+Aa-
    Zalo

    Quan chức EU nói nên ngừng xuất khẩu vũ khí để tăng cường cung cấp đạn dược cho Ukraine

    (ĐS&PL) - Ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại cho rằng, cách nhanh nhất, rẻ nhất và hiệu quả nhất để tăng nguồn cung cấp đạn dược cho Ukraine là ngừng xuất khẩu sang các nước thứ ba.

    Theo TTXVN, ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại hôm 5/2 cho rằng, các quốc gia thành viên EU nên tạm thời ngừng xuất khẩu vũ khí sang các nước khác và tăng cường cung cấp đạn dược cho Ukraine.

    Phát biểu tại cuộc họp báo trong chuyến thăm Ba Lan, ông Josep Borrell đề nghị chính phủ các nước thành viên EU đưa ra “quyết định chính trị”, trong khi nhấn mạnh việc EU không chỉ phải hỗ trợ Ukraine trong thời gian dài mà còn phải hỗ trợ bất cứ thứ gì. Hơn nữa, đây không chỉ là vấn đề thời gian mà còn là vấn đề số lượng và chất lượng nguồn cung cấp.

    quan chuc eu noi nen tam ngung xuat khau vu khi de tang cuong cung cap dan duoc cho ukraine
    Ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại. Ảnh: Europa

    Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại cũng nhắc lại cam kết mà EU đưa ra vào tháng 3/2023 về việc dành 2 tỷ euro để cung cấp cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo 155mm, theo thông tin trên VOV.

    Đến nay, EU mới thực hiện được 1/3 số lượng cam kết. Thực trạng này đã được lý giải do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đầu tư vào quốc phòng suy giảm, cơ chế trì trệ sau nhiều năm hòa bình mà châu Âu có được khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

    Thế nhưng, theo ông Josep Borrell, nguyên nhân thực sự không nằm ở năng lực sản xuất quốc phòng của châu Âu, mà xuất phát từ chính sách ưu tiên xuất khẩu vũ khí mà nhiều quốc gia thành viên đang theo đuổi.

    Ông Josep Borrell cho rằng, cách nhanh nhất, rẻ nhất và hiệu quả nhất để tăng nguồn cung cấp đạn dược cho Kiev là ngừng xuất khẩu sang các nước thứ ba. “Đây là điều mà chỉ các nước thành viên có quyền quyết định và cũng là điều mà tôi muốn khuyến nghị”, ông nói.

    Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski bày tỏ ủng hộ đề xuất của ông Josep Borrell và cho rằng châu Âu cần nỗ lực để giúp Ukraine cải thiện năng lực quốc phòng. Tăng cường cung cấp quân sự cho Ukraine đã trở thành ưu tiên cấp bách của EU trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua viện trợ mới cho Ukraine.

    Ngoài ra, Josep Borrell cũng nhấn mạnh, bên cạnh 520.000 quả đạn pháo dự kiến cung cấp vào tháng 3/2024, các tập đoàn quốc phòng châu Âu cũng đang bán vũ khí cho Ukraine với số lượng lớn. Tuy nhiên, ông từ chối cung cấp số liệu cụ thể vì lý do an ninh.

    XEM THÊM: Tổng tư lệnh quân đội Ukraine chấp nhận từ chức, đến Anh làm đại sứ?

    Theo ước tính trước đây của Ủy ban châu Âu, 11 quốc gia thành viên có nhà máy đủ khả năng sản xuất đạn pháo 155mm gồm Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italy, Ba Lan, Slovakia, Tây Ban Nha và Thụy Điển. 

    Ông Josep Borrell đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng với chi phí 20 tỷ euro vào năm 2023 nhằm cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ quân sự “bền vững và có thể dự đoán được” nhưng kế hoạch này nhanh chóng thất bại.

    Gần đây hơn, ông tiếp tục đề xuất bổ sung 5 tỷ euro mỗi năm cho Quỹ hoà bình châu Âu giai đoạn 2024-2027, với mục đích cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine cũng như hoàn trả cho các nước EU một phần chi phí vũ khí, đạn dược và viện trợ quân sự khác mà các nước này đã cung cấp cho các quốc gia bên ngoài EU.

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quan-chuc-eu-noi-nen-ngung-xuat-khau-vu-khi-de-tang-cuong-cung-cap-dan-duoc-cho-ukraine-a609952.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan