+Aa-
    Zalo

    Nỗi niềm đau đáu của luật sư về nữ bị cáo liên tục “nhúng chàm”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Việc tái hòa nhập với xã hội sau hơn chục năm thụ án đối với người nữ chủ quán mỳ vằn thắn từng “nhúng chàm” có lẽ là điều vô cùng khó khăn.

    Việc tái hòa nhập với xã hội sau hơn chục năm thụ án đối với người nữ chủ quán mỳ vằn thắn từng “nhúng chàm” có lẽ là điều vô cùng khó khăn. Đang lúc quay cuồng với vòng xoáy mưu sinh, muốn làm người lương thiện thì số phận nghiệt ngã lại một lần nữa trêu ngươi người phụ nữ này.

    Quay cuồng tái hòa nhập cộng đồng

    Kể về vụ án Phạm Thị Loan (SN 1963, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phạm tội Giết người theo điểm n, khoản 1, Điều 93 BLHS 1999, vầng trán luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) khẽ nhăn trán, lắc đầu tiếc thay cho một kiếp người cả đời gắn liền với ngục tù.

    Ngày ra hầu tòa lần thứ hai về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, Loan ngồi cô độc trước bục khai báo. Nữ bị cáo đầu hai thứ tóc không ngừng ngoái đầu đầu tìm kiếm ánh mắt người thân qua khe cửa của phòng xử khép hờ. Trước đó, Phạm Thị Loan đã từng bị xử phạt 19 năm tù về 2 tội Mua bán trái phép chất ma túy và Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Bị cáo thụ án được hơn chục năm thì được đặc xá ra tù (đã được xóa án tích).

    Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

    Theo lời kể của luật sư Thơm, bản chất của bị cáo Loan là 1 người phụ nữ hiền lành, lam lũ. Nói về nguyên nhân dẫn đến việc Loan phạm tội về ma túy, một phần cũng do hoàn cảnh đưa đẩy. Trong lúc cuộc sống túng bấn, gồng mình với gánh nặng cơm áo gạo tiền nuôi chồng, nuôi con, nghe lời bạn bè xấu rủ rê, Loan tập tọe đi buôn ma túy, rồi còn tổ chức cho các con nghiện hút hít ngay trong nhà của mình. Chưa biết đến đồng tiền lãi được bao nhiêu thì công an đã ập vào bắt giữ.

    Sau hơn chục năm trả án về tội phạm trên, ngày Loan được đặc xá ra tù trước thời hạn, hít hà không khí tự do, nheo mắt hứng cái nắng vàng ươm ngoài cánh cổng trại, trong thâm tâm Loan đã không ngừng khao khát về một cuộc sống làm ăn lương thiện. Vậy nhưng, đối với những người bị cách ly với thế giới bên ngoài nhiều năm như Loan, việc quay trở về tái hòa nhập cộng đồng thời gian đầu đã hết sức khó khăn. Khủng hoảng hơn cả đối với người phụ nữ này còn là việc Loan sẽ không biết đi đâu, về đâu. Loan đã đánh mất gia đình khi vướng vào lao lý. Giờ đây, chồng, con của Loan đều đã ổn định với cuộc sống mới. Cũng không còn vòng tay cha mẹ chào đón Loan trở về.

    Lúc này, nhờ sự cưu mang của các anh chị em, họ hàng mà Loan thuê được một chỗ che nắng, che mưa. Đang lúc cô đơn, Loan gặp Nguyễn Văn May (tức Ngô), hơn Loan 1 tuổi thường xuyên đến ngồi quán nước gần nơi Loan sống. Hỏi ra mới hay, người đàn ông này cũng vừa ra trại sau Loan mấy tháng, vợ bỏ. Cùng cảnh cô đơn, 2 người “rổ rá cạp lại” nương tựa vào nhau lúc tuổi xế chiều.

    Cũng theo luật sư Thơm cho biết, Loan có nghề bán phở khá nổi tiếng. Thế nhưng cứ bán được một thời gian lại bị những đối tượng xấu đến quậy phá, gây khó khăn cho việc kinh doanh. Đang lúc chán chường, có người bạn tù giờ cũng được tại ngoại bán mỳ vằn thắn, thương tình đã chỉ nghề cho Loan. Nhiều người đến quán ăn của Loan khen ngon, nhiều lần sau lại đến ủng hộ.

    Thời gian đó, Loan thầm nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa trên con đường làm ăn chân chính cùng sự phụ giúp, đỡ đần của người chồng hờ ở bên cạnh. “Những tưởng từ đây, một cuộc sống bình yên, tốt đẹp sẽ đến với người phụ nữ luống tuổi này thì nào ngờ tai họa một lần nữa lại đổ xuống”, luật sư Thơm ngậm ngùi nói.

    Cả đời đi tù

    Là người theo sát vụ án, luật sư Thơm cho biết, theo hồ sơ vụ án thì khoảng 19h30 ngày 15/4/2016, xuất phát từ việc bị cáo dọn nhà và mang 2 túi rác để tại mép vỉa hè cạnh nhà bà Nguyễn Thị Thanh H. (SN 1957). Bà H. nhìn thấy đã buông lời chửi mắng hàng xóm, Loan bao biện, nói có người để sẵn ở đó trước. Không ai chịu ai, đôi bên lời qua tiếng lại.

    Lúc này chồng bà H. và con trai là anh Đặng Bảo N. (SN 1983) từ trong nhà đứng trước cổng chửi đe dọa và định xông cào đánh Loan nhưng được hàng xóm can ngăn nên cả 3 đi về. Loan chạy vào nhà đóng cửa lại, gọi điện thoại cho Nguyễn Văn May kể lại sự việc và bảo May đến ngay với mục đích đánh dằn mặt. Loan điện thoại tiếp cho con trai đến để bảo vệ Loan.

    Khoảng 15 phút sau, bà H. lại tiếp tục quay lại đập cổng và anh con trai cầm 3, 4 túi rác ném lại cổng nhà Loan và chửi bới.

    Nguyễn Văn May sau khi nghe điện thoại đã đi xe máy đến đỗ trước cổng khu nhà trọ. Tại đây, một cuộc ẩu đả xảy ra giữa hai bên, May rút trong quần 1 con dao dài khoảng 20cm đâm 1 nhát về phía trước anh N., anh N. lùi tránh được nhưng bị ngã. May tiếp tục xông tới đâm thêm nhiều nhát vào người nạn nhân. Hậu quả anh N. bị tử vong do mất máu cấp và ngạt do máu tràn vào đường thở.

    Sau khi gây án, Nguyễn Văn May bỏ trốn. Cơ quan điều tra đã tách hành vi giết người của May khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Hành vi phạm tội của Phạm Thị Loan đã phạm tội giết người với vai trò đồng phạm, là nguyên nhân dẫn đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.

    Cũng tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Loan hết sức thành khẩn khai báo hành vi phạm tội và không ngừng khóc ngất, thanh minh rằng không hề có ý định tước đoạt mạng sống của bị hại. Luật sư Thơm đã đưa ra rất nhiều các căn cứ xác đáng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Tuy nhiên, căn cứ vào hồ sơ vụ án, cuối phiên làm việc, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Loan tù chung thân theo đúng tội danh bị truy tố.

    “Trong khi VKS chỉ đề nghị mức án 12-13 năm tù đối với Loan thì phán quyết cuối cùng cùng HĐXX khiến không chỉ bị cáo, tôi và còn rất nhiều người khác nữa tới dự bất ngờ. Được sự thống nhất của bị cáo, tôi sẽ tiếp tục bào chữa giúp bị cáo Loan trong phiên xử phúc thẩm sắp tới”, luật sư Thơm nói.

    Chia sẻ thêm bên lề phiên tòa, phải chứng kiến hình ảnh một người thanh niên độ ngoài 35 tuổi (con trai bị cáo) nhìn thấy mẹ mình suy sụp, héo hon vì vướng cảnh tù tội những ngày cuối đời đã bật khóc nức nở khiến luật sư Thơm cảm thấy nhói lòng. Nhiều người dự tòa hôm đó cũng không khỏi đau đáu, trăn trở về số phận người phụ nữ chưa kịp được hưởng hạnh phúc đã lại tiếp tục sống những năm tháng cuối đời trong trại giam lạnh lẽo.

    “Giá như lúc đó hai bên cùng có những ứng xử văn mình hơn trong mối quan hệ hàng xóm, điềm đạm, nhường nhịn nhau trong sinh hoạt thì có lẽ đã không có phiên tòa đau lòng như hôm nay. Đây cũng là bài học sâu sắc mà nhiều người cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để tránh gây nên những hậu quả đáng tiếc”, luật sư Thơm khuyến cáo.

    TƯ VIỄN   

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 51

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-niem-dau-dau-cua-luat-su-ve-nu-bi-cao-lien-tuc-nhung-cham-a318184.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan