+Aa-
    Zalo

    Singapore và Anh: Hai thái cực trái ngược khi cùng chung sống với COVID-19

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Gần 2 năm sau khi đại dịch COVID-19 lần đầu được phát hiện, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu chấp nhận sự thật virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất và phải "sống chung với dịch bệnh".

    Dù chấp nhận thực tế rằng đại dịch COVID-19 sẽ không biến mất nhưng mỗi quốc gia khác nhau lại có cách tiếp cận và định hướng việc "chung sống với dịch bệnh" hoàn toàn khác nhau. Điển hình là tại Singapore, một quốc đảo với dân số khoảng 5,69 triệu người, và Vương quốc Anh, đất nước có khoảng 66 triệu dân. Cả hai quốc gia này đều có những trải nghiệm khác nhau và đạt được kết quả khác nhau, nếu không muốn nói là trái ngược, về công tác phòng dịch COVID-19.

    Trong khi Anh quốc là một trong những quốc gia ghi nhận số ca tử vong cao nhất thế giới, với khoảng 129.000 trường hợp kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, thì tại Singapore, con số này chỉ là 36 người. Tính toán của Đại học Johns Hopkins chỉ ra cứ khoảng 100.000 dân ở Anh thì đã có 192,64 trường hợp tử vong vì COVID-19, đối với Singapore, tỷ lệ lại vô cùng nhỏ, chỉ khoảng 0,63. 

    covid 19
    Ảnh: CNN

    Hiện nay, cả Anh và Singapore đều đang vạch ra kế hoạch tái mở cửa và "sống chung với dịch bệnh". Theo đó, CNN nhận định 2 quốc gia này có thể trở thành hình mẫu cho thế giới khi họ tăng cường các chương trinh tiêm chủng vaccine COVID-19.

    Sự đối lập rõ rệt

    Vào tháng 6/2021, giới chức Singapore đã công bố những lộ trình mới trong kế hoạch tái mở cửa đất nước, vạch rõ những khác biệt so với mô hình phòng dịch trước đây đã được "đảo quốc sư tử" sử dụng. Trong đó, các nhà chức trách dự kiến sẽ chuyển hướng theo dõi từ các ca bệnh hàng ngày sang chú trọng vào kết quả như "bao nhiêu người bị ốm nặng, bao nhiêu người phải chuyển sang phòng chăm sóc đặc biệt, bao nhiêu người cần được đặt nội khí quản".

    Thông qua cách theo dõi này, Singapore hy vọng COVID-19 sẽ được coi là một dịch bệnh bớt nghiêm trọng hơn, giống như cảm cúm hay thuỷ đậu. 

    Về phía Anh, trong nhiều tuần qua, Thủ tướng Boris Johnson cũng đưa ra những quan điểm tương tự về dịch COVID-19. Cụ thể, ông Johnson kỳ vọng "COVID-19 sẽ trở thành một căn bệnh mà chúng ta cần học cách chung sống cùng, giống như bệnh cúm".

    Theo đó, ông Johnson đã ban hành quyết định gỡ bỏ các hạn chế đối tại Anh, bao gồm cả quy định giãn cách xã hội, đeo khẩu trang phòng dịch và mở cửa đất nước trong ngày 19/7 (theo giờ địa phương). Tuy nhiên, kế hoạch này của ông đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ giới chuyên môn, họ cho rằng Anh đang vô cùng mạo hiểm khi bỏ qua các quy tắc phòng dịch trong thời gian này. 

    Ông Johnson cho biết Anh đã đạt mục tiêu tiêm chủng tương đối cao, với 66% người trưởng thành được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Thủ tướng Anh nhận định, tỷ lệ này đã giúp London phá vỡ mối liên kết giữa số ca bệnh mới và số ca bệnh trở nặng. 

    Thế nhưng, số ca mắc COVID-19 của Anh vẫn tăng với mức độ "chóng mặt". Chỉ tính riêng trong ngày 16/7, quốc gia này đã ghi nhận tới 52.000 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 49 ca tử vong. 

    Tiến sĩ Oliver Watson, một nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London đã so sánh việc Vương quốc Anh muốn nới lỏng các hạn chế với tình hình ở Singapore, nơi các nhà chức trách vẫn rất quan tâm tới các ca bệnh COVID-19 mới. 

    Theo đó, ông Watson phát biểu: "Việc Singapore muốn nới lỏng hạn chế thông qua việc thắt chặt kiểm soát đối những địa phương bùng phát dịch COVID-19 hoàn toàn khác với những gì chính phủ Anh đang làm".

    Từng bước mở cửa 

    Số ca mắc COVID-19 mới tại Singapore là khoảng 26 trường hợp/ngày. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn chưa ấn định này mở cửa trở lại. Vào ngày 9/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết các lộ trình bình thường hoá cuộc sống trong đại dịch của họ đã khác hoàn toàn so với Anh kể từ cách tiếp cận tới quyết định mở cửa đất nước. 

    Ông Ong Ye Kung chia sẻ: "Chúng tôi muốn đi con đường ở giữa hơn".

    Theo đó, ông giải thích con đường mà Singapore lựa chọn để "sống chung với dịch bệnh" là cố gắng đạt mục tiêu tiêm chủng cao, đồng thời phải duy trì được cả các biện pháp ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch và giảm thiểu số ca lây nhiễm.

    covid 19 1
    Ảnh: CNN

    Đến nay, khoảng 40% dân số Singapore đã được tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19 và chính phủ đang đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 3/4 dân số tính đến ngày 9/8. Đáng chú ý, những thanh thiếu niên trên lứa tuổi 12 cũng được đưa vào danh sách tiêm chủng của Singapore. Trong khi đó, London hiện vẫn chỉ đang chú trọng tiêm chủng cho những người trưởng thành.

    Ông Ong nói với Bloomberg rằng "cán cân sẽ thay đổi" nhưng Singapore sẽ không từ bỏ các biện pháp giảm thiểu và ngăn chặn các ca nhiễm. Theo đó, việc mở cửa trở lại của Singapore sẽ diễn ra từ từ theo từng bước, đảm bảo an toàn cộng đồng là mục tiêu cao nhất.

    Chính những bước đi chậm rãi, chắc chắn này đã giúp chính phủ Singapore được ủng hộ nhiều hơn chính phủ Anh trong kế hoạch tái mở cửa đất nước. 

    Vaccine và xét nghiệm 

    Trong cuộc chiến chống COVID-19, Singapore có những lợi thế mà nhiều quốc gia lớn hơn không có bao gồm: Mật độ dân số nhỏ; xây dựng quy tắc từ trên xuống; kinh nghiệm được tích luỹ từ đợt bùng phát dịch SARS năm 2003 đã đưa họ thành quốc gia tiên phong trong việc xây dựng các cơ sở cách ly, xây dựng các phòng thí nghiệm và đội ngũ y bác sĩ luôn sẵn sàng đối phó với dịch bệnh.

    Trước những thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, ông Dale Fisher, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), chia sẻ: "Điều đó có nghĩa là trong những tháng sau trường hợp đầu tiên được báo cáo ở Trung Quốc, chúng tôi đã đi đúng hướng đối với dịch bệnh này".

    Thành công lớn nhất của Singapore nằm ở hệ thống theo dõi tiếp xúc rộng rãi và tích cực của nước này. Sử dụng công nghệ không dây Bluetooth, ứng dụng Trace Together theo dõi các tiếp xúc gần giữa mọi người, cho phép nhanh chóng phát hiện và cách ly các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh. Bên cạnh đó, Singapore cũng có những quy định để người dân tự giác sử dụng ứng dụng này, tăng tốc độ truy vết và hỗ trợ lực lượng chức năng trong công tác phòng dịch.

    Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng phòng COVID-19 vẫn được đánh giá là một biện pháp quan trọng giúp kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, rất khó để đạt được tỷ lệ tiêm chủng 90-95% để có miễn dịch cộng đồng. Theo Bộ trưởng Y tế Singapore: "Nếu may mắn, chúng tôi có thể đạt được khoảng 80%".

    Dù số ca bệnh COVID-19 tại Singapore thấp hơn hẳn so với Anh nhưng họ vẫn áp dụng nghiêm ngặt các quy định kiểm soát dịch bao gồm hạn chế tụ tập quá 5 người ngoài nơi công cộng và cách ly 14 ngày đối với những trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài. 

    Đặc biệt, nhân viên làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bùng phát dịch cao như phòng gym, nhà hàng, thẩm mỹ viện... tại Singapore sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên khoảng 2 tuần/lần để nhanh chóng phát hiện trường hợp dương tính và khoanh vùng. Trong khi đó, việc xét nghiệm vốn không phải điều bắt buộc tại Anh. 

    Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Dale Fisher nhận định tỷ lệ tiêm phòng càng cao, số ca bệnh mới càng ít được quan tâm. Do đó, Singapore sẽ chuyển sang tập trung thông tin về những ca bệnh có triệu chứng nặng, phải nhập viện điều trị và các ca tử vong. 

    Ông Fisher phân tích: "Mọi thứ giờ đây đã thay đổi, bởi vì ý nghĩa của 1 ca bệnh cách đây 1 năm khi chưa có vaccine hoàn toàn khác với ý nghĩa của 1 ca bệnh trong hiện tại". 

    Tuy nhiên, ông Fisher khẳng định việc Singapore tái mở cửa sẽ không giống với Vương quốc Anh là "cởi bỏ khẩu trang và trở lại nhịp sống như trước". Khi Singapore dần mở cửa trở lại, những người bị nhiễm bệnh sẽ có thể tự phục hồi tại nhà "vì khi tiêm vaccine, các triệu chứng bệnh sẽ nhẹ hơn và nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh, đã tiêm đủ vaccine, sẽ thấp".

    Sự cân bằng

    Các chuyên gia cho biết, mặc dù có nhiều ý kiến ​​về nhu cầu cân bằng giữa các biện pháp y tế công cộng và giải quyết nền kinh tế nhưng cả hai điều này sẽ không loại trừ lẫn nhau. Ông David Matchar, Giáo sư tại Trường Y Duke-NUS ở Singapore nhận định: "Việc mở cửa đất nước ngay lập tức về mặt kinh tế có vẻ là một điều tốt, nhưng nếu kết quả cuối cùng là một làn sóng lây nhiễm khác thì về lâu dài, nó có thể sẽ tồi tệ về mặt kinh tế".

    Ông Matchar cho biết Singapore đang cố gắng dỡ bỏ các hạn chế một cách từ từ và đều đặn để ngăn các bệnh viện trở nên quá tải và ngăn chặn những cú sốc kinh tế do việc đóng cửa gấp. Điều này một lần nữa cho thấy rõ sự đối lập giữa Singapore và Anh trong con đường "sống chung với dịch bệnh". 

    Sự kiện ở Israel - một trong những quốc gia được tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới - đã báo trước những rủi ro về việc vội vàng mở cửa nền kinh tế. Sau khi dỡ bỏ hầu hết các quy định phòng dịch COVID-19 vào tháng 6, các nhà lập pháp Israel đã khôi phục yêu cầu đeo khẩu trang phòng dịch vào ngày 25/6 sau ghi nhận sự gia tăng đột biến của biến thể Delta. 

    Minh Hạnh (Theo CNN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/singapore-va-anh-hai-thai-cuc-trai-nguoc-khi-cung-chung-song-voi-covid-19-a507487.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan