+Aa-
    Zalo

    Quanh việc ông Đoàn Ngọc Hải kí đơn từ chức: "Nơi nào làm tốt công tác cán bộ thì cán bộ chấp hành tốt, nếu không sẽ gây ra cảm giác bị "đì""..

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ông Đoàn Ngọc Hải là người được biết đến với quyết tâm dẹp vỉa hè ở quận 1, TP.HCM. Tuy nhiên, ông từng nộp đơn từ chức vì không thực hiện được lời hứa này.

    Đó là khẳng định của ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) khi đánh giá về việc ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP. HCM đã từ chức sau vài tiếng được phân làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên. Cũng trong thời gian này, Phó giám đốc sở Tư pháp Hậu Giang từ chối quyết định phân công về làm ở Hội Chữ thập đỏ. Công tác cán bộ đang "nóng", được dư luận hết sức quan tâm.

    Ngạc nhiên với cách ứng xử của ông Đoàn Ngọc Hải

    Ông Đoàn Ngọc Hải là người được biết đến với quyết tâm dẹp vỉa hè ở quận 1, TP.HCM. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản, ông này từng nộp đơn từ chức vì không thực hiện được lời hứa chỉnh trang đô thị.

    Ông Đoàn Ngọc Hải thời còn làm Phó chủ tịch UBND Q.1, trong một lần ra quân xử lý vi phạm trật tự lòng lề đường.

    Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP. HCM cho biết: "Khi còn làm ở HĐND tôi cũng đánh giá tốt về năng lực, tâm huyết của anh Hải trong thực hiện nhiệm vụ. Nhưng mà có một số cách ứng xử với công việc và người dân chưa được như mình mong muốn. Bởi vì trong quản lý trật tự đô thị thì ai cũng muốn gọn gàng sạch sẽ đi vào nề nếp, nhưng phải nhìn vào một thực tế là phải có lộ trình.

    Lúc tôi làm HĐND thì cũng nhiều lần tôi nói, mình làm công tác chính quyền, mình muốn trật tự thì người dân người ta cũng muốn. Nhưng công ăn việc làm của người dân, điều kiện sinh hoạt và kinh doanh của người dân là trách nhiệm của chính quyền phải tạo ra. Chính quyền cần tạo ra khung pháp lý, tạo ra điều kiện, giúp cho người dân cách mưu sinh. Một gánh xôi bên lề đường giúp họ nuôi sống cả gia đình, nuôi con học hành tử tế và thực ra cũng là giải quyết vấn đề của xã hội chứ không phải chuyện cấm chỗ này, đuổi chỗ kia. Người dân dù có sai chăng nữa thì thái độ tôn trọng, thái độ lịch sự, cầu thị của người thi hành công vụ cũng phải có chuẩn mực...".

    Ông Hải được điều động tới vị trí việc làm mới là Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Sài Gòn - TNHH Một thành viên. Ông đã nhận chức rồi không lâu sau đã nộp đơn từ chức vì không đúng nguyện vọng và khả năng của mình.

    Đánh giá về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng: "Tôi nghĩ rằng quá trình điều động hay phân công anh Hải có rất nhiều lần trao đổi trực tiếp. Chúng tôi cũng phân công các đồng chí có trách nhiệm gặp gỡ trao đổi và cũng có cân nhắc đến môi trường mới, phân công làm sao để anh Hải có thể phát huy được năng lực, sở trường của mình. Tôi nghĩ cách làm công tác cán bộ đã rất thấu đáo để vẫn phát huy được sự nhiệt thành của cán bộ, sở trường của cán bộ. Việc giữ trật tự đô thị của thành phố không phải một người làm mà cả hệ thống chính trị làm, trong đó vai trò quyết định là của người dân. Mình cần tạo sự đồng thuận, phải tuyên truyền, nhắc nhở, phải kiên trì và đặc biệt tạo môi trường tốt để người ta tham gia".

    Đánh giá về việc từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải, bà Quyết Tâm nói: "Tôi thì rất quý anh Hải, một người tâm huyết, đóng góp cho sự phát triển của Thành phố. Là một cán bộ trẻ, mình cũng muốn tạo điều kiện cho phát triển. Nhưng ứng xử vừa rồi của anh Hải cũng làm tôi rất ngạc nhiên và cũng rất khó hiểu đối với một cán bộ, đảng viên. Đây là ứng xử với tổ chức, đưa ra công luận như vậy làm cho người dân rất khó hiểu về công tác cán bộ của mình. Không phải việc gì tổ chức làm cũng phải đi nói hết cho người dân nghe được, vì có những vấn đề nội bộ. Cho nên trong một chừng mực nào đó, ứng xử đó thiếu tôn trọng với tổ chức. Tự mình thiếu tôn trọng bản thân. Bởi vì nói cho cùng muốn người ta tôn trọng, đánh giá đúng được mình thì trước hết phải tôn trọng mình và phải có ứng xử chuẩn mực".

    "Đây là ứng xử của một con người, ứng xử với một cán bộ của Đảng, của dân thì rất tôn trọng, cầu thị, quan tâm để tạo điều kiện cho phát triển. Nhưng ngược lại phải là sự hợp tác giữa đôi bên, giữa cá nhân với tổ chức và ngược lại. Một bên không làm nên được công việc. Tổ chức tôn trọng cá nhân thì cá nhân cũng phải tôn trọng tổ chức", bà Tâm cho biết thêm.

    Dũng cảm hay chống đối?

    Trao đổi với báo ĐS&PL, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu quan điểm: "Nếu nói rằng công việc này không phù hợp với tôi, tôi không chịu thì cũng không được. Cán bộ đó cũng phải nhìn nhận lại mình. Tuy nhiên cơ quan đó cũng cần nhìn lại vì sao cán bộ không chịu nhận nhiệm vụ mới. Công tác tổ chức cán bộ địa phương ở địa phương còn những vấn đề nhạy cảm, nó không tròn vo luôn có chuyện này chuyện khác. Nơi nào làm tốt công tác cán bộ thì cán bộ chấp hành tốt, nếu không sẽ gây ra cảm giác bị "đì" bị "điều" chứ không phải là do sự phân công nhiệm vụ của Đảng.

    Quyền điều chuyển công tác không phải là của cán bộ mà của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, trước khi phân công nhiệm vụ cần lắng nghe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cán bộ, để mình có quyết sách đúng đắn, đả thông tư tưởng, động viên anh em. Còn chịu hay không chịu thì cũng không được vì anh là đảng viên, anh phải chịu sự phân công của Đảng", ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.

    Đánh giá về sự việc, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: "Theo quy định của Đảng, quan điểm của Đảng là bố trí công việc phải phù hợp với năng lực, sở trường, chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ của cán bộ. Một người được đào tạo bài bản trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, chính trị mà lại đưa sang làm Phó tổng giám đốc một công ty?

    Đối với nhiều người, vị trí Phó tổng giám đốc đó là một vị trí béo bở, kiếm chác được. Có nhiều người phải "chạy" vào chức đó. Nhưng quan điểm của ông Hải phù hợp với quan điểm, chủ trương công tác cán bộ của Đảng, rất phù hợp với các nghị quyết của Đảng.

    Bản thân ông Hải rất dũng cảm bảo vệ chủ trương này, là điều rất đáng khen, không thể coi đó là chống (quyết định phân công của tổ chức). Tôi cho rằng, ông ấy là con người có liêm sỉ, xét ở khía cạnh nào đó thì đây là sự liêm chính của cán bộ. Người ta (ông Hải) không vì chuyện nọ kia...

    Tôi rất chia sẻ với ý kiến của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong rằng, chức vụ này tương đương với Phó giám đốc Sở. Nhưng đây không phải là quyền chức, mà người ta nghĩ rằng bố trí cán bộ làm sao để phát huy năng lực sở trường. Thứ hai, bản thân ông Hải đang làm một việc rất tốt, theo đúng ý của đồng chí Bí thư Thành ủy. Chủ trương của TP.HCM là muốn đô thị đó là đô thị văn minh, vậy thì phải có những con người hy sinh, cống hiến".

    Thành Huế- Công Luân

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 91

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quanh-viec-ong-doan-ngoc-hai-ki-don-tu-chuc-noi-nao-lam-tot-cong-tac-can-bo-thi-can-bo-chap-hanh-tot-neu-khong-se-gay-ra-cam-giac-bi-di-a278943.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan