+Aa-
    Zalo

    Sức mạnh tên lửa Tổng thống Nga dọa sẽ phát triển sau khi Mỹ rút khỏi INF

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau khi Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi INF vào ngày 2/2, Tổng thống Putin đã đồng ý bắt đầu chế tạo tên lửa Kalibr có tầm có tầm bắn lên tới 2.500km.

    Sau khi Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào ngày 2/2, Tổng thống Putin đã đồng ý bắt đầu chế tạo tên lửa Kalibr có tầm bắn lên tới 2.500km và các vũ khí siêu âm tầm trung mới.

    Một tên lửa Kalibr của Nga. Ảnh: Strategic Culture.

    Theo Reuters, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ sớm bắt đầu phát triển các loại tên lửa mới, trong đó có tên lửa siêu thanh, trong cuộc họp với Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu hôm 2/2.

    Người đứng đầu Điện Kremlin cũng cho biết Moscow đình chỉ thực hiện hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).

    "Đối tác Mỹ của chúng tôi đã tuyên bố dừng thực hiện thỏa thuận (INF), và hôm nay chúng tôi cũng sẽ đình chỉ thực hiện hiệp ước này", ông Putin cho biết.

    Trước đó, tháng 12/2018, ông Viktor Bondarev - Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Nga cảnh báo Matxcơva sẽ phát triển “các loại vũ khí độc nhất vô nhị” nếu Washington rút khỏi INF.

    Không rõ các vũ khí độc nhất vô nhị mà ông Viktor nhắc tới có phải là các khí tài Tổng thống Putin nhắc tới trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov hôm 2/2 mới đây hay không. Nhưng các vũ khí mà nhà lãnh đạo Nga đề cập tới bao gồm tên lửa Kalibr hay các vũ khí siêu âm đều không phải "dạng vừa".

    Riêng với Kalibr, phiên bản tấn công mặt đất của nó mới ra mắt và lần đầu tiên được đưa vào thực chiến trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria từ năm 2015. Điểm đặc biệt của loại tên lửa này là nó có thể phóng trong mọi điều kiện thời tiết, theo từng phát hoặc cả loạt. Nó có thể mang được cả đầu đạn hạt nhân và thông thường nặng tới 500kg.

    Kalibr có thể đạt tới độ cao 1km, bay cách mặt nước 20m, có tầm bắn từ 1.500 km đến 2.500 km. Các thông số ấn tượng này cùng khả năng thay đổi đường bay giữa hành trình giúp Kalibr dễ qua mặt radar của đối thủ. Vào cuối giai đoạn bay, Kalibr sẽ tăng tốc từ tốc độ cận âm lên tốc độ siêu thanh khiến hệ thống phòng thủ của đối phương khó có thể bắt kịp nên rất khó có cơ hội đánh chặn thành công.

    Tổng thống Putin trong một cuộc họp cùng Ngoại trưởng Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu. Ảnh: Sputnik.

    Trong cuộc họp hôm 2/2, mặc dù khẳng định có hành động đáp trả với Mỹ sau khi Washington rút khỏi INF, nhưng Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh Nga sẽ không bị kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang và rằng Moscow sẽ không phát triển các tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở bất cứ khu vực nào trên thế giới chừng nào Mỹ triển khai các tên lửa tương tự ở đó.

    Tuyên bố này được đưa ra không lâu sau khi Mỹ tuyên bố ngừng thực hiện các nghĩa vụ theo điều khoản của INF từ ngày 2/2, đồng thời cho Nga thời hạn 6 tháng để thay đổi các hành vi vi phạm hiệp ước.

    "Mỹ sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ Hiệp ước INF và bắt đầu tiến trình rút khỏi hiệp ước này trong vòng 6 tháng, trừ khi Nga quay lại tuân thủ hiệp ước bằng cách phá hủy toàn bộ các tên lửa, bệ phóng và các thiết bị liên quan tới vi phạm của nước này", Tổng thống Trump hôm 1/2 cho biết.

    Xuân Đoàn (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/suc-manh-ten-lua-tong-thong-nga-doa-se-phat-trien-sau-khi-my-rut-khoi-inf-a261902.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan