+Aa-
    Zalo

    “Quận Hoàn Kiếm có quá nhiều yếu tố đặc thù, không nên sáp nhập”

    (ĐS&PL) - Là trung tâm mang đậm giá trị về lịch sử, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đang đối diện với nguy cơ sáp nhập và mất tên gọi trên bản đồ hành chính.

    Những ngày qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến thông tin Hà Nội có một đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025. Điều này là dễ hiểu, bởi Hà Nội là Thủ đô của cả nước, còn quận Hoàn Kiếm được ví như là trái tim của Hà Nội.

    Để có thêm góc nhìn đa chiều, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến – một nhà “Hà Nội học” với nhiều năm dày công nghiên cứu về các vấn đề của Hà Nội.

    quan hoan kiem co qua nhieu yeu to dac thu khong nen sap nhap2

    Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

    Danh xưng "Hoàn Kiếm" có từ bao giờ?

    Người Đưa Tin (NĐT): Thưa Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, chúng ta đang ngồi ở một quán cafe ở quận Hoàn Kiếm, nhưng nếu xét theo tiêu chí của đơn vị hành chính, thì có lẽ trong 2 năm tới, vị trí này sẽ mang tên một quận khác, hoặc có thể vẫn là Hoàn Kiếm nhưng sẽ một Hoàn Kiếm với phạm vi rất khác. Là một người gắn bó với Hà Nội, ông đón nhận thông tin này như thế nào?

    Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Tôi thấy có phần bất ngờ và buồn khi biết thông tin này vì quả thật tôi chưa từng nghĩ tới việc quận Hoàn Kiếm sẽ phải sáp nhập với bất kỳ một quận nào đó.

    Quận Hoàn Kiếm là trung tâm của thành phố Hà Nội và mọi vấn đề đã đi vào ổn định trong hơn 60 năm qua, tôi vẫn nghĩ rằng sẽ không có lý do gì để thay đổi. Tuy nhiên nếu đối chiếu với quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức đơn vị hành chính cấp quận thì lại nảy sinh vấn đề.

    NĐTDanh xưng “Hoàn Kiếm” có lẽ không quá xa lạ với mỗi người Việt gắn với sự tích mượn gươm của Rùa Thần, thế còn với danh xưng “Quận Hoàn Kiếm” thì có gốc tích như thế nào và sự gắn bó về tên gọi của đơn vị hành chính này với người dân thủ đô ra sao thưa ông?

    Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Trước khi nói về “quận Hoàn Kiếm” thì ta phải nói đến 2 chữ “Hoàn Kiếm”. 2 từ vốn dĩ xuất phát từ truyền thuyết, có từ khá lâu, ít nhất là từ khi Lê Lợi viết trong cuốn Lam Sơn Thực Lục vào năm 1431. Nội dung câu chuyện là Lê Thái Tổ nhận được gươm và ấn quả trời cho, không có chi tiết nào liên quan hồ Lục Thủy ở Thăng Long.

    Hơn 400 năm sau, một nhà Nho đã tái tạo câu chuyện, trong đó có chi tiết Lê Thái Tổ trả gươm ở phía bắc hồ Lục Thủy (tức hồ Tả Vọng nên gọi là hồ Trả Gươm). 2 từ “Hoàn Kiếm” chỉ trở thành danh xưng chính thức trong cuốn Đại Nam Nhất Thống Chí, bộ sử của triều Nguyễn. Điều này có nghĩa, bắt đầu từ giữa thế kỷ XIX mới xuất hiện cái tên chính thức “hồ Hoàn Kiếm” và từ đây trong việc thiết lập các đơn vị hành chính của nhà nước cũng bắt đầu gắn với các tên gọi “Hoàn Kiếm”.

    Liên quan đến việc 2 từ “Hoàn Kiếm” gắn với đơn vị hành chính thì bắt đầu từ năm 1958 khi Hà Nội thành 12 khu phố trong đó có khu phố Hoàn Kiếm. Năm 1961, Quốc hội ra Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Hà Nội thì Hoàn Kiếm là một trong 4 khu phố của nội thành. Đến năm 1981, thực hiện Hiến pháp mới, khu phố Hoàn Kiếm được đổi thành quận Hoàn Kiếm, gồm 18 phường và giữ ổn định từ đó cho đến nay.

    Với một danh xưng của một đơn vị hành chính, trước hết đó là tên chính thức được ghi nhận trong tất cả các văn bản của Nhà nước và sau đó cũng là tên mà người dân sử dụng hằng ngày. Trải qua quá trình giữ ổn định, tên gọi quận Hoàn Kiếm đã trở nên rất thân thuộc với người dân Hà Nội, thậm chí như một nét đặc trưng khi người ta nhắc về Hà Nội, nhớ về Hà Nội.

    nha van nguyen ngoc tien

    Nhà thờ Lớn Hà Nội nằm ở quận Hoàn Kiếm được xây dựng theo mẫu hình từ châu Âu, là một trong những điểm đến nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội 

    NĐT: Thưa ông, có một vấn đề đó là sự thay đổi tất yếu của thời cuộc. Một quốc gia trải qua dòng chảy của lịch sử có thể đổi tên nhiều lần, bằng cách họ tự gọi về mình và bằng cách người ta gọi họ. Ngay như Hà Nội, trước danh xưng này là Đại La là Thăng Long, là Đông Quan,… Vậy đó có thể là sự tất yếu thay đổi. Việc mong muốn giữ mãi tên của một địa danh nào đó, có phải có quá cố chấp, quá chấp niệm vào quá khứ hay không?

    Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Đó có thể là sự hoài cổ. Tất nhiên sự thay đổi tên địa danh trong lịch sử cũng không phải chuyện lạ. Đối với việc đổi tên nước hoặc thủ đô thường gắn với cả những tính toán về mặt chính trị, còn với các cấp thấp hơn thì có nhiều lý do hơn nữa cho sự thay đổi. Ngay như Hà Nội, riêng trong thời Nguyễn, từ thời vua Gia Long đến vua Thành Thái đã có 73 đơn vị cấp xã, phường phải đổi tên với nhiều lý do khác nhau như phạm húy, thay đổi địa giới hành chính, thay đổi vì tu từ.

    Trở về với câu chuyện hiện tại của quận Hoàn Kiếm, sự thay đổi đang được đặt ra bởi việc xét theo 2 tiêu chí về dân số và diện tích. Tôi nghĩ rằng đó là những tiêu chí “cứng”. Nhưng với một đơn vị hành chính, không chỉ được tạo dựng nên bởi những tiêu chí “cứng” đó mà còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như lịch sử, văn hóa, phong tục, vị trí địa lý.

    Người ta vẫn có thể buộc phải chấp nhận việc đổi tên bằng một mệnh lệnh hành chính nhưng về mặt tâm thức, tâm linh thì chưa hẳn đã chấp nhận.

    Do vậy, tôi cho rằng việc sáp nhập, nhất là đơn vị hành chính như quận Hoàn Kiếm ngoài việc dựa trên diện tích và dân số, song cũng phải tính đến các yếu tố lịch sử, văn hóa, phong thủy, tâm linh. Mà nếu xét dưới góc độ lịch sử, văn hóa, phong thủy, tâm linh thì chắc chắn Hoàn Kiếm là trường hợp đặc biệt, có quá nhiều yếu tố đặc thù, không nên sáp nhập.

    NĐT: Sự đặc biệt của quận Hoàn Kiếm được thể hiện như thế nào, thưa ông?

    Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Quận Hoàn Kiếm mặc dù có diện tích nhỏ nhất Hà Nội, nhưng là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô với 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích nổi tiếng. Điển hình là Quần thể di tích Hồ Gươm- đền Ngọc Sơn- đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19/8, Nhà Thờ Lớn, tượng đài Lý Thái Tổ…

    Quận Hoàn Kiếm cũng gắn liền với lịch sử hàng nghìn năm xây dựng và gìn giữ Thăng Long - Hà Nội và từ sau năm 1945 đến nay, biết bao dấu mốc lịch sử cũng xảy ra ngay tại đất của quận Hoàn Kiếm.

    Ngày nay, nói đến phố cổ người ta liên tưởng đến quận Hoàn Kiếm, nói kiểu văn chương “36 phố phường” người ta cũng nghĩ ngay đến quận Hoàn Kiếm. Có một điều rất ít người biết là tiếng Hà Nội “chuẩn” cũng có xuất xứ từ quận Hoàn Kiếm xưa. Hoàn Kiếm có quá nhiều thứ đặc thù để trở thành biểu trưng của Hà Nội.

    Chúng ta cũng cần hiểu với nhau rằng, Hà Nội không phải đơn thuần là một thành phố và cũng không thể so sánh Hà Nội với các thành phố khác. Hà Nội là thủ đô của nước ta, thậm chí Quốc hội còn phải ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh cho Hà Nội (Luật Thủ đô). Với một đô thị đặc thù như Hà Nội, việc có cơ chế đặc thù trong đó có tổ chức đơn vị hành chính là điều dễ hiểu, thậm chí là rất cần thiết..

    quan hoan kiem co qua nhieu yeu to dac thu khong nen sap nhap

    Ô Quan Chưởng, cửa ô duy nhất còn sót lại của kinh thành xưa, chứng tích của lịch sử nghìn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội

    NĐT: Nhiều ý kiến mong muốn giữ lại danh xưng “quận Hoàn Kiếm”, nếu vậy thì thành phố vẫn sẽ tiến hành sáp nhập quận, nhưng thay vì lựa chọn một tên khác, vẫn sẽ giữ nguyên tên gọi quận Hoàn Kiếm, chấp nhận một đơn vị hành chính khác mất tên gọi hoàn toàn. Như vậy có lẽ được nhiều người hài lòng. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

    Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Tôi cho rằng đó là một phương án cần được cân nhắc. Tất nhiên cũng cần nói rằng mỗi địa danh đều mang trong mình câu chuyện riêng và chúng ta không so sánh tên này hay hơn tên kia, tên này cần thiết hay tên kia không cần thiết nhưng quan trọng hơn hết là sự phù hợp, thỏa đáng dựa trên đánh giá tổng thể nhiều yếu tố. Trong câu chuyện này, tôi cho rằng cần lắng nghe ý kiến của người dân, để biết người dân thực sự mong muốn gì.

    NĐT: Ở góc nhìn của mình, ông nghĩ rằng đâu sẽ là phương án tốt cho tương lai của quận Hoàn Kiếm trong mục tiêu phát triển của Thủ đô?

    Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Trong trường hợp tốt nhất, tôi cho rằng quận Hoàn Kiếm sẽ là trường hợp đặc biệt bởi có quá nhiều yếu tố đặc thù, không nên sáp nhập. Hoặc trong trường hợp ít biến động hơn, có thể nhập một số phường của quận khác liền kề và giữ nguyên tên.

    Trường hợp cần sáp nhập quận Hoàn Kiếm vào một quận khác và phải đổi tên với đơn vị hành chính mới tương ứng, cần tổ chức trưng cầu dân ý, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trên địa bàn thủ đô.

    Chúng ta cũng từng thực hiện việc này trong nhiều trường hợp, gần đây nhất là đối với phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng và đem lại kết quả rất tích cực. Đối với việc đổi tên một quận trung tâm của thủ đô, việc lấy ý kiến của người dân, phát huy tinh thần làm chủ của người dân càng cần thiết hơn.

    NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

    Mạnh Quốc - Hữu Thắng

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quan-hoan-kiem-co-qua-nhieu-yeu-to-dac-thu-khong-nen-sap-nhap-a585436.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan