Bất động sản

Phát triển cảng xanh là nhu cầu cấp thiết

Thứ Tư, 01/05/2024 07:37:28 +07:00

(ĐS&PL) - Xu hướng công nghệ xanh của ngành vận tải biển, không chỉ là xu hướng mà là nhu cầu cấp thiết khi các quốc gia và các doanh nghiệp....

Trong bối cảnh thế giới hướng tới phát triển các ngành công nghiệp xanh, ngành hàng hải cũng đối mặt với nhiệm vụ quan trọng về việc giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường. Việc tiếp tục thực hiện xu hướng công nghệ xanh của ngành vận tải biển, không chỉ là xu hướng mà là nhu cầu cấp thiết khi các quốc gia và các doanh nghiệp trong ngành hàng hải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng hải trên toàn cầu.

Bắt buộc áp dụng tiêu chí cảng xanh từ năm 2030

 

Theo lộ trình trong Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam của Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT), dự kiến từ năm 2030, tiêu chí “cảng xanh” trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam sẽ là áp dụng bắt buộc, dựa trên 6 nhóm tiêu chí gồm: Nhận thức về cảng xanh; sử dụng tài nguyên; quản lý chất lượng môi trường; sử dụng năng lượng; ứng dụng công nghệ thông tin; giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Phát triển cảng xanh là nhu cầu cấp thiết - 1
Phát triển cảng xanh là nhu cầu cấp thiết - 2

Hàng hải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường

Để làm được điều này, Cục Hàng hải Việt Nam đã công bố tiêu chuẩn cơ sở về tiêu chí cảng xanh để các doanh nghiệp tự có lộ trình chuyển đổi phù hợp, cũng như tạo ra tư duy mới trong hoạt động vận hành, khai thác cảng biển. Đây là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp triển khai việc xanh hóa cảng biển.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, để được công nhận là cảng xanh, cảng biển phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí. Mỗi tiêu chí cụ thể có những nội dung cho các doanh nghiệp tham chiếu như, doanh nghiệp cần thực hiện các chương trình đào tạo, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về cảng xanh, các chương trình thúc đẩy hoặc các chiến dịch xúc tiến, quảng bá cảng xanh.

Bên cạnh đó, có những tiêu chuẩn tham chiếu hết sức cụ thể như sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời...), sử dụng nhiên liệu LNG, Hydro, Amoniac... Các cảng cũng có thể sử dụng nguồn điện trên bờ, sử dụng thiết bị, phương tiện trong cảng bằng điện hoặc nhiên liệu sạch không phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, cảng cũng có thể sử dụng các thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng; Tối ưu hóa hệ thống cung cấp điện hoặc các nguồn năng lượng khác; Tối ưu hóa các chuỗi vận hành khai thác của cảng; Thanh toán trực tuyến, chứng từ điện tử; Sử dụng Mobile Apps cho các phương tiện vận chuyển (xe đầu kéo, sà lan…); Tự động hóa trong hoạt động của cảng như cổng thông tin cho phép khách hàng giao dịch trực tuyến với cảng (Eport); Sử dụng các phần mềm lập kế hoạch điều hành, phần mềm quản lý vận tải, container…

Các điều kiện khác cần phải đáp ứng như giảm tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, gia tăng năng lượng tái tạo, cải thiện chất lượng không khí, kiểm soát tiếng ồn, kiểm soát ô nhiễm chất thải (lỏng và rắn), cũng như có các giải pháp giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, phát triển cảng xanh trong điều kiện của Việt Nam là một quá trình dài với nhiều thuận lợi và thách thức đòi hỏi phải được xem xét, đánh giá cụ thể để có được kế hoạch, lộ trình tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả nhất.

Phát triển cảng xanh là nhu cầu cấp thiết - 3
Phát triển cảng xanh là nhu cầu cấp thiết - 4
Phát triển cảng xanh là nhu cầu cấp thiết - 5

Lộ trình tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ

Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn những đã có không ít doanh nghiệp cảng biển của Việt Nam nhận thức và quyết tâm từng bước chuyển đổi cảng xanh và đã được các tổ chức quốc tế trao giải thưởng.

Đối mặt nhiều thách thức

 

Theo các chuyên gia, để đạt được logistics xanh, các doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về chuyển đổi các giải pháp kỹ thuật cần thiết, vốn tốn kém và yêu cầu lộ trình dài hạn. Do vậy, việc chuyển đổi năng lượng xanh không phải bài toán dễ giải với các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam.

Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP (VIMC) cũng thừa nhận thực trạng việc chuyển đổi xanh của vận tải biển vẫn sẽ gặp khó bởi chi phí tăng cao nếu chuyển sang nhiên liệu sạch.

VIMC cho biết, ngành vận tải đường biển đã thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng lớn nhất kể từ khi từ bỏ than đá để chuyển sang sử dụng dầu cách đây nhiều thập niên. Nhưng nỗ lực để chuyển đổi sang nhiên liệu ít hoặc không có carbon cho đến nay vẫn gặp nhiều lúng túng.

Các hãng vận tải biển vẫn băn khoăn về hai vấn đề lớn: Loại nhiên liệu sạch nào sẽ là tiêu chuẩn mới của ngành? Thời gian họ có thể thu hồi vốn đầu tư là bao lâu khi đáp ứng các mục tiêu môi trường do chính phủ và các cơ quan quản lý đặt ra? Bởi theo Công ty môi giới hàng hải Clarksons, tổng chi phí các khoản đầu tư cần thiết cho tàu container mới, sản xuất nhiên liệu thay thế và các cơ sở hạ tầng khác có thể lên đến 3.000 tỉ đô la Mỹ trong vài thập niên tới. Trong khi đó, tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam còn rất hạn chế.

Thực tế tại VIMC, hiện nay phần lớn các trang thiết bị hoạt động tại các cảng và đội tàu của VIMC đang sử dụng nhiên liệu hóa thạch (dầu mazút , dầu diesel). Tại một số cảng biển hệ thống cẩu giàn dùng để xếp dỡ hàng container đã sử dụng điện, tuy nhiên vẫn còn một số loại cẩu cũ và các thiết bị khác như xe nâng, xe tải, xe chuyên dùng vẫn sử dụng dầu diesel.

Bên cạnh đó, đội tàu của VIMC đều là các tàu đóng bằng công nghệ cũ, lạc hậu, nay đã nhiều tuổi, tiêu thụ nhiên liệu cao, chí phí bảo quản, bảo dưỡng lớn mới có thể đáp ứng được các yêu cầu của Công ước và quy phạm, đặc biệt là các quy định về phát thải của MARPOL.

Theo số liệu năm 2023, kết quả phân hạng, trong số 52 tàu thuộc diện phải đánh giá CII (theo phân hạng Chỉ thị cường độ các bon), VIMC có 20 tàu đạt hạng C; 29 tàu đạt hạng D và 3 tàu đạt hạng E.

“Đội tàu VIMC là loại tàu thế hệ cũ, có độ tuổi trung bình 20 tuổi, chưa có thế hệ tàu eco-ship hoặc duel fuel hoặc sử dụng 100% nhiên liệu thân thiện với môi trường như khí hóa lỏng, Hydro xanh, Amoniac xanh, methanol...

Theo quy định, nếu một tàu được xếp hạng 3 năm liên tiếp ở hạng D hoặc một năm bất kỳ ở hạng E, chủ tàu phải xây dựng lại kế hoạch cắt giảm khí nhà kính để phê duyệt lại. Với đội tàu hiện có tuổi trung bình 20 tuổi sẽ rất khó để đưa ra một kế hoạch khả thi trong việc cắt giảm khí nhà kính”, VIMC thông tin.

Phát triển cảng xanh là nhu cầu cấp thiết - 6
Phát triển cảng xanh là nhu cầu cấp thiết - 7

Đội tàu hiện có tuổi trung bình 20 tuổi sẽ rất khó để đưa ra một kế hoạch khả thi trong việc cắt giảm khí nhà kính

Hơn nữa, chi phí quản lý vận hành, khai thác các tàu sử dụng nhiên liệu xanh phát sinh rất lớn, các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm, năng lực hạn chế; các nhà máy đóng mới ở Việt Nam chưa đủ năng lực để có thể đóng mới được những thế hệ tàu mới này. Hoặc sẽ phải nhập khẩu công nghệ sẽ làm phát sinh tăng chi phí đầu tư lên rất cao.

VIMC quyết tâm hướng tới công nghệ xanh

 

Được thành lập năm 1995 theo Quyết định số 250/TTg của Thủ tướng Chính phủ với sứ mệnh là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam, VIMC là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc mở cửa hợp tác, hội nhập quốc tế, cung cấp dịch vụ Hàng hải trên phạm vi toàn cầu đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

VIMC cho biết Tổng công ty đã thực hiện hàng loạt dự án năng lượng hiệu quả, trong đó có sử dụng các phụ tải với mức tiêu thụ năng lượng thấp, chuyển đổi hệ thống cảng thông minh, sử dụng năng lượng xanh thay cho năng lượng hóa thạch.

Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025 của VIMC, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là một trong những mục tiêu quan trọng.

Bên cạnh đó, quy trình quản trị kỹ thuật và thương mại cũng được hợp lý hóa nhằm đáp ứng yêu cầu logistics xanh và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Phát triển cảng xanh là nhu cầu cấp thiết - 8
Phát triển cảng xanh là nhu cầu cấp thiết - 9
Phát triển cảng xanh là nhu cầu cấp thiết - 10

 

Trong lĩnh vực vận tải biển, VIMC cho biết sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ kỹ thuật số trong quản lý, sử dụng vật tư, phụ tùng, giảm thiểu tiêu hao nhiên liệu, tăng cường tính năng điều động tàu để nâng cao hiệu quả khai thác tàu.Đối với lĩnh vực cảng biển, việc kết nối các cảng với khách hàng, chủ hàng, các cơ quan hữu quan và các doanh nghiệp thành viên của VIMC trên nền tảng CNTT nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng và nâng cao trải nghiệm về dịch vụ cho khách hàng.

Lĩnh vực dịch vụ hàng hải, doanh nghiệp cũng ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong hoạt động logistics để quản lý các hoạt động kết nối, khai thác kho, bãi, đội xe, kiểm soát chi phí, nhiên liệu... cập nhật thông tin thời gian thực tế cho khách hàng truy xuất vào bất cứ thời điểm nào.

Giai đoạn từ năm 2025 – 2030, VIMC sẽ xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật trong phạm vi toàn hệ thống VIMC về tiêu chí cảng xanh; triển khai áp dụng tự nguyện tiêu chí cảng xanh tại các cảng biển VIMC.

Đồng thời xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách và rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển cho phù hợp với tiêu chí cảng xanh.

Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, đào tạo nâng cao nhận thức và năng lực triển khai áp dụng tiêu chí cảng xanh tại Việt Nam; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, các-bon thấp, thân thiện với môi trường trong hoạt động khai thác cảng biển.

Tổng công ty cũng đánh giá kết quả áp dụng tự nguyện các tiêu chí cảng xanh tại các cảng biển để từ đó đề xuất xây dựng, ban hành quy định áp dụng bắt buộc tiêu chí cảng xanh cho hệ thống cảng biển VIMC.

Giai đoạn sau năm 2030, VIMC tiến hành triển khai áp dụng bắt buộc tiêu chí cảng xanh trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại VIMC.

Phát triển cảng xanh là nhu cầu cấp thiết - 11

 

VIMC cho biết, trong chiến lược phát triển, tinh thần của VIMC là các doanh nghiệp phải phát huy mọi tiềm năng của mỗi thành viên, hợp lực và phối hợp với các doanh nghiệp khác để đưa VIMC vươn lên vị thế dẫn đầu.

Mọi hoạt động phải hướng tới những điều khách hàng cần, chứ không phải làm với những gì VIMC có. Đặc biệt, "lấy công nghệ làm nền tảng cho sự phát triển của Tổng công ty khi bước vào giai đoạn phát triển mới".

Nguyễn Lâm
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/phat-trien-cang-xanh-la-nhu-cau-cap-thiet-a418707.html

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

Đã tặng:
Tặng quà tác giả
BÌNH LUẬN
Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.