nhanh và năng động như TP. HCM, Đà Nẵng nhưng TP. Huế đã có nhiều dấu ấn trong việc phát triển toàn diện trẻ em, với việc hình thành nhiều phương pháp giáo dục, lễ hội, đội nhóm, tổ chức chăm sóc và bảo vệ cho trẻ em.

    Tổ chức Ngày hội Văn hóa Dân gian đậm “chất Huế”

    Đó là Ngày hội Văn hóa Dân gian do trường tiểu học Lê Lợi, TP. Huế tổ chức đều đặn mấy năm nay. Mục đích của Ngày hội nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng nhân cách và hình thành kỹ năng sống đẹp cho học sinh tiểu học. Đây cũng là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong hành trình xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của tập thể giáo viên cùng Hội phụ huynh trường tiểu học Lê Lợi. 

    Chính vì điều đó nên trong Ngày hội, tập thể giáo viên, học sinh trường tiểu học Lê Lợi đã tái hiện lễ hội “Chợ quê” - một hình thức lễ hội đón xuân dân gian - thông qua các hoạt động như hát dân ca ba miền, các trò chơi dân gian, trưng bày các gian hàng nông cụ, các gian hàng ẩm thực như bánh canh Nam Phổ, bánh bột lọc chè, bún mắm ruốc… đậm chất dân gian xứ Huế. 

    Những “dấu ấn” trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở Huế
    Ngày hội Văn hóa Dân gian do trường tiểu học Lê Lợi, TP Huế tổ chức.

    Bên cạnh đó, các hoạt động khác của ngày hội như trường thi xưa, lễ vinh quy bái tổ cũng đã thu hút đông đảo học sinh của trường tham gia. Trường thi xưa tại trường tiểu học Lê Lợi đã được tái hiện trang nghiêm và đầy màu sắc truyền thống, các sĩ tử nhí xúng xính trong trang phục cổ truyền, hồi hộp với từng hồi trống, nhận đề và làm bài thi theo kiểu lều, chõng, bút nghiên. Sau đó là phần vinh danh sĩ tử đỗ đầu và các nghi thức đăng điện, truyền chiếu chỉ, xướng danh, ban áo mão cân đai được thầy trò Trường Tiểu học Lê Lợi tái hiện thật sống động và trang nghiêm. 

    Cuốn hút và hấp dẫn nhất của lễ hội là đám rước trạng về làng Vinh quy bái tổ. Từ xa xưa, đây luôn là một nghi thức trang trọng, một bức tranh đầy màu sắc, bản hoan ca làm nức lòng các sĩ tử, bởi đó không chỉ là niềm vui của sĩ tử mà còn của gia đình, dòng tộc, quê hương khi có người con đổ đạt, vinh danh. Với rộn ràng kèn trống, lộng lẫy kiệu son, tưng bừng cờ quạt, đám rước đã tái hiện lại vô cùng sinh động hình ảnh trong không khí vừa uy nghiêm trang trọng vừa nô nức huyên náo của cảnh Vinh quy bái tổ thời xưa.

    Tổ chức sân chơi bơi lội dành cho học sinh tiểu học

    Với địa hình sông, suối, hồ, ao nên TP. Huế hằng năm phải đối phó với các trận lũ, lụt, ngập úng và những tai nạn về sông nước khá lớn. Bên cạnh đó, theo thống kê, tỉnh Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương có số lượng trẻ em đuối nước tương đối cao. Để trang bị cho các em học sinh một số kỹ năng cơ bản khi vận động trong môi trường nước; nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển thể chất và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng khi tiếp xúc với môi trường sông nước và trong mùa mưa bão, UBND TP. Huế đã ký kết với Trung tâm khuyến khích tự lập triển khai chương trình dạy bơi cho học sinh tiểu học trên địa bàn TP. Huế trong vòng 10 năm (2012-2022). 

    Những “dấu ấn” trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở Huế
    Tổ chức sân chơi bơi lội dành cho học sinh tiểu học TP Huế

    Theo ông Nguyễn Văn Dấu, Giám đốc Trung tâm TDTT TP. Huế dự kiến giai đoạn từ tháng 9/2013 đến tháng 5/2014 sẽ có 1.000 học sinh tiểu học ở hai khu vực nam và bắc Sông Hương tham gia khóa học bơi bổ ích này.

    Tuyên truyền về “xã hội học tập” cho học sinh tiểu học, THCS

    Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế nhận định: “Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, tự học và học tập suốt đời là một luận điểm quan trọng và xuyên suốt. Người từng nói: “Sự học là vô cùng”, “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”, “Học hỏi là việc phải tiếp tục suốt đời. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”. Và sau này, Bác lại nêu lên một triết lý sâu sắc thông qua một sự việc cụ thể, dễ nhớ là: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. 

    Những “dấu ấn” trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở Huế
    Các em học sinh tiểu học, THCS TP Huế sẽ là những nhân tố đầu tiên để TP Huế trở thành “xã hội học tập”

    Quán triệt tư tưởng đó, UBND TP. Huế đã làm công tác chỉ đạo và tham mưu cho 27 phường phối hợp tuyên truyền trong các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn để thực hiện việc học thường xuyên, học suốt đời, học để biết, để làm việc, để làm người, để chung sống và phát triển ở cộng đồng, nhằm góp phần xây dựng TP. Huế trở thành một xã hội học tập. 

    Thành lập Câu lạc Bộ Hướng Dương dành cho đội viên

    Đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Thường vụ Thành Đoàn Huế, phụ trách khối đoàn 27 phường của TP. Huế cho biết: “Hiện nay đất nước ta đang đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên công tác giáo dục thanh thiếu niên rất được chú trọng. Tuy nhiên, nhiều phường tại TP. Huế hiện đang rất khó khăn về phong trào tại các khu dân cư. Chẳng hạn, bí thư đoàn phường thường kiêm luôn chủ tịch hội đồng đội nhưng nhiều phường chỉ hoạt động hội đồng đội trong 3 tháng hè vì tình hình vận động và tập hợp các đội viên trong 9 tháng còn lại rất khó khăn. Bởi thế, Thành đoàn Huế sẽ cho phép những phường có tình hình khó khăn như thể không duy trì hội đồng đội nữa mà chỉ duy trì câu lạc bộ đội nhóm thiếu niên tiền phong”. 

    Những “dấu ấn” trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở Huế
    Thành viên CLB Hướng Dương (áo xanh), tuy mới là đội viên nhưng vẫn huấn luyện cho một em nhỏ tuổi hơn tập hát. Ảnh do CLB Hướng Dương cung cấp.

    Chính vì vậy, tại nhiều địa phương, nhiều câu lạc bộ đội nhóm thiếu niên tiền phong đã ra đời. Trong đó có Câu lạc bộ Hướng Dương.

    Đồng chí Nguyễn Hữu Nhân, phó bí thư Đoàn phường Phú Hiệp, người sáng lập ra CLB Hướng Dương cho biết: “Hiện tại, CLB Hướng Dương là sân chơi và là nơi tập hợp các đoàn viên và đội viện tham gia hoạt động thường xuyên hằng tuần. Đây là một CLB chuyên huấn luyện cho đoàn viên thanh niên và các đội viên về các kỹ năng như dân vũ quốc tế, các loại mật thư, cách dựng trại và các trò chơi đoàn thể. Để duy trì câu lạc bộ này, Đoàn phường đã vận động nhiều bạn đoàn viên hiện đang tham gia Câu lạc bộ Thủ lĩnh Thanh Niên và Đội Công tác Xã hội TP. Huế về lại địa phương sinh hoạt để hỗ trợ thêm về mặt huấn luyện kỹ năng”.

    Tổ chức Codes tiên phong bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em

    Trên thực tế, nhiều vụ bạo hành trẻ em đã diễn ra, như vụ tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh (TP.HCM) đã chứng minh rằng trẻ em là một nhóm dễ bị tổ thương, thiếu năng lực bảo vệ trước những hành vi xâm phạm. Cộng đồng xã hội đã thực sự bị “sốc” khi chứng kiến những hành động như: Bóp cổ; gí đầu xuống đất; gí đầu vào thùng nước; lấy khăn bịt mũi; dùng khăn bẩn để lau miệng; đè đầu, dùng tay bịt mũi, buộc phải ăn; túm đầu các bé lắc như búp bê... của những kẻ mệnh danh là “cô giáo” ở một cơ sở mầm non tư thục mang tên Phương Anh, trú tại 18 đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức (TP. HCM) khi nuôi dạy các bé mầm non.

    Những “dấu ấn” trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở Huế
    Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội (Codes) vẫn kiên trì mục tiêu bảo vệ quyền trẻ em trong năm nay. (Ảnh do Codes cung cấp)

    Người xưa từng nói: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Có nghĩa là lúc mới sinh ra, trẻ em như tờ giấy trắng, nếu sống trong một môi trường được dạy dỗ tốt thì sẽ phát triển theo chiều hướng tốt và ngược lại. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng ví rằng: “Trẻ em như búp trên cành”. Có nghĩa là trẻ em rất cần sự yêu thương, đùm bọc, che chở! 

    Do đó, để bảo vệ trẻ em trước những hành vi xâm phạm, Codes (tên viết tắt của Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội, được thành lập tại TP. Huế) đã đi tiên phong trong việc xây dựng quyền riêng tư dành cho trẻ em và kiên trì bảo vệ các quyền lợi khác của trẻ em được ghi nhận trong Luật Bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em của Việt Nam và các công ước Quốc tế về Quyền trẻ em mà nước ta có tham gia. 

    Chẳng hạn, theo kết quả điều tra của của Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội (Codes) tại Hội thảo nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em diễn ra tại Huế vào ngày 17/6/2013 cho thấy có đến 548 bài báo mà nội dụng của chúng không đảm bảo quyền riêng tư của trẻ em đã được đăng tải trên 5 tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam chỉ trong năm 2012. Trong đó có 39\% bài báo đăng ảnh của trẻ em trực diện khuôn mặt, nơi tổn thương, cùng với gia đình và nhà cửa/trường học. 47\% bài báo cung cấp tên của ba mẹ và người giám hộ. Thông tin về nơi ở của các em được cung cấp cụ thể đến địa danh xã/phường/thị trấn (30\%) và đến địa chỉ rõ ràng có thể tìm thấy được (thôn/xóm/đường – 41\%). Điều đáng lưu ý là chủ đề của những bài báo nói trên lại là trẻ em bị xâm hại tình dục (47\%), bị bạo hành/bạo lực (23\%) và nhân đạo, từ thiện (11\%); đối tượng bài báo là nữ (74\%) và trẻ em ở các vùng khó khăn như miền núi và nông thôn (79\%). Những bài báo đó lại được trích dẫn nguyên văn hay một phần đến 2692 lượt trên các tờ báo điện tử khác.

    Ông Lê Thế Nhân, giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội (Codes) cho biết: “Năm 2014, Codes sẽ tiếp tục hoạt động với một trong những nội dung chính là hướng về quyền trẻ em và góp ý xây dựng với các cơ quan lập pháp để hoàn thiện hơn về pháp luật quyền trẻ em ở nước ta”.

    23.000 trẻ em được thụ hưởng từ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Tỉnh

    Bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, năm 2013, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động tạo nguồn kinh phí, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Tỉnh Thừa Thiên – Huế và các Chi hội đã thực hiện tốt các chương trình trọng tâm của năm. Hội tỉnh và các chi Hội trực thuộc đã vận động nguồn lực từ các tổ chức, các doanh nghiệp, cá nhân; trong đó Hội tỉnh vận động 1.310.975.321 đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật) và chi 1.158.866.796 đồng cho các chương trình, dự án, hoạt động Hội với số trẻ em đã được thụ hưởng là 23.000 em.

    Những “dấu ấn” trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở Huế
    Hội Bảo vệ trẻ em Tỉnh Thừa Thiên – Huế

    Hội Bảo vệ quyền trẻ em Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đẩy mạnh các hoạt động như bảo vệ trẻ em khỏi lạm dụng, bỏ mặc, bóc lột, bạo lực, tập trung vào nhóm trẻ em dễ bị tổn thương nhất, dinh duỡng học đường, sức khỏe sinh sản vị thành niên, chăm sóc và dự phòng cho trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV và AIDS, hỗ trợ học bổng, bảo hiểm cho trẻ em.

    Toàn Nguyễn


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-dau-an-trong-viec-cham-soc-va-bao-ve-tre-em-o-hue-a23994.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Lấy bằng cấp làm bình phong để trục lợi từ thân xác trẻ em

    Lấy bằng cấp làm bình phong để trục lợi từ thân xác trẻ em

    Mặc dù có tấm bằng đại học chuyên ngành mầm non, nhưng đó chỉ là bức bình phong mà bà Phương dùng để các phụ huynh yên tâm mà gửi con. Thực tế, họ không làm theo những gì được giáo dục tại nhà trường, thay vào đó những phương pháp bạo hành dã man.