+Aa-
    Zalo

    Những lễ hội cổ truyền đặc sắc sau Tết Nguyên đán trên khắp cả nước

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cứ dịp Tết đến xuân về, người dân trên cả nước lại hào hứng tham gia vào các lễ hội để cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc, nhiều may mắn.

    Cứ dịp Tết đến xuân về, người dân trên cả nước lại hào hứng tham gia vào các lễ hội để cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc, nhiều may mắn.

    Hội rước pháo Đồng Kỵ, mùng 4 tháng Giêng

    Hội pháo làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) được ghi tên trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

    Đây là lễ hội truyền thống, được tổ chức vào mùng 4 Tết hàng năm để tưởng nhớ ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng sau này được dân tôn thờ làm thành hoàng làng, điều quân đi đánh giặc.

    Tâm điểm của lễ hội là tục rước pháo, những "ông pháo" dài 5-6m có sơn son thiếp vàng, gắn tứ linh được vài trăm trai tráng rước qua các trục đường chính của làng Đồng Kỵ.

    Lễ hội núi Bà Đen, Tây Ninh, mùng 4 tháng Giêng

    Hội xuân núi Bà Đen khai mạc ngày mùng 4 Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết tháng Giêng. Đây là lễ hội truyền thống nổi tiếng Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam Bộ.

    Du khách có thể lên chùa Bà Đen trên núi bằng cách đi bộ hoặc hệ thống máng trượt, cáp treo. Ngoài hành hương lễ Phật đầu năm, núi Bà Đen với độ cao 968 m còn là thử thách thú vị với nhiều người mê thích leo núi.

    Hội gò Đống Đa, mùng 5 tháng Giêng

    Hội gò Đống Đa, Hà Nội diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 tết Nguyên Đán tại gò Đống Đa, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

    Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất.

    Tại quê hương của Quang Trung – Nguyễn Huệ, lễ hội cũng được tổ chức từ mùng 4 đến mùng 5 tháng Giêng âm lịch, tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định.

    Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn), khai hội mùng 6 âm lịch

    Lễ hội Gióng ở đền Sóc sẽ được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội từ ngày 6 đến ngày 8 âm lịch. Theo truyền thuyết, đây là nơi Thánh Gióng bay về trời. Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

    Cũng bởi vậy, lễ hội được nhiều người tìm đến để cầu nguyện sức khỏe, ý chí vươn cao trong năm mới. Trong lễ hội có những nghi thức độc đáo như: Lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng – nơi thờ Thánh Gióng. Bên cạnh những nghi lễ, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo.

    Hội Gióng là một lễ hội văn hóa cổ truyền mô phỏng rõ một cách sinh động và khoa học diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang với giặc Ân.

    Hội Xoan (Phú Thọ), khai hội mùng 7 âm lịch

    Hội Xoan diễn ra tại làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, Phú Thọ từ ngày mùng 7 đến mùng 10 âm lịch. Đây là lễ hội tưởng nhớ Xuân Nương, một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng.

    Theo truyền thuyết dân gian vùng đất tổ Phú Thọ, nghệ thuật hát xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước (hơn 2000 năm trước Công nguyên). Người ta tổ chức hát xoan không chỉ để vui chơi, chúc tụng các vua Hùng mà còn để cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn…

    Hội chợ Viềng, đêm mùng 7 tháng Giêng

    Hội chợ Viềng diễn ra tại xã Kim Thái (huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Chợ họp từ đêm mùng 7 cho đến hết mùng 8 tháng giêng.

    Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp duy nhất một phiên, bày bán chủ yếu là các loại cây trồng, nông cụ và đồ cổ, từ hoa cây cảnh đến cuốc, xẻng và cả những những bộ tế khí, lư hương đồng… Với quan niệm đi chợ Viềng “mua may, bán rủi”, người bán kẻ mua đều vui vẻ, người bán không nói thách và người mua cũng không mặc cả.

    Lễ hội xuân Yên Tử, mùng 10 tháng Giêng

    Lễ hội Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) sẽ chính thức khai mạc vào ngày 10/1 âm lịch.

    Là một trong những trung tâm Phật giáo của Việt Nam, Yên Tử mỗi năm vào mùa lễ hội thu hút hàng trăm nghìn lượt khách hành hương. Lễ hội Yên Tử được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch). Hàng năm, tới dịp lễ hội, du khách đổ về Yên Tử (Quảng Ninh) từ sáng sớm, hăm hở leo núi để được chạm tới ngôi chùa làm bằng đồng nằm trên đỉnh non thiêng.

    Lễ hội chợ đình Bích La, mùng 3 Tết

    Đình làng Bích La Đông nằm trong khuôn viên rất đẹp, hội đủ các yếu tố phong thủy. Cạnh đình làng là khu miếu thờ tiến sĩ và những người có công trong sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước. Đây có thể là một trong những làng quê ít ỏi của Việt Nam có miếu thờ các vị tiến sĩ là con em của làng.

    Phiên chợ này họp tại đình làng Đông từ nửa đêm hôm trước đến sáng hôm sau với hàng nghìn người dân trong tỉnh Quảng Trị và các địa phương như Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình tham dự để mua sản vật tượng trưng cho tài, lộc, phúc đức đầu năm như trầu, cau, chè xanh, các loại rau, củ, quả và đồ chơi dân gian… do phần lớn người dân Bích La Đông mang đến phục vụ. Phiên chợ này mỗi năm chỉ tổ chức một lần vào thời gian trên.

    Điểm nhấn nổi bật nhất trong khuôn khổ Lễ hội chợ đình Bích La là lễ cầu thần Kim Quy, diễn ra vào rạng sáng mùng 3 Tết. Không gian của lễ cầu thần Kim Quy rất linh thiêng, thể hiện mong ước đất nước vạn phúc của thuở cha ông đi mở nước và giữ nước. Chính sự khát vọng lớn lao và thiêng liêng được người dân gìn giữ đến hôm nay đã làm cho lễ cầu thêm trang nghiêm, thu hút hàng vạn du khách đến du Xuân, dự lễ với lòng thành kính.

    Khai ấn Đền Trần – Nam Định, 13 tháng Giêng

    Lễ hội ở đền Trần diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin/mua được tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp.

    Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn, mùng 5 Tết

    Diễn ra trong khoảng mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng, lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông, là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội, có lịch sử diễn ra từ thế kỷ X trên quê hương vua Lê Đại Hành và được khôi phục sau nhiều năm thất truyền kể từ năm 2009.

    Nguyễn Phượng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-le-hoi-co-truyen-dac-sac-sau-tet-nguyen-dan-tren-khap-ca-nuoc-a262219.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Lễ hội Chùa Hương diễn ra khi nào?

    Lễ hội Chùa Hương diễn ra khi nào?

    Lễ hội chùa Hương là một nét văn hóa, tâm linh truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Mỗi dịp đầu năm mới, du khách thập phương lại nô nức đổ về chùa Hương để trẩy hội.