+Aa-
    Zalo

    Số phận bi thảm của thiên tài mù mắc hội chứng bác học

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Với khả năng âm nhạc trời phú cùng hội chứng bác học, người đàn ông với biệt danh “Tom mù” đã trở thành một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất ở Mỹ thế kỷ 19.

    Với khả năng âm nhạc trời phú cùng hội chứng bác học, người đàn ông với biệt danh “Tom mù” đã trở thành một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất ở Mỹ thế kỷ 19. Tuy nhiên toàn bộ số tiền ông kiếm được đều bị người khác cướp đi.

    Thiên tài âm nhạc mù bẩm sinh

    Thiên tài âm nhạc Thomas Wiggins sinh ra trong một gia đình nô lệ da đen và bị mù bẩm sinh.

    Thomas Wiggins (1849 – 1908) sinh ra trong một gia đình nô lệ da đen tại Georgia, Mỹ. Tuy nhiên, ngay từ khi mới chào đời cậu đã bị mù bẩm sinh. Cha mẹ ông, Charity và Domingo là nô lệ chịu sự quản lý của Wiley Jones.

    Do bị mù, Thomas Wiggins chính là nỗi thất vọng của chủ nô. Ít lâu sau trong một cuộc đấu giá nô lệ, người chủ này đem bán người mẹ cho tướng James Bethune ở Columbus, Georgia. “Người đàn bà nô lệ này còn đứa con trai. Tôi đồng ý cho không đứa nhỏ này”, chủ nô nói với tướng James Bethune.

    Và thế là, người mẹ đáng thương cùng đứa con trai mù 1 tuổi về làm nô lệ cho người chủ mới. Lúc đó tướng James Bethune đặt tên cho ông là Thomas Wiggins Bethune, nhưng mọi người đều quen gọi cậu là “Tom mù”.

    Thiên tài từ khi lọt lòng

    Điều đặc biệt là khi còn mới ẵm ngửa, Tom đã tỏ ra rất nhạy cảm với những tiếng động, đặc biệt là âm nhạc. Cả gia đình tướng James Bethune cũng phải công nhận tài năng khác thường của cậu bé da đen này.

    Khả năng kỳ diệu về âm nhạc được khám phá khi Tom mới lên 3 tuổi. Vào một buổi chiều khi đang nô nghịch trên thềm nhà, bất ngờ cậu cất giọng hòa với giọng hát của các tiểu thư nhà tướng Bethune. Cậu đã hát hết bản nhạc một cách tài tình dù là những đoạn khó xử lý nhất.

    Năm Tom 4 tuổi, khi một nhóm người bắt đầu giải tán sau khi cùng chơi dương cầm suốt mấy tiếng đồng hồ, bỗng họ nghe thấy giai điệu của bản nhạc họ vừa chơi vang lên. Mọi người lần theo tiếng đàn tìm tới phòng khách và đều sửng sốt khi thấy một cậu bé da đen bẩn thỉu đang say sưa chơi lại bản nhạc vừa được nghe trên chiếc đàn dương cầm ở đó.

    Tất cả mọi người trong gia đình tướng James đều vô cùng kinh ngạc vì họ chưa bao giờ cho phép Tom chạm vào cây đàn. Không ai biết cậu bé mù này đã học đàn từ đâu và từ khi nào?

    Ngay từ khi bắt đầu chơi dương cầm, Tom đã biết sử dụng thuần thục các phím đàn đen trắng. Các phím đàn không dễ sử dụng đối với một người sáng mắt chứ đừng nói gì là bị mù và chưa từng được ai huấn luyện như Tom. Vậy mà Tom đã có thể chơi các bản nhạc cổ điển nổi tiếng một cách thành thạo. Những ngón tay của cậu lướt trên phím đàn vô cùng chính xác và điêu luyện.

    Nhận ra tài năng thiên bẩm của Tom, James Bethune cho đứa trẻ nô lệ học piano. Tom nhanh chóng vượt qua thầy giáo đến mức được so sánh với các nhà soạn nhạc vĩ đại như Ludwig van Beethoven và Wolfgang Amadeus Mozart. Tuy nhiên, thay vì trân trọng, James Bethune lại coi Tom như mỏ vàng. Hắn ép cậu bé chơi nhạc thuê để thu về 100.000 USD mỗi năm.

    Từ năm 8 tuổi, Tom bắt đầu trình diễn các bản hòa tấu trước công chúng. Tom không bị giới hạn bất cứ thể loại nhạc nào, cậu có thể trình diễn những nhạc phẩm nổi tiếng của Beethoven, Mendelsohn hay bất kỳ ai.

    Càng ngày, danh tiếng Tom mù càng vang xa. Lớn lên, chàng nô lệ nổi tiếng đến mức được Tổng thống Mỹ khi đó là James Buchanan mời đến thủ đô Washington và trở thành nhạc sĩ Mỹ gốc Phi đầu tiên biểu diễn tại Nhà Trắng. Nhà văn Mark Twain thậm chí hâm mộ Tom đến mức đi xem một show diễn tới ba lần.

    Các màn trình diễn của Tom vô cùng đặc biệt. Người nghệ sĩ hay mời khán giả lên sân khấu chơi bản nhạc mà họ cho là khó nhất rồi đọc từng nốt và tái hiện một cách chính xác giai điệu vừa nghe, bao gồm cả những lỗi sai vị khán giả mắc phải. Hơn thế, Tom xuất sắc đến mức có thể cùng lúc biểu diễn ba bản nhạc hoàn toàn khác nhau bằng tay phải, tay trái và miệng.

    Ngoài khả năng chơi nhạc, Tom ghi nhớ khoảng 7.000 tác phẩm. Năm 1861, ông cho ra đời tác phẩm nổi tiếng nhất của mình là The Battle of Manassas.

    Căn bệnh kỳ quái

    Dù sở hữu tài năng xuất chúng, Tom lại thiếu hụt về mặt cảm xúc, lúc nào cũng tỏ ra lạnh lùng đến mức được mô tả như "một chiếc máy hát với khả năng ghi nhớ và sáng tạo âm thanh tự động". Ông cũng không thể tự chăm sóc bản thân hay giao tiếp mà cần đến sự trợ giúp của người thứ ba. Một số nhân chứng khẳng định Tom còn không biết mình là dân Mỹ gốc Phi.

    Với tất cả đặc điểm trên, giới chuyên gia kết luận Tom bị tự kỷ và hội chứng bác học. Trên thực tế, hội chứng bác học (savant syndrome) là bệnh hiếm gặp trên thế giới. Nó khiến con người đột nhiên vượt trội ở một lĩnh vực nào đó nhưng thường đi kèm khiếm khuyết tâm lý hoặc rối loạn phát triển thần kinh. Bệnh nhân hội chứng bác học thường gặp khó khăn trong sinh hoạt bình thường và giao tiếp nên sống xa lánh xã hội.

    Quay trở lại với Tom mù, do chứng bệnh kỳ quái và thân phận nô lệ, người nghệ sĩ chịu sự quản lý của gia đình Bethune đến hết đời. Toàn bộ số tiền ông kiếm được đều bị gia đình này cướp đi để phục vụ lối sống xa hoa. Ngày 13/6/1908, Tom qua đời vì cơn đau tim

    Thanh Tùng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/so-phan-bi-tham-cua-thien-tai-mu-mac-hoi-chung-bac-hoc-a296398.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan