+Aa-
    Zalo

    Quảng Bình: Bức xúc trước việc trả lời đơn tố cáo thương binh giả

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Việc 3 người phụ nữ bán cá ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) đột nhiên được hưởng chính sách như thương binh đã gây ra bất bình cho nhiều người dân nơi đây

    (ĐSPL) - Việc 3 người phụ nữ bán cá ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) đột nhiên được hưởng chính sách như thương binh đã gây ra bất bình cho nhiều người dân nơi đây.

    Sau nhiều năm khiếu kiện, mới đây, người dân thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh , TP Đồng Hới ( Quảng Bình) bất ngờ khi nhận được trả lời theo kiểu “ xử lý hai người còn một người bỏ qua” có phần thiếu công minh của UBND tỉnh Quảng Bình.

    Ông Đào Cao Chình, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bảo Ninh là người luôn đau đáu về danh dự của một người lính đã xông pha trận mạc. Theo ông Chình, việc nhà nước quan tâm đến chế độ cho người có công với cách mạng thể hiện được đạo lý “uống nước nhớ nguồn , ăn quả nhớ kẻ trồng cây”  của dân tộc ta. Nhưng việc 3 người phụ nữ bán cá trong thôn “ đột nhiên” được hưởng chế độ chính sách như thương binh khiến không chỉ bản thân một người cựu chiến binh như ông mà nhiều người dân khác phẫn nộ.

    Người dân Hà Thôn bất bình trước cách trả lời của UBND tỉnh Quảng Bình

    Như ông Chình nói, là việc làm giả trắng trợn hồ sơ để được hưởng chính sách của người có công là xúc phạm đến những người đã từng cống hiến xương máu và tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Ông Chình bức xúc nói: “Trong thời gian qua, tôi thay mặt nhiều cựu chiến binh khác trong xã Bảo Ninh làm đơn tố cáo và yêu cầu Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình làm rõ 3 trường hợp bà Nguyễn Thị Tường, Hoàng Thị Lé, bà Nguyễn Thị Ngọc, trú thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh tại sao được hưởng chế độ chính sách như thương binh; những người này khai man là dân quân trực chiến bắn máy bay trong khi ở xã Bảo Ninh không hề có lực lượng này?!

    “Và nếu là những dân quân trực chiến thì tại sao khi chế độ chính sách cho đối tượng dân quân tham gia kháng chiến chống Mỹ của quyết định 290 lại không có tên họ? Phải chăng có sự khuất tất, giấu diếm?”, ông Chình bức xúc.

    Ông Chình cho hay, chỉ riêng năm 2015, ông đã nhiều lần làm đơn yêu cầu Sở LĐTB –XH Quảng Bình trả lời nhưng Sở này lại làm văn bản gửi về Phòng Chính sách của UBND TP Đồng Hới. Khi xuống UBND TP Đồng Hới thì ông lại được yêu cầu về Sở LĐTB&XH mới được trả lời.

    Và gần đây nhất, ông Chình nhận được công văn của UBND tỉnh Quảng Bình do Chánh Văn phòng Trương An Ninh ký ngày 22/9/2015. Theo công văn này đã đưa bà Hoàng Thị Lé (1 trong 3 người bị tố cáo) đã được đưa ra khỏi danh sách với lý do đã được giải quyết tại Kết luận số 376 /ngày 10/5/2012 và Phó  Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết tại Kết luận 133/ngày 30/1/2013, nay không giải quyết lại.Còn đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Tường và Nguyễn Thị Ngọc giao Sở LĐTB&XH giải quyết theo thẩm quyền. 

    Công văn trả lời của UBND tỉnh Quảng Bình

    Trước đây, rất nhiều những trường hợp bị người dân tố cáo và phát hiện thương binh giả ở xã Bảo Ninh cũng đã được phản ánh trên báo chí nhưng dường như kênh thông tin phát hiện từ người dân không được chính quyền tỉnh Quảng Bình quan tâm mà có dấu hiệu phớt lờ và đùn đẩy trách nhiệm.

    Trong bản kết luận số 133 của UBND tỉnh Quảng Bình do ông Nguyễn Xuân Quang - Phó chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 30/1/2013 có nói đến việc tố cáo bà Hoàng Thị Lé. Thay vì xác minh, điều tra rõ những tố cáo về việc bà Lé thì kết luận này lại dựa vào ý kiến giải trình của bà Lé để làm căn cứ giải quyết sự việc.

    Tại bản kết luận này cũng chỉ ra được nhiều  sai sót như: biên bản xác nhận bà Lé bị thương do Hội đồng xác nhận người bị thương xã Bảo Ninh lập ngày 20/5/2001 nhưng thiếu nhiều thành phần. Một trong 2 người làm chứng của bà Lé là ông Phạm Minh Hoát làm giấy xác nhận bị thương ngày 21/5/2001 là không hợp lệ. Đơn xin hưởng chế độ thương binh của bà Hoàng Thị Lé lại đề ngày 20/5/2001.  Tất cả đều diễn ra chỉ trong 1 ngày. Trong khi đó, xã cũng không có hồ sơ lưu trữ việc thể hiện việc thông báo niêm yết công khai danh sách người bị thương…

    2 công văn đùn đẩy trách nhiệm của Sở LĐTB&XH Quảng Bình và UBND TP Đồng Hới

    Tưởng chừng ra với rất nhiều sai sót khá rõ ràng như vậy, thì sẽ cho một kết quả xác đáng. Thế nhưng kết luận này lại khẳng định bà Lé vẫn đủ điều kiện để hưởng chính sách như thương binh?!

    Trong một kết luận số 50 khác của Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình  do ông Phạm Xuân Bình, Giám đốc Sở ký tên ngày 15/1/2014 trong đó có nêu việc bà Đào Thị Nhung tố cáo bà Tường giải mạo chữ ký để chế độ thương binh và cũng khẳng định việc tố cáo này là đúng sự thật. Tuy nhiên, điều đó cũng không ảnh hưởng đến việc bà Tường vẫn được hưởng chính sách như thương binh?!

    Theo ông Hoàng Quang Nhật, xã Bảo Ninh: Việc 3 người này nếu ở đâu xa thì có thể không biết nhưng họ khai vào hồ sơ là dân quân trực chiến bắn máy ở địa phương là điều không thể chấp nhận được. Bởi qua cuốn lịch sử Đảng bộ xã Bảo Ninh cũng đã nói rất rõ là ở Bảo Ninh không hề có lực lượng này. Trong khi ở trong hồ sơ là bị thương khi bắn máy bay người thì khai buổi sáng, người thì buổi chiều, người thì buổi tối. Mà thực tế nhiều người cán bộ lão thành cách mạng lúc bấy giờ đã chứng thực là trong ngày hôm đó chỉ có một trận rocket của máy bay Mỹ và họ lợi dụng điều này để làm giả chế độ suốt nhiều năm nay.

    Nói về công văn trả lời của UBND tỉnh Quảng Bình gần đây, ông Nhật cho rằng: “Rõ ràng có một sự thiên vị ở đây, chúng tôi làm đơn phản ánh sự việc của năm 2015 về 3 người, tại sao chỉ dựa vào kết luận của năm 2013 để giải quyết sự việc. Nếu sự việc của bà Lé đã được giải quyết thì bà Ngọc , bà Tường đã từng được giải quyết trong các Kết luận sau đó, nhưng những kết luận này thiếu sự công minh và thiếu minh bạch nên chúng tôi yêu cầu phải có một cuộc làm việc chính thức với người dân thôn Hà Thôn để xác minh vụ việc. Không thể nào xác minh vụ việc ở Hà Thôn mà lấy ý kiến của người dân nơi khác được và chỉ dựa vào ý kiến của người bị tố cáo được.”

    Còn ông Hoàng Văn Hầm, thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh cũng cho rằng: “ Có thể vì mối quan hệ thông gia giữa bà Lé và  ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch tỉnh nên lần nào chúng tôi gửi đơn tố cáo đi đều có sự thiên vị với bà Lé này. Hơn nữa, chúng tôi tố cáo cả 3 người này cố tình khai man hồ sơ để được hưởng chế độ, thì phải giải quyết cả 3 người, không thể tìm cách lách ra để giải quyết như thế được.”

    Trước đó, nhiều người dân trong thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới vẫn còn nguyên bức xúc khi biết rằng những người phụ nữ bán cá trong thôn chưa một lần cầm cây súng để chiến đấu mà lại được hưởng chế độ như thương binh. Như trong phản ánh của bài viết Giả mạo chữ ký vẫn được hưởng chế độ thương binh, 3 người bị người dân tố cáo có dấu hiệu khai man, giả mạo chữ ký, người làm chứng không đúng đối tượng… nhưng đã hơn 10 năm nay vẫn được hưởng chế độ chính sách như thương binh. Sau khi phát hiện, nhiều người dân trong thôn Hà Thôn đã làm đơn tố cáo đến các cấp chính quyền nhưng không được giải quyết thỏa đáng gây ra tình trạng khiếu kiện kéo dài.

    Được biết, hiện người dân thôn Hà Thôn đang tiếp tục làm đơn tố cáo lên cấp cao hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến mới của vụ việc.

    XUÂN HƯƠNG

    [mecloud]o54jaAcJT9[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quang-binh-buc-xuc-truoc-viec-tra-loi-don-to-cao-thuong-binh-gia-a113435.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.