+Aa-
    Zalo

    Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tại báo cáo được gửi tới Quốc hội, Chính phủ đánh giá iệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ

    Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) trong phạm vi toàn quốc năm 2021.

    doanh nghiep nha nuoc kinh doanh lo lai ra sao dspl
    Ảnh minh họa.

    Theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 826 DN có vốn góp của Nhà nước, trong đó 673 DN nhà nước và 153 DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Tổng tài sản là hơn 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020. Vốn chủ sở hữu là 1.795.451 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020. Tổng doanh thu đạt 2.128.254 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020.

    Tổng nợ phải trả là hơn 1,9 triệu tỷ đồng tỷ đồng, tương đương so với năm 2020. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 53% tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp Trung ương.

    Theo Bộ Tài chính, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con có tổng tài sản là gần 3,4 triệu tỷ đồng, chiếm 90% tổng tài sản của các DN; tổng doanh thu từ báo cáo hợp nhất đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2020.

    Các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con có số tổng doanh thu lớn tập trung chủ yếu ở các DN có quy mô lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (440.000 tỷ đồng); Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (380.000 tỷ đồng); Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (150.000 tỷ đồng); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (114.000 tỷ đồng)…

    Liên quan đến tình hình lỗ lãi, Bộ Tài chính cho biết, lãi phát sinh trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con đạt 186.371 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2020, chiếm 91% tổng lãi phát sinh trước thuế của các DN. Các đơn vị có lãi phát sinh trước thuế cao trên 5.000 tỷ đồng chủ yếu vẫn ở những tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn.

    Tỷ suất Lãi phát sinh trước thuế /Vốn chủ sở hữu bình quân chung của các DN năm 2021 là 11% (năm 2020 là 9%); Tỷ suất Lãi phát sinh trước thuế/Tổng tài sản bình quân chung của các DN năm 2021 là 5% (năm 2020 là 4%).

    Trong năm 2021, sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, nhiều DN bắt đầu vực dậy và phát triển trở lại, một số Công ty mẹ có tổng doanh thu tăng trên 30% so với năm 2020 như: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (tăng 156%); Tổng Công ty Hợp tác kinh tế (87%); Công ty TNHH MTV Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất (77%); Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc tăng (66%)...

    Một số DN lãi phát sinh trước thuế năm 2021 giảm sâu như: Công ty mẹ - Tổng Công ty Giấy Việt Nam có lãi phát sinh trước thuế là 1 tỷ đồng tương ứng giảm 90%; Công ty mẹ - Tổng Công ty vận tải Hà Nội có lãi phát sinh trước thuế là 1,5 tỷ đồng tương ứng giảm 90% (doanh thu giảm dẫn đến lãi phát sinh trước thuế giảm); Công ty mẹ - Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) có lãi phát sinh trước thuế là 163 tỷ đồng tương ứng giảm 52%, doanh thu giảm 42% so với năm 2020…

    Có 90/826 DN (chiếm 11% tổng số DN) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 16.064 tỷ đồng. 184/826 DN (chiếm 22% tổng số DN) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 52.840 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ luỹ kế hơn 3.000 tỷ đồng; Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lỗ gần 2.000 tỷ đồng; Tổng Công ty Du lịch Hà Nội lỗ 69 tỷ đồng…

    Chính phủ đánh giá, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; kết quả đầu tư chưa đạt như kỳ vọng khi phê duyệt dự án, một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản; các dự án đầu tư tại các khu vực bất ổn về kinh tế, chính trị, pháp lý, xã hội, thị trường...; một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả.

    Cũng tại báo cáo này, Chính phủ xác định đến hết năm 2025 phấn đấu đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể: 100% Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước ứng dụng quản trị trên nền tảng số, thực hiện quản trị doanh nghiệp tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của OECD; 100% Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có dự án triển khai mới, trong đó có một số dự án đầu tư tiêu biểu, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của DNNN; có ít nhất 25 DNNN có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ USD;

    Ngoài ra, 100% DNNN có định hướng và thực hiện chuyển dịch đầu tư, hướng đến các dự án đầu tư, sử dụng công nghệ xanh, sạch và giảm thải khí carbon;

    Đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng khoảng 5% - 10% so với giai đoạn 2016 - 2020.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-hinh-kinh-doanh-cua-cac-doanh-nghiep-nha-nuoc-a554197.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan