+Aa-
    Zalo

    Sạt lở QL1 qua Đèo Cả, giao thông Bắc - Nam tắc nghẽn suốt 10 giờ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Mưa lớn dài ngày đã khiến hàng nghìn mét khối đất đá từ đèo Cả sạt lở, vùi lấp gây tắc nghẽn giao thông Bắc - Nam trong suốt 10 giờ đồng hồ.

    (ĐSPL) - Mưa lớn kéo dài đã khiến hàng nghìn mét khối đất đá từ Đèo Cả sạt lở, vùi lấp gây tắc nghẽn giao thông Bắc - Nam trong suốt 10 giờ đồng hồ.

    Báo Giao thông đưa tin, khoảng 22h ngày 15/12, khoảng 800m3 đất đá bất ngờ sạt lở từ mái taluy dương bên trái tuyến tràn lấp 20m chiều dài đoạn Km1360+400 trên Đèo Cả QL1, đoạn qua tỉnh Phú Yên đã gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng

    Lực lượng chức năng khẩn cấp có mặt tại hiện trường, phân luồng đảm bảo ATGT và triển khai đào, thu dọn đất đá.

    Hai máy đào, hàng chục nhân viên Công ty CP Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên (đơn vị bảo trì) đã được huy động, trắng đêm hót sụt.

    Ngay trong đêm 15/12, lãnh đạo Cục QLĐB III cùng các đơn vị duy tu, bảo trì đường bộ trực tiếp tại các "điểm nóng" ngập úng, sạt lở dọc QL1 trên địa bàn Phú Yên, Khánh Hòa... chỉ đạo công tác ứng trực, đảm bảo ATGT, khắc phục ngay các vị trí hư hỏng.

    Lực lượng Cục QLĐB III, Công ty CP Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên trắng đêm căng sức thông tuyến sạt lở QL1 Đèo Cả. Ảnh: Báo Giao thông.

    Tin tức trên báo Tri thức trực tuyến cho biết, núi lở đã vùi lấp, gây hỏng nặng 2 ô tô, rất may không gây thiệt hại về người. Giao thông Bắc - Nam tắc nghẽn nối dài hàng chục km trên cả hai chiều qua khu vực Đèo Cả. 

    Đại tá Nguyễn Phi Lương, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Phú Yên thông tin, từ tối 15/12 đến sáng nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã túc trực chốt chặn ở các điểm sạt lở núi tại Km1360 và Km 1361, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông.

    Sau hơn 10 giờ tích cực thông tuyến, đến  8h ngày 16/12, lực lượng cứu hộ đã giải tỏa 2/3 điểm sạt lở núi tạm thời, thông xe một chiều trên quốc lộ qua khu vực này.

    Đèo Cả sạt lở nghiêm trọng khiến giao thông Bắc - Nam tắc nghẽn nhiều giờ. Ảnh: Tri thức trực tuyến.

    Cơ quan chức năng sau đó tiếp tục huy động cẩu trục chuyên dụng, đưa 2 ô tô mắc kẹt trong đất, đá tại vị trí sạt lở núi ra ngoài.

    Nguồn tin cho hay, theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên, mưa lũ lớn kéo dài cũng gây sụt lún nhiều điểm trên tuyến QL1 qua địa bàn. Nghiêm trọng nhất là tại Km1294 + 200, trên dốc Vườn Xoài, khu phố Bình Thạnh, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu.

    Điểm sạt lở trước đây (ngày 10/12) trên QL1 qua huyện Tuy An hiện đã ăn sâu vào nền QL hơn 8m, chiếm hết phần đường bên phải theo hướng Nam - Bắc. Khu vực này đã xuất hiện 4 đường nứt đất dài hơn 30m, sâu hơn 2m, tạo nhiều tầng đất bị sụt lún, có nơi sâu hơn 1,5m so với mặt đường.

    Trên các tuyến QL29, 19C, có 11 đoạn bị sạt lở mái taluy dương lấp rãnh dọc và taluy âm, khối lượng gần 1.000m3; tại Km140+400 bị sạt lở taluy dương, 80m3 đất đá vùi lấp 1/2 mặt đường và cây to đổ ngang, giao thông đi lại khó khăn, nguy hiểm.

    Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên cho biết, đơn vị này đang huy động tối đa nhân công, phương tiện tích cực đào, thu dọn đất đá sụt, sạt lở.

    Đơn vị bảo dưỡng đường bộ và các đơn vị thi công phối hợp với địa phương rào chắn, cắm biển báo cấm người và phương tiện qua lại tại các vị trí ách tắc, ngập lụt.

    Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau:

    "1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm:

    a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân;

    b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả;

    c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất;

    d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường;

    đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;

    e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

    2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau:

    a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền;

    b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này;

    c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu;

    d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai".

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

    (Tổng hợp)



    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sat-lo-ql1-qua-deo-ca-giao-thong-bac---nam-tac-nghen-suot-10-gio-a174401.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan