+Aa-
    Zalo

    Những sự kiện báo chí nổi bật năm 2016

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) –Phát hiện “Formosa chôn lấp chất thải” trên rừng; 50 cơ quan báo chí bị phạt trong vụ nước mắm nhiễm thạch tín; Chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan báo chí...

    (ĐSPL) –Phát hiện “Formosa chôn lấp chất thải” trên rừng; 50 cơ quan báo chí bị phạt trong vụ nước mắm nhiễm thạch tín; Chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan báo chí... là những sự kiện nổi bật của ngành báo chí, truyền thông trong năm 2016.

    Chỉnh đốn hoạt động báo chí

    Năm 2016, Bộ TT-TT đã chấn chỉnh, xử lý sai phạm của nhiều tờ báo, trang tin điện tử và mạng xã hội. Việc này được cho đã kiểm soát, loại bỏ các luồng thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng xấu cho xã hội.

    Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn. (Ảnh: Vietnamnet)

    Cụ thể, Bộ TT-TT đã tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí, nghiêm túc, quyết liệt chấn chỉnh, xử lý nghiêm các nhà báo, phóng viên, cơ quan báo chí, các trang thông tin điện tử xa rời tôn chỉ mục đích, đưa tin sai sự thật, vi phạm các quy định về quản lý, vi phạm các quy định của pháp luật. Một số cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí và đạo đức hành nghề đã bị Bộ TT-TT đình bản hoặc thu hồi thẻ nhà báo.

    Trong loạt bài trên báo Nhân Dân*, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các cơ quan quan báo chí. Cụ thể, mặc dù Bộ TT-TT đã xử lý rất quyết liệt tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử xa rời tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ, không tuân thủ kỷ luật thông tin khi đưa tin và thiếu nhạy cảm, chạy theo xu hướng thông tin giật gân gây hiệu ứng xấu cho xã hội. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ TT-TT cũng cho rằng, mặc dù số lượng các cơ quan báo chí của Việt Nam khá nhiều nhưng chất lượng tin, bài ở nhiều tờ báo, tạp chí còn chưa cao, không đáp ứng được nhu cầu độc giả, gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Điều nay đặt ra nhiệm vụ và trách nhiệm cho các cơ quan báo chí phải không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng trong việc tìm kiếm, chọn lọc và truyền tải thông tin phục vụ độc giả.

    *Nhận diện nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực báo chí và một số giải pháp khắc phục – Bài 2 kỳ trên báo Nhân Dân ngày 25 và 28/10/2016 

    Phóng viên phát hiện Formosa chôn lấp chất thải trong rừng

    Tháng 7/2016, Báo điện tử Người Đưa Tin đã gây tiếng vang với dư luận và cơ quan chức năng sau khi công bố loạt bài điều tra “Formosa chôn lấp chất thải trên rừng”. Cụ thể, sau nhiều ngày theo dõi và điều tra, nhóm phóng viên của Báo Người Đưa Tin đã phát hiện 100 tấn chất thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Hiệp Formosa (Formosa Hà Tĩnh) được chôn lấp tại một trang trại bí mật thuộc vùng thượng Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

    Chất thải của Formosa bị phát hiện trong quá trình chôn lấp trái phép. (Ảnh: Người Đưa Tin)

    Sau khi sự việc được đăng tải, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học công nghệ... khẩn trương phối hợp UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, làm rõ.Trường hợp đúng sự thật phải có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng.

    Các nhà khoa học lấy mẫu phân tích, kết quả cho thấy có một số mẫu có nồng độ chất xyanua vượt quá quy chuẩn, ngưỡng chất thải nguy hại. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã đưa ra các biện pháp ngăn chặn, xử phạt và khắc phục hậu quả chôn lấp chất thải nguy hại do Formosa gây ra.

    Trước hiệu quả lan truyền mạnh mẽ của loạt bài điều tra, Bộ TT-TT đã trao tặng bằng khen cho báo điện tử Người Đưa Tin và những phóng viên nỗ lực vạch trần sai phạm trong việc chôn chất thải của Formosa Hà Tĩnh ra trước ánh sáng công luận. Nói về vai trò báo chí trong sự kiện này, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã phát biểu: “Tôi xin cảm ơn cơ quan báo chí trong thời gian vừa qua đã phát hiện vụ việc Formosa chôn lấp rác thải. Nó thể hiện sự dũng cảm, trách nhiệm lớn của nhà báo với người dân".

    Thông tin nước mắm nhiễm thạch tín và “truyền thông bẩn”

    Năm 2016, làng báo rung động bởi sự kiện xuất hiện thông tin sai sự thật về nước mắm nhiễm thạch tín khiến người dân hoang mang. Thông tin sai sự thật được cho là cố ý, song đã khiến rất nhiều tờ báo vô tình làm thông tin này lan truyền.

    50 cơ quan báo chí đã bị phạt trong "cú ngã ngựa" nước mắm nhiễm thạch tín. (Ảnh: Đại đoàn kết)

    Cụ thể, ngày 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) và Báo Thanh Niên đã công bố khảo sát các mẫu nước mắm bán trên thị trường về các chỉ tiêu ATTP. Kết quả cho thấy, 67mẫu nước mắm nằm trong danh sách khảo sát có hàm lượng asen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép.

    Ngay sau khi đăng tải, thông tin này đã khiến dư luận phản ứng và hoang mang. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ ngày 12-23/10, truyền thông xã hội có trên 44 nghìn bài viết, 95 nghìn lượt chia sẻ, 108 nghìn thảo luận, trên 63 nghìn bình luận về thông tin nước mắm nhiễm thạch tín do Vinatas công bố.

    Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ KH-CN và các cơ quan chức năng điều tra làm rõ thông tin trên. Kết quả điều tra do Bộ Y tế công bố cho thấy, thông tin nước mắm nhiễm thạch tín độc lại mà Vinastas là sai sự thật. Vinatas đã nhầm lẫn giữa asen vô cơ và asen hữu cơ, đồng thời không làm rõ loại nào là độc hại, loại nào là không độc hại cho người tiêu dùng. Đồng thời, Bộ Y tế cũng khẳng định, nước mắm truyền thống của Việt Nam đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn an toàn, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

    Sau sự việc thông tin nhầm lẫn này, Bộ TT-TT đã ra quyết định xử phạt 50 cơ quan báo chí thông tin sai sự thật. Cụ thể, phạt báo Thanh Niên 200.000.000 đồng. Mức phạt tiền cao nhất đối với vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí. Phạt báo Người tiêu dùng: 50.000.000đồng và 6 cơ quan báo chí khác số tiền 45.000.000 đồng/1 cơ quan, 41 cơ quan báo chí chịu mức phạt từ 10-15 triệu đồng.

    Phóng viên bị hành hung và tăng cường bảo vệ hoạt động báo chí

    Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, trong khoảng 5 năm trở lại đây có khoảng 50 vụ tấn công nhà báo. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, có khoảng 4 vụ hành hung, đe dọa, lăng mạ phóng viên được các cơ quan báo chí đưa tin. Một số vụ việc hành hung khiến phóng viên bị thương nghiêm trọng như: nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao Động); phóng viên Quang Thế (Báo Tuổi trẻ); phóng viên Nguyễn Tùng (Đài truyền hình kỹ thuật số VTC).... Đáng ngại hơn, các vụ cản trở, hành hung vẫn xảy ra khi đương sự biết rõ người bị tấn công là nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp.

    Một trong những vụ phóng viên bị hành hung trong quá trình tác nghiệp. (Ảnh: VnExpress)

    Ngay sau khi các vụ việc xảy ra, Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí... đã vào cuộc điều tra và có những hành động kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của PV trong quá trình tác nghiệp. Những hành động kịp thời này đã góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Đồng thời, cũng góp phần đưa các thông tin, sai phạm và mặt trái của xã hội ra trước ánh sáng công luận.

    Để bảo vệ quyền lợi của người làm báo, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 triển khai kế hoạch công tác năm 2017,  Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm tâm của các đơn vị quản lý thông tin, báo chíđó là quan tâm bảo vệ quyền lợi của những người làm báo chân chính, khen thưởng kịp thời những cơ quan báo chí làm tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền.

    Cung cấp, minh bạch thông tin các sự kiện rung động

    Năm 2016 cũng là năm ghi nhận báo chí được cơ quan chức năng cung cấp và tạo điều kiện tích cực trong việc thông tin trong các sự kiện lớn của đất nước.

    Không chỉ được tạo điều kiện đưa tin về các hội nghị, đại hội quan trọng quyết định đến tương lai của đất nước trong tương lai mà các cơ quan báo chí còn được cung cấp thông tin các sự kiện gây chấn động xã dư luận xã hội. Điển hình như các vụ trọng án giết người nguy hiểm, vụ sát hại Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, vụ cháy ở quán karaoke trên đường Trần Thái Tông, các vụ án oan sai chấn động dư luận... để người dân trên cả nước kịp thời nắm bắt thông tin.

    Đặc biệt, trong năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc Ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan nhà nước. Quyết định này đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo dư luận và các cơ quan báo chí. Sau khi ban hành, các cơ quan nhà nước đã thường xuyên, tích cực cung cấp các thông tin liên quan đến các vấn đề thời sự, các vấn đề nóng của xã hội, tình hình phát triển kinh tế... để người dân và các cơ quan báo chí nắm bắt, hiểu biết và có những đóng góp kịp thời vào sự phát triển chung của đất nước.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-su-kien-bao-chi-noi-bat-nam-2016-a176633.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan