+Aa-
    Zalo

    Phó Thủ tướng chỉ đạo xác minh vụ án kêu oan suốt hơn 20 năm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ngày 28/4, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi các cơ quan tư pháp TƯ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về vụ án kêu oan suốt hơn 20 năm.

    (ĐSPL) - Ngày 28/4, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi các cơ quan tư pháp TƯ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về vụ án kêu oan suốt hơn 20 năm ở Hà Nam.

    Tin tức đăng tải trên báo Dân Trí, công văn do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ ký gửi Bộ trưởng Bộ Công an; Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao.

    Nội dung công văn nêu rõ: Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhận được thư của GS.TS Nguyễn Lân Dũng kèm theo các bài báo liên quan đến việc xét xử bị cáo Trần Văn Vót (từ năm 1994) về tội Giết người, có dấu hiệu oan sai, không khách quan.

    Cụ Trần Anh Điền (giữa) bố của bị hại kêu oan cho Trần Văn Vót (Ảnh: Dân Việt)

    Về việc này Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghi liên ngành xem xét, cho xác minh các vấn đề liên quan đến vụ án để trả lời cho công luận và GS.TS Nguyễn Lân Dũng. Nếu thực sự có oan sai thì phải giám đốc thẩm lại vụ án để giải oan cho người vô tội.

    Giữa năm 2015, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (lúc đó còn đương chức) cũng đã có ý kiến chỉ đạo yêu cầu TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao xem xét, làm rõ vụ án có dấu hiệu oan sai này. Sau đó GS.TS Nguyễn Lân Dũng còn chuyển tài liệu vụ án này cho nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (còn đương chức). Thời điểm này ông Trương Hòa Bình đang là Chánh án TAND Tối cao. Mặc dù có sự chỉ đạo trên nhưng đến nay vụ án này vẫn chưa được làm rõ.

    Theo báo Tuổi Trẻ, nguồn gốc vụ án bắt nguồn từ tranh chấp đất đai của người dân hai miền Thanh Nga và Nhân Phúc (xã Phú Phúc). Theo bản án sơ thẩm tháng 2/1994 của Tòa án nhân dân huyện Nam Hà, năm 1976 Hợp tác xã nông nghiệp Nhân Phúc được thành lập trên cơ sở hợp nhất Hợp tác xã Thanh Nga và Hợp tác xã Nhân Phúc.

    Quá trình hoạt động, ban quản lý hợp tác xã có một số mâu thuẫn, quần chúng so sánh việc thực hiện nghĩa vụ giữa hai miền Thanh Nga và Nhân Phúc. Một số xã viên có nguyện vọng tách hợp tác xã ra thành hai như trước. Sau khi tách hợp tác xã làm hai, người dân không đồng tình về việc phân chia đất cho hai miền vì vậy tranh chấp nảy sinh ngày càng trầm trọng. Tháng 1/1992, vụ xô xát giữa bà con hai miền Thanh Nga và Nhân Phúc nổ ra làm bảy người dân Nhân Phúc bị thương.

    Chiều 29/11/1992, vụ xô xát giữa hàng trăm người dân hai miền Thanh Nga và Nhân Phúc tiếp tục nổ ra tại bãi Thanh Lan. Hậu quả vụ xô xát là có người ném lựu đạn vào đám đông làm một người dân miền Nhân Phúc chết và 21 người bị thương.

    Sau khi vụ án xảy ra, Công an huyện Lý Nhân đã khởi tố vụ án đồng thời khởi tố bị can đối với ông Trần Văn Cự (người dân miền Thanh Nga) về tội giết người và tàng trữ vũ khí trái phép. Sau khi ông Cự bỏ trốn khỏi địa phương, công an đã phát lệnh truy nã trên toàn quốc.

    Ba tháng sau khi vụ án xảy ra, Trần Ngọc Thanh (người dân miền Nhân Phúc, đang đi nghĩa vụ quân sự) bị bắt tại E139 Bộ tư lệnh Thông tin và được di lý về Công an tỉnh Nam Hà để điều tra về hành vi giết người trong vụ nổ chiều 29/11/1992.

    Tại cơ quan điều tra, Trần Ngọc Thanh đã khai ra ông Trần Văn Vót là người đưa lựu đạn cho Thanh ném vào đám đông. Hai tháng sau, ông Vót bị bắt về hành vi giết người liên quan đến vụ nổ.

    Cũng theo báo Dân Việt, sau đó ông Vót bị truy tố về 4 tội: Giết người, Tàng trữ trái phép vũ khí, Phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế xã hội và Gây rối trật tự công cộng. Còn Trần Ngọc Thanh bị truy tố về hành vi Giết người.

    Tháng 2/1994, ông Vót bị TAND tỉnh Nam Hà đưa ra xét xử và tuyên phạt tù chung thân vì 4 tội trên, còn ông Thanh bị tuyên 15 năm tù về tội giết người. Hai bị cáo kháng án. Tháng 8/1994, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã xử phúc thẩm vụ án trên và tuyên y án sơ thẩm.

    Cho rằng bị kết án oan, bị cáo và gia đình liên tục kêu oan. Trong vụ án này, điều lạ lùng là chính bố của bị hại Trần Văn Việt - cụ Trần Anh Điền (82 tuổi, ở xã Phú Phúc) cũng liên tục kêu oan cho hai ông Vót và Thanh suốt hơn 20 năm qua.

    Chứng cứ mà cụ Điền đưa ra là Thanh không có mặt ở hiện trường thời điểm xảy ra vụ án. 4 công an huyện Lý Nhân có mặt ở hiện trường đã nhìn rõ lựu đạn được ném từ phía người dân Thanh Nga sang phía người dân Nhân Phúc.

    NINH LAN(Tổng hợp)

    Cập nhật các bài viết liên quan tại chuyên mục : An Ninh Hình SựTin báo pháp luật mới
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pho-thu-tuong-chi-dao-xac-minh-vu-an-keu-oan-suot-hon-20-nam-a143413.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan