+Aa-
    Zalo

    Những người “rũ áo từ quan” gây xôn xao dư luận

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Có ý kiến cho rằng việc từ chức ở Việt Nam là “khó có đất sống”, có lẽ chính vì vậy mà việc “rũ áo từ quan” của một số quan chức đã trở thành chủ đề bàn luận

    (ĐSPL) –  Có ý kiến cho rằng việc từ chức ở Việt Nam là “khó có đất sống”, có lẽ chính vì vậy mà việc “rũ áo từ quan” của một số quan chức đã trở thành chủ đề bàn luận của nhiều người.

    Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên Trần Văn Quyến

    Những người “rũ áo từ quan” gây xôn xao dư luận

    Cựu Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên Trần Văn Quyến đứng giữa vườn cây mà ông dày công chăm sóc (Ảnh Tiền Phong).

    Năm 2000, ông Trần Văn Quyến xin từ chức Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên và nghỉ việc.

    Được dẫn lời trên báo Tiền Phong, khi được hỏi vì sao lại từ chức trong khi chỗ này nhiều người muốn vào, ông Quyến trả lời: “Môi trường cơ quan làm việc rất tốt. Nhưng nói thật, làm khoa học nhiều cái mình rất muốn, nhưng cơ chế không cho phép; cấp phó nên cũng không thể quyết định được nhiều việc”.

    Sau khi nghỉ việc, ông chọn nghiệp làm một nông dân, mua vài ha đất đồi hoang vu ở xã Núi Tượng gần với Vườn quốc gia Cát Tiên và bắt tay trồng trọt, tự tìm tòi, nghiên cứu cây gió bầu về trồng trên vùng đất mới.

    Được biết, ông Quyến tốt nghiệp Đại học Nông Lâm. Vào năm 1981 ông Quyến về làm việc tại Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai. Được hai năm, ông xin về công tác tại Hạt kiểm lâm huyện Tân Phú rồi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên.

    Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Kế Hào

    Những người “rũ áo từ quan” gây xôn xao dư luận

    Vụ trưởng vụ Tiểu học Nguyễn Kế Hào.

    Năm 2001, Vụ trưởng Vụ Tiểu học Nguyễn Kế Hào đã viết đơn xin từ chức.

    Theo báo Tuổi trẻ, lý do ông từ chức là để phản đối việc cải cách của chương trình tiểu học (CTTH) năm 2000 bởi theo ông, chương trình này tiến hành theo một chu trình ngược, không khả thi.

    Nhận xét về việc từ chức này của Vụ trưởng vụ Tiểu học, GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng cho rằng việc từ chức này là tự trọng cá nhân, vì những đóng góp, những sáng kiến của mình không được xem xét đúng đắn. “Trường hợp này, tôi rất ủng hộ và tôi cho là đúng. Điều này cũng phù hợp và rõ ràng với nhiều nước trên thế giới”, ông Dũng nói.

    Được biết, ông Nguyễn Kế Hào được bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT) vào năm 1994.

    Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ
    Những người “rũ áo từ quan” gây xôn xao dư luận
    Ông Lê Huy Ngọ xin từ chức sau 7 năm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

    Sau 7 năm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (từ năm 1997), ngày 26/4/2004, ông Lê Huy Ngọ đã làm đơn xin từ chức với lý do có phần trách nhiệm về công tác quản lý, gây hậu quả trong vụ án Lã Thị Kim Oanh làm thất thoát hơn 100 tỷ đồng. Trước đó, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9, ông Ngọ đã bị kỷ luật Đảng với hình thức cảnh cáo.

    Đây là lần đầu tiên một bộ trưởng đương chức làm đơn từ nhiệm. Hành động này được chính ông Lê Huy Ngọ nhận xét là “điều bình thường, là nét văn minh trong đời sống chính trị”, theo Vnexpress.

    Ngày 1/6/2004, Quốc hội đã bỏ phiếu đồng ý miễn nhiệm chức bộ trưởng đối với ông Lê Huy Ngọ. Với 70\% số phiếu tán thành miễn nhiệm, Quốc hội đã khẳng định sự đòi hỏi ngày càng cao đối với trách nhiệm của một bộ trưởng.

    Bộ trưởng Giao thông vận tải Đào Bình Bình
    Những người “rũ áo từ quan” gây xôn xao dư luận

    Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đào Đình Bình xin từ chức do để xảy ra sai phạm tại Bộ Giao thông Vận tải, nơi ông có trách nhiệm quản lý.

    Ngày 4/4/2006, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đào Đình Bình đã gặp Thủ tướng Chính phủ để chính thức nộp đơn xin từ chức.

    Tuy nhiên, đơn xin từ chức của ông Bình đã không được Thủ tướng chấp nhận, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Đào Đình Bình tiếp tục làm việc cho đến khi có quyết định của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

    Trong lá đơn xin từ chức được báo Người Lao Động đăng tải, Bộ trưởng Đào Đình Bình nêu rõ: “Bản thân tôi rất đau buồn và nhận hoàn toàn trách nhiệm của mình trước những việc xảy ra tại Bộ GTVT, ở Ban Quản lý dự án giao thông 18, trong lĩnh vực quản lý xây dựng cơ bản... Với trách nhiệm là người đứng đầu ngành, tôi nghiêm túc kiểm điểm, thấy mình mặc dù đã rất cố gắng nhưng chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vì vậy, tôi xin từ chức Bộ trưởng Bộ GTVT, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT và xin rút khỏi danh sách dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Tôi sẽ tiếp tục kiểm điểm trách nhiệm của mình theo sự chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ”.

    Cũng trong lá đơn xin từ chức này, Bộ trưởng Đào Đình Bình đã nhận trách nhiệm về vụ đổ tàu E1 ở Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế) đầu năm 2005.

    Đến ngày 21/6/2006, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Bộ trưởng Đào Đình Bình do đã để xảy ra nhiều tiêu cực, sai phạm tại Bộ Giao thông Vận tải, nơi ông có trách nhiệm quản lý.

    Được biết, ông Đào Đình Bình sinh năm 1945, tiến sĩ vận tải. Tháng 7/2002, Quốc hội chính thức phê chuẩn ông Bình làm Bộ trưởng Giao thông vận tải. 

    Ông Lương Văn Lý, Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM

    Những người “rũ áo từ quan” gây xôn xao dư luận
    Sau khi viết đơn xin từ chức Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, ông Lý đã mở công ty riêng. (Ảnh: Tiền Phong)

    Tin tức trên báo Tiền Phong, năm 2007, Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM Lương Văn Lý vừa chính thức có đơn gửi lãnh đạo TP.HCM xin nghỉ việc và rút khỏi chức danh Phó giám đốc Sở.

    Ông Lương Văn Lý sinh năm 1952, chuyên gia công pháp quốc tế, tốt nghiệp đại học tại Thụy Sĩ, là một trong số rất ít cán bộ lãnh đạo của TP thông thạo hai ngoại ngữ (tiếng Anh và Pháp). Trước khi chuyển về làm Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM phụ trách về đầu tư nước ngoài năm 2001, ông Lý là Phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM và có thâm niên công tác 24 năm trong ngành ngoại giao.

    Sau khi biết tin ông Lý nghỉ việc, đã có một số quĩ đầu tư, công ty có vốn đầu tư nước ngoài muốn mời ông Lý về làm tư vấn đầu tư. Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp của ông Lý cho biết ông Lý có ý định mở công ty riêng chuyên về lĩnh vực tư vấn đầu tư.

    Hiện, ông Lý là cố vấn kiêm trưởng bộ phận đầu tư và thương mại của Công ty Luật VLT do chính ông và đối tác thành lập. Ngoài ra, ông còn là thành viên độc lập Hội đồng quản trị Quỹ hạ tầng Vinacapital và Quỹ Blackhorse.

    Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận Mai Chí

    Những người “rũ áo từ quan” gây xôn xao dư luận

    Ông Mai Chí - Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận từ chức với lý do không tán thành cách triển khai một số công trình thủy lợi của tỉnh. (Ảnh: Thanh Niên)

    Theo báo Thanh Niên, sáng ngày 25/4/2013, ông Mai Chí, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, ông đã làm đơn xin từ chức phó giám đốc sở.

    Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh, lãnh đạo tỉnh đã chấp nhận đơn xin từ chức của ông Mai Chí.

    Về nguyên nhân từ chức, ông Mai Chí cho biết, ông có nhiều trăn trở và không tán thành cơ bản với cách triển khai một số công trình thủy lợi của tỉnh.

    Được biết, ông Mai Chí khá nổi tiếng trong giới khoa học thủy lợi. Ông là thạc sĩ chuyên ngành cơ học công trình, được đào tạo tại Pháp và từng cùng các chuyên gia của Hiệp hội Thủy điện Thế giới chuyển giao công nghệ xây đập thủy lợi của Pháp cho Bình Thuận.

    Được biết, ông Mai Chí được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở phụ trách công tác thủy lợi vào năm 2008.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-nguoi-ru-ao-tu-quan-gay-xon-xao-du-luan-a67703.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    5 hiệu trưởng từ chức và còn ai từ chức nữa!

    5 hiệu trưởng từ chức và còn ai từ chức nữa!

    Ngành giáo dục quận Hà Đông (Hà Nội) làm một việc xưa nay hiếm, miễn nhiệm 5 hiệu trưởng để điều đi nơi khác làm hiệu phó. Cách miễn nhiệm cũng rất có văn hóa, đó là để cho các vị này thực hiện “văn hóa từ chức”.