+Aa-
    Zalo

    Vì sao vụ kiện giữa Johnny Depp và Amber Heard “thống trị” mạng xã hội?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong nhiều tuần qua, các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã tràn ngập tin tức về vụ kiện giữa tài tử Johnny Depp và vợ cũ Amber Heard.

    Vì sao vụ kiện giữa Johnny Depp và Amber Heard “thống trị” mạng xã hội?

    Minh Hạnh

    Trong nhiều tuần qua, các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã tràn ngập tin tức về vụ kiện giữa tài tử Johnny Depp và vợ cũ Amber Heard.

    Ngày 1/6 (giờ địa phương), bồi thẩm đoàn phụ trách xét xử vụ kiện tội phỉ báng giữa Johnny Depp và vợ cũ Amber Heard đã đưa ra phán quyết cuối cùng sau 6 tuần diễn ra các phiên toà. Trong đó, bồi thẩm đoàn nhận định cả Depp và Heard đều chịu trách nhiệm về hành vi phỉ bảng đối phương.

    Tuy nhiên, tài tử “Cướp biển vùng Caribbean” đã giành phần thắng nhiều hơn trong vụ kiện này khi toà yêu cầu vợ cũ của nam diễn viên bồi thường cho anh 15 triệu USD. Trong khi đó, Amber Heard được nhận số tiền bồi thường là 2 triệu USD.

    Ồn ào giữa Johnny Depp và vợ cũ bắt nguồn từ một bài viết trên tờ Washington Post vào năm 2018 của Amber Heard. Theo đó, mỹ nhân “Aquaman” đã không đích thân nhắc tới Johnny Depp nhưng cô chia sẻ chuyện từng chung sống với một kẻ bạo hành.

    Bài viết này sau đó đã trở thành một trong những biểu tượng của phong trào #MeToo chống vấn nạn bạo lực tình dục, quấy rối tình dục. Sau khi bài đăng được xuất bản, nhiều người nhanh chóng cho rằng Johnny Depp là nhân vật được Amber Heard nhắc tới trong bài viết và nam tài tử đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội. Anh thậm chí còn mất nhiều hợp đồng đóng phim và mất luôn vai diễn “để đời” trong “Cướp biển vùng Caribbean”.

    Vào năm 2019, Johnny Depp quyết định đệ đơn kiện Amber Heard về tội phỉ báng và cáo buộc cô mới là người bạo hành anh. Tuy nhiên, Heard đã bác bỏ những cáo buộc này.

    Đến năm 2022, Johnny Depp và Amber Heard chính thức ra hầu toà. Tại các phiên điều trần, cặp đôi lần lượt cung cấp lời khai, mời nhân chứng và cung cấp những đoạn video, ghi âm làm bằng chứng cáo buộc đối phương bạo hành mình. Phiên toà kéo dài 6 tuần của cặp sao Hollywood đã được phát trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội và thu hút hàng triệu lượt người xem tại Mỹ. Trong đó, một số người xem đơn giản để “giải trí,tò mò” nhưng cũng có những người muốn thể hiện sự ủng hộ với “phe” mà họ lựa chọn.

    Trước khi bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện, chương trình Saturday Night Live đã nhận xét vụ kiện của Johnny Depp và Amber Heard như một thứ “để mua vui”. Nhiều nhà phê bình cũng đã chỉ trích cách dư luận phản ứng đối với vụ kiện này.

    Bất chấp điều đó, cộng đồng mạng vẫn tiếp tục chia sẻ các đoạn video trong phiên xét xử. Thậm chí, một số người còn quay video “nhái” lại các khoảnh khắc trong phiên toà, đăng tải lên mạng xã hội và tạo “xu hướng” cho những người dùng khác làm theo.

    Trên thực tế, vụ kiện này có tầm phủ sóng lớn đến nỗi những tin chức xoay quanh vụ việc thậm chí còn được xếp ngang hàng với các vấn đề “nóng” khác được quan tâm bao gồm xung đột tại Ukraine, xả súng hàng loạt và vấn đề quyền phá thai ở Mỹ.

    Chia sẻ ý kiến cá nhân vệ vụ kiện giữa 2 ngôi sao Hollywood, một người dùng mạng xã hội nhận xét: “Vụ kiện này rất ngớ ngẩn và nhiều người khác cũng đồng tình với tôi”. Với anh, sau tất cả đây chỉ là một người giàu có khởi kiện một người giàu khác về những ồn ào mà ai cũng biết.

    Dù vậy, có nhiều lý do khiến phiên toà giữa Depp và Heard “thống trị” trên khắp các nền tảng mạng.

    Nếu gõ từ khoá Johnny Depp và Amber Heard trên các mạng xã hội TikTok, Youtube, bạn sẽ dễ dàng thấy các video cảnh quay từ phiên toà của cặp đôi có tiêu đề như “Johnny Depp phá huỷ đội luật sư của Amber Heard” (với 13 triệu lượt xem), hay một một video khác trích dẫn lời khai của Heard nói rằng: “Tôi không đấm anh, tôi đang đánh anh” (với 29 triệu lượt xem). Những người phụ trách các tài khoản này cho biết họ đã tải lên các đoạn clip dài tới vài phút để thu hút sự chú ý của dư luận vào những chi tiết mà họ cho là quan trọng có thể bị bỏ lỡ.

    Chuyện tình cảm là của hai người nhưng khi bạn là nghệ sĩ và từng có một mối tình được coi là hình mẫu lý tưởng trong showbiz thì khi mọi việc đổ vỡ, họ sẽ nhận về nhiều soi mói, bình phẩm.

    Tuy nhiên, việc này đã khiến các chuyên gia lo ngại những lời chế nhạo trên có thể trở thành sự khuyến khích đối với hành vi bạo lực, lạm dụng. Điều đó đặc biệt trở nên rõ ràng sau khi chương trình Saturday Night Live (SNL) mở một phiên tòa giả định trong một tiểu phẩm ngày 14/5. Tiểu phẩm này đã không đặt trọng tâm vào những tranh luận của Depp và Heard về cáo buộc bạo lực gia đình mà hướng tới thông điệp khác và gọi đó là "Một tin tức mà tất cả chúng ta có thể cùng xem và nói, 'Rất vui vì nạn nhân không phải tôi’?”.

    Vài giờ sau khi tiểu phẩm lên sóng, nhà phê bình văn hóa và tình dục Ella Dawson đã chỉ trích: “Bạo lực gia đình không phải một trò đùa. Trong 20 năm nữa, mọi người sẽ nhìn lại phiên tòa này và tất cả các phương tiện truyền thông đưa tin và cảm thấy ghê tởm. Một số người trong chúng ta vốn đã cảm thấy chán ngán rồi”.

    Bất chấp những lời chỉ trích, video của SNL đã thu về hơn 4 triệu lượt xem trong ngày đầu tiên sau khi được đăng tải, nhiều hơn bất kỳ video nào khác mà chương trình đăng trong tháng trước và trở thành video thịnh hành nhất trên YouTube. Các tài khoản YouTube và TikTok cũng đạt được thành công tương tự, tăng lượt xem cùng với lượng người theo dõi mới. Một số tài khoản cũng kiếm được tiền từ các video này.

    Những người sáng tạo nội dung đã nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với vụ kiện. Họ bắt đầu đăng video về phiên toà vì họ là những người hâm mộ Depp lâu năm từ những ngày anh còn là Jack Sparrow trong “Cướp biển vùng Caribbean”, hoặc có lẽ gần đây hơn là qua vai phản diện Gellert Grindelwald trong loạt phim tiền truyện Harry Potter, Fantastic Beast.

    Trong đó, anh Haider Ali chia sẻ anh đã nhìn thấy chính mình trong cuộc hôn nhân đổ vỡ của Johnny Depp và Amber Heard, bắt đầu từ năm 2015 và kết thúc chóng vánh sau đó 1 năm. Ali, một nhà phát triển web 27 tuổi, cho biết anh từng là nạn nhân của bạo lực gia đình và tin rằng việc chia sẻ những đoạn video cắt từ phiên tòa lên YouTube có thể giúp ích cho những người khác đang ở trong hoàn cảnh đó.

    Ali tâm sự: “Tôi đã đăng một vài video nhưng kết quả không quá tốt và tôi ngồi xuống tự hỏi, ‘Tại sao tôi lại đăng những video này?’”. Tuy nhiên, sau đó video thứ ba của anh ấy đã đạt hơn 2 triệu lượt xem. Và một ngày sau, một đoạn video khác đạt 2,6 triệu lượt xem. Như vậy, kênh Youtube của anh ấy đã chuyển từ nơi anh đăng các màn trình diễn nhạc rock bên cây đàn guitar điện của mình, sang nơi đăng tải các video dài vài phút từ buổi xét xử.

    Các vụ kiện tụng ồn ào từ đâu đã trở thành một phần văn hoá đại chúng Mỹ. Các chương trình truyền hình như Law & Order của NBC đã phát sóng lâu hơn bất kỳ TikToker nào hiện nay. Những vụ việc quan trọng trong lịch sử Mỹ, như vụ xét xử phù thủy Salem, được dạy trong trường học. Hay các phiên điều trần của Watergate trên Đồi Capitol trước khi Tổng thống Richard Nixon từ chức vào năm 1974 đã thay đổi nền chính trị Mỹ đến mức gần như bất kỳ cuộc tranh cãi lớn nào cũng nổ ra với một biệt danh được gắn từ"-gate" ở cuối.

    Trong hơn 30 năm qua, truyền hình cáp và đường truyền trực tuyến qua internet đã mang đến cho mọi người cơ hội xem mọi khoảnh khắc của một vụ xét xử cao cấp. Tất cả điều này cũng thay đổi cách dư luận nhìn nhận các thủ tục tòa án. Thông thường, những phiên toà được xem nhiều nhất sẽ được gọi là "phiên tòa của thế kỷ".

    Robert Thompson, giám đốc sáng lập của Trung tâm Bleier về Truyền hình và Văn hóa Đại chúng tại Đại học Syracuse nhận xét: “Với những phiên xét xử lớn như thế này, bạn sẽ có được những cơ hội hiếm có khi mà thực tế mọi người đều có ít nhất một chút kiến thức về những gì đang xảy ra”.

    Những năm qua, hàng triệu người trên khắp nước Mỹ đã dán mắt vào TV để xem phiên toà xét xử ngôi sao bóng đá O.J. Simpson năm 1995 về tội sát hại vợ cũ, phiên tòa xử tội lạm dụng tình dục ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson năm 2005 hay thậm chí là vụ án đau lòng xung quanh cái chết của cậu bé 2 tuổi Caylee Anthony vào năm 2011. Trong khi những vụ án lớn thường được coi là hiện tượng văn hóa đại chúng, những bộ phim truyền hình về phòng xử án đã trở thành một chủ đề hấp dẫn không kém gì các tình tiết của vụ án.

    Dù phiên toà của Depp và Heard không phải một phiên toà hình sự hay mang ảnh hưởng chính trị quốc như một cuộc luận tội tổng thống nhưng phiên toà này lại mang diễn biến “kịch tính” với những nhân vật kỳ lạ và tình tiết hấp dẫn. Và hơn cả, phiên toà này có sự hỗ trợ của mạng xã hội.

    Paul Booth, giáo sư truyền thông tại Đại học DePaul ở Chicago nhận xét: “Với những phiên xét xử như kiểu của cầu thủ O.J Simpson, chúng ta có thể tắt TV và không nghe về nó, không lên đọc tin tức về nó. Nhưng với sự phát triển của mạng xã hội, các trang Twitter, TikTok, Youtube liên tục gợi ý những video về vụ kiện của Depp và Heard ngay cả khi chúng ta không quá quan tâm”.

    Ông nói thêm: “Và những lỗ hổng mà mạng xã hội tạo ra cũng có thể thay đổi quan điểm của chúng ta về vụ việc. Các nguồn cấp dữ liệu trên mạng xã hội có thể chỉ hiển thị cho bạn các video và bài đăng có lợi Depp, vì đó là những gì ứng dụng cho rằng bạn sẽ muốn thấy”.

    Một người dùng mạng xã hội tên Lahiru Darsha đã bắt đầu đăng video về vụ kiện giữa Depp và Headr khi anh ấy cảm thấy phiên tòa không diễn ra theo cách của ngôi sao “Cướp biển vùng Caribbean”. Theo đó, Darsha đã đăng các đoạn video ngắn - chưa đầy 2 phút - trên kênh YouTube của anh ấy, có tên Redux Dreams Lab.

    Trước phiên tòa, kênh thanh niên 25 tuổi này chủ yếu đăng các video về phát trực tuyến của khi anh chơi các các trò chơi điện tử. Các video đã mang lại cho anh ta khoảng 100 USD doanh thu quảng cáo sau vài tháng.

    Nhưng từ khi đăng video về vụ kiện của Johnny Depp, kênh của anh đã thành công vang dội, thu hút hàng triệu lượt xem trong vòng vài ngày. Trong đó, có những đoạn video đạt tới 1,3 triệu lượt xem. Chia sẻ về việc này, Darsha nói: “Tôi muốn thu hút sự chú ý vào những chi tiết cụ thể có thể bị bỏ sót trong các buổi phát trực tiếp”.

    Đồng thời, Youtuber 25 tuổi cho biết cảm giác hồi hộp khi tìm được khán giả - hầu hết đều phản hồi tích cực với anh - đã thôi thúc anh tải lên nhiều video hơn nữa.

    Anh ấy đã kiếm được hơn 11.000 USD kể từ khi phiên toà bắt đầu và dự định sử dụng số tiền này để giúp xây dựng một ngôi nhà ở Sri Lanka, nơi anh đang sống, hoặc đi du học ở châu Âu. Anh ấy cũng có ý định gửi tiền cho gia đình, những người đã hỗ trợ anh ấy trong suốt thời gian đi học.

    Vài ngày trong tháng 5, Darsha nhận thấy thu nhập trên YouTube của mình đã giảm. Sau đó, anh ấy nghe tin đồn rằng những người kiểm duyệt YouTube đang phạt tài khoản đăng đoạn trích từ phiên tòa, vì vậy anh đã quyết định ẩn những đoạn video đó.

    Ngoài ra, phiên xét xử cũng đã được nhiều người phân tích một cách kỹ lưỡng. Các luật sư đã sử dụng những lời khai, bằng chứng là các đoạn ghi âm, tin nhắn văn bản mà 2 ngôi sao đưa ra trên toà để làm rõ cho quan điểm của mình. Trong đó, cặp đôi luật sự Ashleigh Ruggles Stanley, 28 tuổi và Maclen Stanley, 31 tuổi, đã tận dụng vụ kiện để chỉ ra một vài đặc trưng được coi là “văn hoá” của người nổi tiếng khi ra toà. Một đoạn video dài 59 giây cặp đôi giải thích về lý do luật sư của Depp đấm tay ăn mừng sau khi Heard nói điều gì đó không đúng đã thu hút tới 12,8 triệu lượt xem.

    Có thể thấy, vụ kiện giữa Johnny Depp và Amber Heard nhận được sự quan tâm của dư luận dưới nhiều khía cách khác nhau và trở thành tin tức “thống trị” các mạng xã hội, phủ sóng khắp các nền tảng và được nhiều người bàn tán. Ngay cả khi phiên toà đã đi đến phán quyết cuối cùng nhưng những thông tin bên lề vẫn được nhiều người dùng khai thác để đưa ra tranh luận và thu hút sự chú ý của dư luận.

    DOISONGPHAPLUAT.COM |

    <% include googleAnalystic %>
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-vu-kien-giua-johnny-depp-va-amber-heard-thong-tri-mang-xa-hoi-a540258.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan