+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/10/2019: Lột da bằng vi tảo biển, người phụ nữ nhận kết "đắng"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/10/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 21/10/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/10/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 21/10/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Lột da bằng vi tảo biển, người phụ nữ nhận kết "đắng"

    Da mặt người phụ nữ sau lột da mặt bằng vi tảo biển. Ảnh: Công Lý

    Danh tính bệnh nhân được xác định là chị H. (28 tuổi), nghe quảng cáo "da trắng sáng nhanh chỉ sau một lần lột" nên đến trung tâm thẩm mỹ lột da bằng vi tảo biển. Sau vài ngày lột da, chị đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám trong tình trạng nổi nhiều mụn nước, mụn mủ, bong tróc da toàn bộ khuôn mặt, da ngứa ngáy và đau rát nhiều.

    Theo bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú - Phó Khoa Thẩm mỹ da, bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, lột da còn có thuật ngữ chuyên môn là "tái tạo da bằng hóa chất". Đây là phương pháp sử dụng lớp hóa chất, thường là axit để tái tạo bề mặt da, giúp trẻ hóa làn da, hiệu quả cao với tình trạng nám da, tàn nhang, mụn trứng cá, sẹo mụn, nếp nhăn, rạn da...

    Bên cạnh đó, bác sĩ Tú cũng cho hay, phần lớn trường hợp tai biến sau khi lột da là do sử dụng các chất lột có nồng độ cao, thành phần dễ gây dị ứng và kỹ thuật lột da không đúng quy chuẩn. Thay vì da được kích thích tái tạo nhẹ nhàng thì da lại bị bỏng rát, lột nhiều, nguy cơ gây nhiễm trùng và sẹo xấu về sau.

    Để việc “tái tạo da bằng hóa chất” đạt hiệu quả cao, bác sĩ Tú khuyến cáo phụ nữ nên đến các cơ sở y tế và cơ sở thẩm mỹ uy tín đã được cấp phép.

    Khi tìm hiểu thật kỹ các thông tin về phương pháp này từ các nguồn tin chính thống. Tuyệt đối không tự lột da. Khi có triệu chứng bất thường về da sau khi lột thì cần đến gặp bác sĩ da liễu trong thời gian sớm nhất để được điều trị.

    Hàng triệu trẻ em Đông Nam Á bị suy dinh dưỡng vì món ăn này

    Trẻ em suy dinh dưỡng vì ăn những thực phẩm ăn liền. Ảnh minh họa 

    Theo báo cáo mới được công bố ngày 15/10 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), việc lạm dụng những thực phẩm ăn liền giá rẻ như mì ăn liền, bánh quy có thể giúp no bụng nhưng thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng khiến trẻ em Đông Nam Á bị thiếu dinh dưỡng và các vi chất cần thiết cho sự phát triển.

    Cụ thể, ba quốc gia Philippines, Indonesia và Malaysia đang có tình trạng lạm dụng mì gói trong việc nấu ăn cho trẻ nhỏ.

    Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trung bình ở 3 nước này là 40%, cao hơn mức trung bình của toàn thế giới là khoảng hơn 33%. Cụ thể, quy mô của tình trạng thiếu dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi ở Indonesia là 24,4 triệu trẻ, Philippines là 11 triệu trẻ và Malaysia là 2,6 triệu trẻ.

    Theo số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), Indonesia là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về mức độ tiêu thụ mì ăn liền với 12,540 tỷ gói.

    Mặc dù không bị UNICEF cảnh báo về tình trạng lạm dụng mì gói nhưng trong năm 2018, Việt Nam đã tiêu thụ 5,2 tỷ gói mì, tăng 2,8% so với năm 2017. Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về lượng tiêu thụ, sau Trung Quốc (40,25 tỷ gói), Indonesia ( 12,540 tỷ gói), Ấn Độ (6,06 tỷ gói) Nhật Bản (5,780 tỷ gói).

    Tuy nhiên, với mức dân số 95 triệu dân vào năm 2018, trung bình một người Việt Nam ăn gần 55 gói mì/năm, cao hơn quốc gia dẫn đầu về lượng tiêu thụ mì gói là Trung Quốc (31 gói), Indonesia (46,4 gói), Nhật Bản (45,8 gói).

    Hy hữu: Sản phụ Nghệ An sinh thường bé gái nặng 5,5 kg

    Bé gái sơ sinh nặng 5,5 kg. Ảnh: Zing 

    Ngày 20/10, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đỡ đẻ cho sản phụ Nguyễn Thị Hương (33 tuổi), trú xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ. Người mẹ này sinh bé gái nặng 5,5 kg.

    Rạng sáng cùng ngày, sản phụ Hương chuyển dạ, được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ để sinh con.

    Theo bác sĩ Hợp, với những trường hợp sinh thai lớn, sản phụ rất dễ bị di chứng như băng huyết, rách phần mềm phức tạp, thậm chí vỡ tử cung. Thai nhi cũng rất dễ bị tổn thương.

    Người nhà sản phụ cho hay, đây là lần sinh nở thứ 3 của chị Hương. Hai lần sinh trước, người mẹ này sinh thường, bé đầu nặng 3,3 kg và lần thứ hai nặng 4,8 kg. Quá trình mang bầu bé thứ ba, chị Hương chủ yếu ăn trái cây và các loại ngũ cốc bổ dưỡng.

    Vì sao Hà Nội yêu cầu thu hồi 2 loại thuốc điều trị ung thư?

    Hà Nội thu hồi 2 loại thuốc điều trị ung thư vì không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa 

    Thông tin từ sở Y tế Hà Nội cho biết, cơ quan này vừa có văn bản số 4538/SYT-NVD thông báo về thuốc Arimidex 1mg và thuốc Iressa 250mg không rõ nguồn gốc xuất xứ.

    Theo đó, để đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng thuốc, sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, các cơ sở y tế ngoài công lập, doanh nghiệp kinh doanh thuốc, các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn không được sử dụng thuốc Arimidex 1mg, thuốc Iressa 250mg không rõ nguồn gốc xuất xứ; tuân thủ việc kinh doanh, mua bán thuốc có nguồn gốc rõ ràng.

    Sở Y tế cũng yêu cầu phòng y tế các quận, huyện, thị xã của thành phố thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý không mua bán, sử dụng thuốc Arimidex 1mg, thuốc Iressa 250mg không rõ nguồn gốc xuất xứ.

    Được biết, thuốc Arimidex là thuốc có tác dụng chống ung thư vú ở phụ nữ đã qua thời kỳ mãn kinh và cải thiện hệ miễn dịch. Thuốc Iressa 250mg là thuốc được sử dụng trong điều trị ung thư phổi.

    Các thuốc Iressa 250mg và Arimidex 1mg không rõ nguồn gốc xuất xứ, vỉ thuốc khác biệt so với thuốc cùng tên đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

    Thủy Tiên(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-21102019-lot-da-bang-vi-tao-bien-nguoi-phu-nu-nhan-ket-dang-a297668.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan