+Aa-
    Zalo

    Tại sao ông Công ông Táo cưỡi cá chép mà không phải con vật khác về trời?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Có rất nhiều con vật khác nhau nhưng cá chép lại trở thành phương tiện đưa ông Công ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp.

    Có rất nhiều con vật khác nhau nhưng cá chép lại trở thành phương tiện đưa ông Công ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp.

    Tại sao ông Táo lại cưỡi là chép về trời?

    Theo nghi lễ cổ truyền của dân tộc Việt Nam, cá chép là “ngựa” để ông Công ông Táo cưỡi, bay về trời báo cáo công việc trong gia đình của một năm cũ.

    Ông Táo cưỡi cá chép về trời - Ảnh: Minh họa

    Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc, tại sao ông Công ông Táo lại cưỡi cá chép mà không phải là một con vật khác và tại sao cá chép lại có thể bay được?

    Về vấn đề này, GS Kiều Thu Hoạch – Nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu văn hóa dân gian cho hay, tục cúng ông Công ông Táo ở Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc.

    Theo tài liệu cổ ghi lại, đời Tống (Trung Quốc), người dân cúng một con ngựa giấy làm phương tiện cho ông Công ông Táo cưỡi và có 2 con cá (không nói rõ cá gì), một thủ lợn linh nhừ làm đồ ăn cho Táo.

    Tại Việt Nam, theo tài liệu của ông Phan Kế Bính ghi lại năm 1915 cho biết, người Việt Nam cúng ông Công ông Táo một con cá chép để làm “ngựa” cho Táo lên trời.

    “Trong tiềm thức dân gian người Việt xưa, cá chép có thể hóa rồng và bay lên được. Vì vậy, người Việt đã việt hóa phong tục cúng ông Công ông Táo và chọn cá chép làm phương tiện để táo bay lên trời”, giáo sư Hoạch nói.

    Giáo sư Trần Lâm Biền – Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho biết thêm, trong âm dương, cá chép tượng trưng cho tính âm, đồng nhất với mặt trăng lên có thể bay lên được.

    Ngoài ra, dân gian vẫn tương truyền sự tích “cá vượt vũ môn” để nói đến việc cá chép hóa thành rồng bay lên trời. Cá chép hóa rồng còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí và tượng trưng cho nhân cách thanh cao, tiềm ẩn, hướng đến một kết quả tốt đẹp.

    “Dân gian đã nhận thức như thế, vì vậy chỉ có cá chép mới có thể cõng ông Công ông Táo lên chầu trời. Những con vật khác đều không có năng lực”, giáo sư Biền nói.

    Người dân thả cá chép ra sông, hồ, ao để cá hóa rồng - Ảnh: Minh họa

    Tục cúng ông Công, ông Táo

    Tục cúng ông Táo có thể được thực hiện trong khoảng thời gian từ 21 tới 23 tháng Chạp tùy theo thời gian của từng gia đình.

    Lễ vật chuẩn bị cho việc cúng ông Táo thường không quá cầu kỳ, chỉ cần bánh, kẹo và nước trà để Táo quân báo cáo cho ngọt giọng. Thông thường, người Việt hay cúng kèm vàng mã (mũ, áo cho hai ông một bà Táo) và một chậu nước có cá chép sống.

    Có nơi thay vì cúng cá lại cúng kèm ngựa giấy trắng với yên cương hoặc chỉ có thêm một đôi hài vàng mã.

    Gia chủ có thể cúng ông Táo ngay tại bàn thờ tổ tiên. Sau khi cúng, người Việt có tục đem cá chép thả ở sông, hồ, ao để cá hóa rồng và đưa Táo quân chầu trời tối ngày 23 tháng Chạp.

    Quỳnh Chi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tai-sao-ong-cong-ong-tao-cuoi-ca-chep-ma-khong-phai-con-vat-khac-ve-troi-a260166.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan