+Aa-
    Zalo

    TP. HCM: Mua mỹ phẩm DeAura bằng hình thức vay tín chấp ngân hàng, nhiều khách hàng khốn đốn?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời gian vừa qua, hàng loạt khách hàng trên địa bàn TP. HCM đã phán ánh về những dấu hiệu vi phạm liên quan đến bộ mỹ phẩm DeAura.

    Thời gian vừa qua, hàng loạt khách hàng trên địa bàn TP. HCM đã gửi đơn phán ánh tới báo chí và các cơ quan chức năng về những dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến bộ mỹ phẩm DeAura (công ty TNHH Venesa Việt Nam phân phối)bán với giá 43 triệu đồng qua việc vay tín chấp của một ngân hàng. Đã không ít khách hàng lâm vào bước đường cùng, thập chí phải tìm đến cái chết khi nhận ra mình bị sập bẫy từ làm đẹp…

    Sập bẫy nợ…vì làm đẹp

    Mới đây một khách hàng tên N. ở TP. HCM vay ngân hàng 43 triệu đồng để mua mỹ phẩm Deaura, sau 8 tháng mất khả năng trả nợ, cuộc sống bế tắc đã tìm đến cái chết để giải thoát. Rất may chị đã được gia đình kịp thời phát hiện đưa đi cấp cứu. Trên giường bệnh chị N. đã chia sẻ với báo chí về bi kịch của mình khi bị “sập bẫy” với mỹ phẩm Deaura.

    Theo lời kể của chị N., vào khoảng tháng 3/2019, đang bán hàng rong ở chợ, chị N. nhận được cuộc gọi thông báo trúng thưởng, được trải nghiệm gói chăm sóc da miễn phí trị giá 1,5 triệu đồng. Sau đó, chị N. tìm đến cơ sở của Deaura để nhận thưởng. Tại đây, chị N. được chăm sóc nửa khuôn mặt bằng mỹ phẩm và tư vấn mua gói mỹ phẩm của Deaura với số tiền 43 triệu đồng.

    Nạn nhân bên bộ sản phẩm trị giá 43 triệu đồng

    Tại đây, chị được nhân viên tư vấn bằng những lời “có cánh” khi giới thiệu về gói mỹ phẩm này có giá lên đến 76 triệu đồng nhưng hôm nay bán với giá 43 triệu đồng. Chị N. do hiểu biết có hạn lại tin tưởng vào cơ sở kinh doanh này nên đã ký tên vào hợp đồng vay ngân hàng 43 triệu đồng để mua mỹ phẩm.

    Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng chị mới nhận ra sự mạo hiểm của dịch vụ liên thông giữa ngân hàng và cơ sở bán mỹ phẩm nên đã bày tỏ nguyện vọng hủy hợp đồng không thực hiện việc vay ngân hàng để mua mỹ phẩm giá rẻ nữa. Tuy nhiên, nhân viên tư vấn ở đây đã tiếp tục tư vấn cho chị về những lợi ích của sản phẩm và sự trải nghiệm dịch vụ của ngân hàng.

    Cầm bộ mỹ phẩm về nhà, biết mình đã mua một bộ mỹ phẩm quá khả năng chi trả, chị N. nhiều lần liên hệ, xin được trả lại số mỹ phẩm đã mua nhưng không được đáp ứng. Không còn cách nào khác, chị phải giấu gia đình việc mình vay ngân hàng mua mỹ phẩm và lén lút gom góp tiền trả hằng tháng. Từ đó đến nay, chị N. đều phải trả cho ngân hàng gần 2,4 triệu đồng vào ngày mùng Năm hằng tháng.

    Bi kịch bắt đầu đến với chị N. vào đầu tháng 12/2019. Khi đó, gần đến ngày trả nợ vay nhưng chị N. vẫn chưa thể mượn đủ số tiền nên bị một số thuê bao lạ gọi điện nhắc nợ. “Từ ngày Một, đã có người nhắn tin cho tôi nhắc nợ. Đến ngày Năm mà tôi chưa trả tiền thì sẽ nhận được cả chục cuộc gọi đòi nợ khiến tôi rất khủng hoảng. Đến ngày 5/12 vừa rồi, tôi chỉ xoay được 2 triệu đồng trả cho ngân hàng. Mấy ngày sau đó, tôi liên tục bị gọi đòi trả tiền khiến tôi bế tắc” - chị N. thuật lại.

    Những ngày gần đây, người nhà chị N. phát hiện chị có nhiều biểu hiện bất thường, lo âu, sợ hãi. Gia đình cũng phát hiện chị N. có nhắn tin nói mình đã trả nợ được 20 triệu đồng. Nghi ngờ chị N. vướng nợ nần lớn, người nhà gặng hỏi, chị đã kể lại sự việc mình vay ngân hàng mua mỹ phẩm Deaura với số tiền 43 triệu đồng. Do cảm giác có lỗi lớn với gia đình vì gia cảnh khó khăn mà lại phải trả số nợ rất lớn, cùng với áp lực nợ nần, chị N. đã quyết định quyên sinh để giải thoát.

    Theo hồ sơ do chị N. cung cấp, đơn vị bán mỹ phẩm nói trên cho chị là Công ty TNHH Chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe Freyja, ở 22 Lê Thánh Tôn, Q.1, TPHCM. Toàn bộ số mỹ phẩm chị N. mua đều có nhãn hiệu Deaura. 

    Sau sự việc nêu trên, gia đình chị N. đã liên hệ với phía công ty để lãm rõ một số thông tin bất thường có liên quan như:  Chị N. phải trả đến gần 4 triệu đồng thuế giá trị gia tăng nhưng lại không nhận được hóa đơn đỏ mà thay vào đó là “thỏa thuận mua bán và bàn giao hàng hóa”; Lúc chị N. mua hàng ở số 22 Lê Thánh Tôn, tên công ty là Công ty TNHH Chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe Freyja nhưng hiện nay lại có tên là “Trung tâm Venesa Lê Thánh Tôn - chi nhánh Venesa Hồ Chí Minh - Công ty TNHH Venesa”; Thu nhập chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng, nhưng trong hợp đồng vay với một ngân hàng, nhân viên đã “kê” thu nhập của chị N. lên đến 10 triệu đồng... Tuy nhiên, những băn khoăn trên của gia định chị N. chưa nhận được sự phản hồi nào từ phía công ty.

    Hàng loạt khách hàng đòi trả lại sản phẩm

    Gặp hoàn cảnh tương tự chị N. nêu trên, bằng những lời mời chào "có cánh” như đến trải nghiệm làm đẹp da mặt miễn phí…rất nhiều người “sập bẫy” ký cam kết mua sản phẩm, để rồi rơi vào cảnh nợ ngân hàng. Nhiều khách hàng hoang mang tột độ, đã đề nghị được trả lại sản phẩm, tất toán hợp đồng vay ngân hàng nhưng đều bị từ chối hoặc phải trả phí cao ngất ngưởng.

    Bà L. đến spa và được các nhân viên cho trải nghiệm chăm sóc da mặt miễn phí. Khi mới thực hiện được một nửa bên mặt, một người tự nhận là quản lý vào giới thiệu bộ mỹ phẩm DeAura (công ty TNHH Venesa Việt Nam phân phối) có giá 43 triệu đồng và chèo kéo bà L. mua.

    Nhiều khách hàng bức xúc yêu cầu trả lại tiền sau khi sa bẫy nợ

    Thấy số tiền quá lớn so với khả năng, bà L từ chối. Nhân viên spa trấn an bà L rằng không cần phải bỏ tiền mặt, hay thế chấp gì cả. Chỉ cần giấy chứng minh nhân dân để ký vay tín chấp từ ngân hàng với thời gian 12 hoặc 24 tháng, bà L sẽ có bộ mỹ phẩm về sử dụng.

    Những vị khách hàng bất đắc dĩ ký mua bộ mỹ phẩm DeAura với giá 43 triệu đồng bằng hình thức vay tín chấp. Nhiều khách hàng khi về đọc hợp đồng vay mới giật mình vì mức lãi suất 18%/năm, trả trong thời hạn 18 tháng. Nhiều người sau đó đề nghị đổi trả sản phẩm nhưng đều bị từ chối. Mang nợ cả chục triệu đồng khiến cuộc sống của họ lúc nào cũng bất an, lo sợ chồng và gia đình biết chuyện.

    Đáng chú ý là bộ mỹ phẩm DeAura qua thực tế sử dụng thì không như lời quảng cáo, nhiều người bị dị ứng, nổi mụn…nhiều khách hàng đã trở thành “nạn nhân”, phải điều trị khá tốn kém. Khi phát hiện ra sản phẩm kém chất lượng, khách hàng không có quyền trả lại hàng bởi những quy định “bẫy khách hàng” từ đơn vị phân phối.

    Cụ thể nhiều khách hàng phản ánh, đơn vị phân phối quy định người mua phải bóc tem sản phẩm ra ngay tại chỗ kiểm tra. Đây là “cái bẫy” để người mua không được hưởng chính sách đổi trả. Công ty quy định thời hạn hoàn trả sản phẩm là 15 ngày, kể từ ngày mua hàng hóa. Sản phẩm còn nguyên tem, nhãn, không bị biến dạng, hư hỏng và chưa được mở ra sử dụng. Đối với những sản phẩm người mua đã bóc sử dụng sẽ không có chính sách được đổi hoặc trả…

    Liên quan đến vấn đề này, một số luật gia phân tích, trong trường hợp này người mua sản phẩm có thể gửi đơn phản ánh đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khiếu nại về chất lượng dịch vụ và sản phẩm của công ty TNHH Venesa. Nếu khách hàng chứng minh được bộ mỹ phẩm DeAura kém chất lượng, có chứa chất nguy hại…thì có thể khởi kiện ra tòa án đòi quyền lợi.

    Trong một diễn biến khác, mới đây, Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng TPHCM nhận được đơn của khách hàng tố cáo về chất lượng sản phẩm của Deaura và việc cho vay tiền mua mỹ phẩm của ngân hàng. Đồng thời, Cục Thuế TPHCM cũng nhận được đơn tố cáo của người dân về nghi vấn gian lận thuế liên quan đến Chi nhánh Venesa Hồ Chí Minh - Công ty TNHH Venesa, số 22 Lê Thánh Tôn, Q.1.

    Để kịp thời bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo sự thượng tôn pháp luật, chúng tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng của TP. HCM cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ và giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

    PV Sức Khỏe 365

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tp-hcm-mua-my-pham-deaura-bang-hinh-thuc-vay-tin-chap-ngan-hang-nhieu-khach-hang-khon-don-a306426.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.