+Aa-
    Zalo

    Vạch mặt nữ quái 8X lập công ty “ma” bán hóa đơn thu lợi bất chính 100 tỷ đồng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang vừa làm rõ một đối tượng nữ lập công ty "ma" nhằm bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) lên tới gần 100 tỷ đồng.

    Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang vừa làm rõ một đối tượng nữ lập công ty "ma" nhằm bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) lên tới gần 100 tỷ đồng.

    Giao dịch bí mật

    Thời gian gần đây, có thông tin trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xuất hiện một số cá nhân, tổ chức mua, bán trái phép hóa đơn GTGT. Tiến hành điều tra, lần theo từng manh mối nhỏ, phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện tất cả các hóa đơn GTGT trên đều được các tổ chức, cá nhân mua của đối tượng Nguyễn Thị Ngọc (SN 1989, trú tại xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) để sử dụng kê khai, khấu trừ thuế, hạch toán vào chi phí doanh nghiệp, gây thất thu tiền thuế của Nhà nước với số tiền lớn.

    Từ thông tin trên, Công an tỉnh Bắc Giang đã nhanh chóng lập chuyên án, làm rõ các thủ đoạn, phương thức buôn bán trái phép hóa đơn của đối tượng Nguyễn Thị Ngọc.

    Cơ quan chức năng thu giữ tang vật liên quan.

    Qua quá trình điều tra, cơ quan công an phát hiện, Ngọc khá tinh vi khi tỏ ra rất cẩn trọng, dè chừng trong việc buôn bán hóa đơn GTGT. Mỗi lần giao dịch, Ngọc đều cẩn thận lựa chọn người đi, thay đổi thường xuyên địa điểm giao nhận dẫn đến việc điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan công an gặp rất nhiều khó khăn. Quá trình đấu tranh, lực lượng chức năng cũng làm rõ Nguyễn Thị Ngọc đã đứng sau thành lập công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trường Thanh và đặt trụ sở tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang. Tuy nhiên, công ty mà Ngọc thành lập không hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ như đã đăng ký mà thực chất chỉ là một công ty “ma” để Ngọc thực hiện việc mua bán bất hợp pháp hóa đơn GTGT. Để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, hàng tháng, các công ty “ma” của Ngọc đều làm và nộp đầy đủ báo cáo thuế thể hiện công ty đó có kinh doanh thu đầu vào, đầu ra như doanh nghiệp kinh doanh thật.

    Sau một thời gian tập trung bán cho các “khách hàng” tại tỉnh Bắc Giang, Ngọc tiếp tục móc nối, bán hóa đơn cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn các tỉnh lân cận như: Bắc Ninh, Lạng Sơn, TP.Hải Phòng... để kiếm thêm lợi nhuận. Vốn là người tinh quái, Ngọc thường là người trực tiếp thỏa thuận, thương lượng cũng như giao dịch với khách hàng.

    Khi buộc phải qua môi giới bởi 1 đối tượng khác, Ngọc cũng tỏ ra cẩn trọng khi cho tìm hiểu kỹ lưỡng về công ty, cá nhân đó sau đó mới viết và xuất hóa đơn cho khách. Bản thân Ngọc cho rằng, đối với việc buôn bán trái phép hóa đơn GTGT, nếu không cẩn thận rất dễ bị cơ quan chức năng phát hiện hoặc bị chính khách hàng đặt mua lừa đảo.

    Đối với hóa đơn trị giá từ 20 triệu đồng trở lên, Ngọc đều từ chối giao dịch trực tiếp và đề nghị khách phải chuyển khoản qua ngân hàng, sau đó đối tượng đi rút tiền rồi mới tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo.

    Để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, đối tượng thường xuyên thay đổi người giao dịch tại các ngân hàng cũng như vận chuyển hoá đơn, địa điểm giao nhận. Dù có rất nhiều khách hàng quen thuộc, nhưng Ngọc ít khi lặp lại người vận chuyển hóa đơn cũng như địa điểm giao nhận. Mỗi lần giao dịch, Ngọc đều lên kế hoạch cẩn thận, để phòng rủi ro. Với các thủ đoạn trên, mỗi hóa đơn, đối tượng được trích 5% giá trị và đến nay đã thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.

    Giấc mộng làm giàu

    Nguyễn Thị Ngọc tại cơ quan điều tra.

    Tại cơ quan công an, Nguyễn Thị Ngọc đã cúi đầu khai nhận mọi hành vi phạm tội của mình. Theo lời khai ban đầu của đối tượng, vốn mang giấc mộng làm giàu đã lâu, Ngọc luôn đau đáu nghĩ cách kiếm tiền một cách nhanh nhất. Trong một lần được người quen biết nói chuyện về việc buôn bán trái phép hóa đơn GTGT thu lợi nhuận tiền tỷ, Ngọc đã chú ý và bắt đầu tìm hiểu cũng như nghiên cứu về cách thức hoạt động. Dù biết đây là hành vi vi phạm pháp luật nhưng Ngọc luôn tự nhủ chỉ cần mình tính toán kỹ lưỡng, cẩn trọng thì có thể dễ dàng qua được “tai mắt” của cơ quan chức năng.

    “Nhận thấy nhu cầu mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào của các doanh nghiệp rất cao nên tôi đã lập công ty “ma” là công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trường Thanh để lấy hóa đơn bán kiếm tiền phần trăm. Trước khi quyết định thành lập công ty, tôi đã biết như vậy là vi phạm pháp luật song do thấy công việc này quá dễ dàng, không mất thời gian mà vẫn kiếm được nhiều tiền nên “nhắm mắt làm liều”, Ngọc khai nhận tại cơ quan điều tra.

    Quá trình điều tra ban đầu xác định, Nguyễn Thị Ngọc đã ghi trên 100 hóa đơn khống không hàng hóa cho khoảng 60 doanh nghiệp trên khắp các địa bàn tỉnh Bắc Giang và 1 số tỉnh lân cận với tổng giá trị gần 100 tỷ đồng.

    Khám xét nơi Ngọc cư trú, lực lượng chức năng thu giữ nhiều tờ hóa đơn đã ghi nội dung, máy tính xách tay và các tài liệu liên quan đến hoạt động tổ chức bán trái phép hóa đơn.

    Chia sẻ với PV, Thiếu tá Nguyễn Tiến Hưng, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, hầu hết các đối tượng khi buôn bán trái phép hóa đơn GTGT đều lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách trong việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh sau đó đã đứng tên thành lập doanh nghiệp “ma”. Các doanh nghiệp này không hoạt động mà chỉ mua, bán hóa đơn nhằm thu lợi bất chính. Để che mắt cơ quan chức năng, các đối tượng thường dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để chứng tỏ công ty vẫn đang hoạt động, kinh doanh, buôn bán có hiệu quả.

    “Việc buôn bán trái phép hóa đơn GTGT là hành vi tiếp tay cho trốn thuế và chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. Các đối tượng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa đầu vào mục đích để được khấu trừ thuế”, Thiếu tá Hưng nhấn mạnh.

    Hiện nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, làm rõ hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

    Mua bán trái phép hóa đơn GTGT bị xử lý ra sao? Hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự phạm tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước được quy định tại Điều 203 BLHS năm 2015. Cụ thể, người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30 đến dưới 100 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50- 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Đối với phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 100 triệu đồng trở lên... thì bị phạt tiền từ 100-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10- 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

    Đỗ Chang

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vach-mat-nu-quai-8x-lap-cong-ty-ma-ban-hoa-don-thu-loi-bat-chinh-100-ty-dong-a245814.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan