+Aa-
    Zalo

    Vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải: Các đối tượng bị khởi tố đối diện án phạt 3 tỉ đồng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo luật sư, 3 đối tượng trong vụ đổ trộm dầu thải xuống sông Đà vừa bị khởi tố về tội “Gây ô nhiễm môi trường” có thể bị phạt từ 1-3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm tù.

    Theo luật sư, 3 đối tượng trong vụ đổ trộm dầu thải xuống sông Đà vừa bị khởi tố về tội “Gây ô nhiễm môi trường” có thể bị phạt từ 1-3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm tù.

    Ngày 23/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hoà Bình đã khởi tố bị can về tội “Gây ô nhiễm môi trường” đối với 3 đối tượng liên quan đến việc đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà xảy ra tại xã Minh Tiến (Kỳ Sơn, Hoà Bình).

    Cụ thể, 3 bị can bị cơ quan CSĐT khởi tố về tội “Gây ô nhiễm môi trường” theo Điều 235 Bộ luật Hình và lệnh tam giam 2 tháng gồm: Nguyễn Chương Đại (25 tuổi, trú huyện Thuận Thành, Bắc Ninh); Hoàng Văn Thám (33 tuổi, trú huyện Văn Quan, Lạng Sơn); Lý Đình Vũ (37 tuổi, ở cùng địa phương với Đại). Các quyết định trên được VKSND cùng cấp phê chuẩn theo quy định của pháp luật.

    3 đối tượng trong vụ đổ trộm dầu thải vừa bị cơ quan công an khởi tố. 

    Trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) cho biết, hành vi đổ trộm dầu thải vào nước vừa qua là hành vi xâm phạm tới an toàn, sức khỏe, tính mạng của người dân rất nghiêm trọng. Bước đầu, cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự theo Điều 235, Bộ Luật Hình sự về tội "Gây ô nhiễm môi trường" là đúng với hành vi vi phạm của các đối tượng.

    Để xác định được cụ thể hành vi vi phạm, Cơ quan điều tra sẽ phải xác định được chất đổ ra môi trường là chất gì, chất này có nằm trong danh mục Phụ lục A, Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hay không. Cơ quan điều tra sẽ xác định chất thải này khối lượng là bao nhiêu? Thứ ba là cần xem xét về thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tài sản của nhà nước, doanh nghiệp, sức khỏe của người dân do sự việc trên. Từ những hành vi như vậy mới có thể quy chiếu được lỗi cụ thể của đối tượng thực hiện việc đổ dầu thải ra môi trường.

    Theo quy định tại khoản 3, Điều 235, Bộ Luật Hình sự về tội "Gây ô nhiễm môi trường", khung hình phạt nặng nhất là bị phạt tiền từ 1-3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm.

    Song, theo luật sư Bình đây chỉ mới là bước đầu trong quá trình điều tra vụ án. Cơ quan điều tra có thể xem xét tới những chủ thể khác như doanh nghiệp cung cấp nước, cơ quan quản lý nhà nước về trách nhiệm và đặc biệt xem xét đến việc ai đã bán khối lượng dầu thải này ra ngoài.

    Trong đó, luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường: Ô nhiễm môi trường và hậu quả do ô nhiễm môi trường phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, điều tra và kết luận kịp thời; hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường của tổ chức, cá nhân phải được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

    Nguyên tắc xác định trách nhiệm cá nhân được quy định như sau: Người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình; Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra; Trường hợp cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao thì tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

    Dầu thải làm ô nhiễm suối Trâm - một nguồn nước nhà máy nước sông Đà sử dụng. Ảnh: Tiền Phong

    Đối với thiệt hại về tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường và trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại(ngoại trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời; các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường.

    Ngoài ra, Bộ luật dân sự còn quy định cụ thể xác định thiệt hại do tài sản, tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại. Đây là cơ sở để tổ chức, cá nhân bị thiệt hại xác định các thiệt hại để yêu cầu bồi thường do sự cố vừa qua.

    Như đã đưa tin trước đó, theo cơ quan điều tra, ngày 6/10, Vũ thuê Đại và Thám đi xe tải từ Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà ở thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) lấy chất thải. Sau khi bơm chất thải vào 10 thùng chứa, Đại và Thám đi xe về Công ty TNHH Cơ khí cao su K90 ở huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) để gửi xe.

    Ngày 8/10, 3 bị can sử dụng một xe tải và một xe 4 chỗ để chở số chất thải này lên xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) rồi tiến hành xả ra nguồn nước.

    Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có váng dầu tại suối Bằng ở địa phương này. Tiếp tục rà soát ngược theo dòng suối, đơn vị thấy trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh và xã Phúc Tiến có đổ dầu thải. Dầu thải này chảy tràn xuống suối Trầm. 

    Cơ quan chức năng xác định có 2,5 tấn dầu thải bị đổ trộm vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà.

    Ngày 16/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi gây ô nhiễm môi trường.

    Nguyễn Phượng 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-nuoc-sach-song-da-nhiem-dau-thai-cac-doi-tuong-bi-khoi-to-doi-dien-an-phat-3-ti-dong-a298072.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan