+Aa-
    Zalo

    Sản phụ chết bất thường, trách nhiệm thuộc về ai?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Liên tiếp xảy ra các trường hợp sản phụ tử vong trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế phải có một phần trách nhiệm để giải quyết cũng như hạn chế tình trạng này.

    (ĐSPL) - Liên tiếp xảy ra các trường hợp sản phụ tử vong trong thời gian vừa qua, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế cũng có một phần trách nhiệm khi thiếu các biện pháp tích cực để làm hạn chế tình trạng này.
    Vài năm trở lại đây những vụ sản phụ chết bất thường diễn ra ngày càng phổ biến. Điều khiến dư luận bức xúc và đặt ra câu hỏi lớn là tại sao trang thiết bị ngành Y tế ngày càng hiện đại, đội ngũ y bác sĩ được đào tạo chuyên sâu nhưng những cái chết thương tâm của các sản phụ vẫn diễn ra?
    Tại sao trước sự ra đi của các sản phụ, sự mất mát của các gia đình, hầu như chưa có cá nhân nào chịu sự trừng phạt của pháp luật? Phải chăng điều này cũng khiến một số người chịu trách nhiệm cho sự an toàn của sản phụ và trẻ sơ sinh chưa nhận thức rõ được nhiệm vụ của mình, dửng dưng trước những nguy hiểm cận kề mà các sản phụ đang phải đối mặt?
    Để có điểm nhìn pháp lý rõ hơn về vấn đề này, báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
    Sản phụ chết bất thường, trách nhiệm thuộc về ai?
    Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh.
    - Mới đây nhất, ngày 15/7, tại BV Đa khoa tỉnh Bình Thuận, sản phụ Nguyễn Thị Minh Hồng khi sinh nở tại viện đã tử vong, chỉ cứu được bé sơ sinh nặng 3,2 kg. Trước đó không lâu, ngày 4/7, sản phụ Lê Thị Thu cũng đột ngột tử vong tại Bệnh viện TP Huế. Chị Phí Thị Thúy khi sinh con tại Bệnh viện đa khoa huyện Kim Thành, Hải Dương cũng đã ra đi đột ngột vào rạng sáng ngày 2/4. Trước những thông tin về cái chết thương tâm thời gian gần đây, Luật sư đánh giá như thế nào về tính chất cũng như mức độ của sự việc?
    Thật ra không phải chỉ từ đầu năm 2014 trở lại đây mà trong cả năm 2013 hoặc 2012 đều liên tiếp xảy ra các vụ sản phụ tử vong đã được báo chí đưa tin khiến người dân vô cùng bức xúc.
    "Chửa cửa mả" là đúc kết từ xa xưa, cho thấy sự nguy nan của sản phụ trong quá trình sinh con. Chỉ một sơ suất nhỏ của người hộ sinh cũng sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường cho mẹ và em bé.
    Đã là muộn để có sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Y tế cũng như của các cơ quan chức năng nhằm hạn chế những tai biến sản khoa, nhưng còn hơn là để sự việc trở thành không thể khắc phục được.
    Các cơ quan ban ngành cần làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với từng trường hợp tử vong cụ thể cũng như trách nhiệm của người quản lý khi mà tình trạng này xảy ra ngày càng nhiều.
    Sản phụ chết bất thường, trách nhiệm thuộc về ai?
    Người nhà của sản phụ Lê Thị Thu (thôn Dạ Khê, Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) đau lòng trước sự ra đi đột ngột của chị và đứa con sắp sinh.
    - Người nhà bệnh nhân cho rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của các sản phụ là do trình độ chuyên môn nghiệp vụ yếu kém cũng như khả năng chẩn đoán và điều trị của các bác sĩ còn hạn chế. Luật sư nhận định như thế nào về trách nhiệm của các y bác sĩ trong sự việc này?
    Việc xác định có sự yếu kém trong trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của bác sỹ, người hộ sinh hay không khi sản phụ tử vong cần phải dựa vào quy trình làm việc, phác đồ điều trị được ban hành, dựa vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền...
    Bản thân luật sư không thể khẳng định được rằng những người tham gia hộ sinh đã làm hết trách nhiệm hay chưa. Nhưng tất cả mọi người, đặc biệt là thân nhân sản phụ, có quyền đặt ra những nghi ngờ và họ cần phải được cơ quan chức năng giải đáp những nghi ngờ đó.
    - Theo Luật sư, kíp hộ sinh cũng như bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường như thế nào cho gia đình các sản phụ?
    Theo quy định của pháp luật, khi có thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe xảy ra, người bị hại hoặc đại diện của họ có quyền yêu cầu người gây ra thiệt hại bồi thường.
    Nếu người gây thiệt hại là kíp hộ sinh thì bệnh viện có trách nhiệm đứng ra bồi thường. Các khoản phải bồi thường gồm có chi phí mai táng cho người bị thiệt hại về tính mạng, tổn thất về tinh thần cho những người thân của người đó và tiền cấp dưỡng cho những người mà người đã chết có trách nhiệm nuôi trước khi chết như con cái, cha mẹ...
    - Theo Luật sư, ngành Y tế có trách nhiệm như thế nào khi để xảy ra hàng loạt cái chết bất thường của các sản phụ?
    Bộ Y tế là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế, trong đó có lĩnh vực sức khỏe sinh sản.
    Trong phạm vi của mình, Bộ Y tế ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về sức khỏe sinh sản; quy định chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, đồng thời giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
    Trước sự việc liên tiếp xảy ra các trường hợp sản phụ tử vong trong thời gian vừa qua, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế cũng có một phần trách nhiệm khi thiếu các biện pháp tích cực để làm hạn chế tình trạng này.
    Các biện pháp tích cực thể hiện qua việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát quy trình thực hiện kỹ thuật chăm sóc sức khỏe sinh sản; xác minh nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên và giải pháp ngăn chặn; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra hoặc cơ quan chức năng khác để truy cứu trách nhiệm đối với cán bộ nhân viên do mình quản lý đã gây ra cái chết cho sản phụ...
    Một khi Bộ Y tế thực hiện đồng bộ và quyết liệt các biện pháp trên, khi đó có thể nói Bộ đã làm tròn trách nhiệm của mình và chắc chắn sẽ hạn chế được những tai biến sản khoa đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến cái chết cho nhiều sản phụ.
    - Vụ việc có thể khởi tố vụ án hình sự để điều tra hay không, thưa Luật sư?
    Để có thể khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra sẽ phải tìm hiểu việc sản phụ tử vong là do nguyên nhân khách quan (bệnh lý...) hay chủ quan (lỗi của một cá nhân nào đó...).
    Nếu là do lỗi của cá nhân thì tùy vào hành vi cụ thể, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo những tội danh tương ứng.
    Tuy nhiên như tôi đã nhắc đến ở trên, từ trước đến nay chúng ta chưa thấy có cá nhân nào bị xử lý hình sự trong các trường hợp sản phụ bị tử vong. Vậy thì đó là do các sản phụ bị chết đều vì nguyên nhân bệnh lý, hay đã có sự bao che ở đây?
    Dư luận rất mong nhận được câu trả lời của cơ quan chức năng để sự việc được sáng tỏ.
    - Xin cảm ơn luật sư!

    Một số vụ sản phụ tử vong trong thời gian gần đây

    - Ngày 15/7, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận cho biết Chủ tịch tỉnh vừa có văn bản giao Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo BV Đa khoa tỉnh Bình Thuận tổ chức kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân dẫn đến sản phụ Nguyễn Thị Minh Hồng tử vong tại bệnh viện tỉnh ngày 18/5.

    Cụ thể, vào ngày 18/5, chị Hồng (33 tuổi) là giáo viên mầm non có đến khoa Sản BV Đa khoa tỉnh Bình Thuận để sinh con. Vào 15h, gia đình chị Hồng có yêu cầu đẻ mổ. Tuy nhiên, chị Hồng khi đưa vào phòng sinh lại không được mổ luôn mà phải đợi đến mãi 20h ngày 18/5.

    Sau khi bệnh viện yêu cầu gia đình ký cam kết hút thai cứu bé thì chị Hồng tử vong, chỉ cứu được bé sơ sinh nặng 3,2 kg.

    - Ngày 4/7, chị Lê Thị Thu (43 tuổi, trú thôn Dạ Khê, Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) đến Bệnh viện TP Huế khám thai để chuẩn bị sinh thì được bác sĩ ở đây khám và hẹn ngày 9/7 tới nhập viện. 

    Đến ngày 7/7, do thai quá ngày dự sinh, gia đình chị Thu trở lại Bệnh viện TP Huế xin chuyển lên Bệnh viện Trung ương Huế, nhưng bác sĩ từ chối lời đề nghị của gia đình và tiếp tục hẹn đến ngày 9/7 nhập viện.

    Chị Thu nhập viện đúng hẹn, cho đến 9h thì bị đau bụng nên bệnh viện chuyển vào phòng sinh và chỉ định sinh thường. Nhưng đến khoảng 13h30 cùng ngày, bác sĩ thông báo sản phụ Thu nguy kịch phải chuyển lên Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu.

    Khi được chuyển đến khoa sản Bệnh viện Trung ương Huế, sản phụ Lê Thị Thu đã hôn mê sâu, tim đập yếu, không có mạch, xuất huyết âm đạo và miệng.

    Chị Thu nhập viện được khoảng 5 phút thì tim ngưng đập. Mặc dù bác sĩ đã đánh sốc điện để lấy lại nhịp tim, tim sản phụ đập trở lại nhưng rất yếu, nghi chết não. Thai nhi đã chết lưu trong bụng mẹ. Đến khoảng 22h ngày 9/7 thì chị Thu tử vong. Sáng 10/7, thi thể sản phụ Lê Thị Thu và thai nhi đã được người thân đưa về nhà lo hậu sự.

    Sự việc thương tâm trên cũng xảy ra với sản phụ Phí Thị Thúy (ở 14A, Chu Văn An, TP Hải Dương) khi sinh con tại Bệnh viện đa khoa huyện Kim Thành vào rạng sáng ngày 2/4.

    Được biết, chị Thúy nhập viện vào lúc 9h sáng ngày 1/4 trong tình trạng sức khỏe hoàn toàn bình thường. Các bác sĩ khi chuẩn đoán cho thai nhi kết luận sản phụ đẻ bình thường.

    Đến 22h đêm ngày 1/4, chị Thúy có triệu chứng bất thường như đau, chảy chất dịch, gia đình chị có thông báo cho các bác sĩ trong kíp trực đêm đó, nhưng đến 0h25 đêm ngày 2/4 bác sĩ mới có mặt.

    Mãi cho tới 2h sáng ngày 2/4, chị Thúy được đưa lên tầng 2 của bệnh viên để mổ cấp cứu. Tuy nhiên đến 4h sáng thì chị Thúy tử vong.

     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/san-phu-chet-bat-thuong-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-a41467.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan