+Aa-
    Zalo

    Vụ thiếu nữ 15 tuổi "thông chốt" 141, tông gãy chân cảnh sát: Luật sư nói gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bị dừng xe kiểm tra, thiếu nữ 15 tuổi không dừng lại mà còn quay đầu xe bỏ chạy, tông 2 cảnh sát cơ động đang làm nhiệm vụ bị thương.

    Bị dừng xe kiểm tra, thiếu nữ 15 tuổi không dừng lại mà còn quay đầu xe bỏ chạy, tông 2 cảnh sát cơ động đang làm nhiệm vụ bị thương.

    Liên quan vụ thiếu nữ đi xe máy tông hai cảnh sát cơ động thuộc Tổ công tác đặc biệt Y5/141- Công an TP Hà Nội, ngày 13/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết đã tiếp nhận toàn bộ hồ sơ vụ việc từ Tổ Y5 để thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.

    Danh tính thiếu nữ trong vụ việc được xác định là Đỗ Thanh T., (SN 2003, trú Khâm Thiên, Hà Nội).

    Hai cảnh sát trong tổ công tác 141 bị T. điều khiển xe máy tông trúng là Thiếu uý Nguyễn Hải Đức và Đại uý Phạm Văn Tuyền. Trong đó, Thiếu uý Đức chỉ bị xây xước nhẹ, còn Đại uý Tuyền bị gãy chân phải, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.

    Cô gái đâm bị thương cảnh sát cơ động - Ảnh: Báo Giao thông

    Liên quan đến vụ việc này, nhiều người thắc mắc, với hành vi tông bị thương 2 cảnh sát cơ động, thiếu nữ 15 tuổi có phải chịu trách nhiệm hình sự?

    Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, hành vi phạm tội của thiếu nữ đã cấu thành tội chống người thi hành công vụ và tội cố ý gây thương tích. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 330 và Điều 104, Bộ luật Hình sự 2015.

    Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu, thiếu nữ điều khiển xe mô tô mới 15 tuổi, đây là lứa tuổi trẻ em nên thuộc đối tượng đặc biệt được điều chỉnh trong Bộ luật Hình sự.

    Theo quy định tại Điều 12, Bộ luật Hình sự về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, đối với tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330, Bộ luật Hình sự, thiếu nữ 15 tuổi không cấu thành tội phạm.

    Đối với tội cố ý gây thương tích theo Điều 134, thiếu nữ 15 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về tội rất nghiêm trọng (có khung hình phạt từ 7 - 15 năm) tương ứng với Khoản 3, Điều 134, Bộ luật Hình sự. Nghĩa là hành vi điều khiển xe mô tô tông gãy chân chiến sỹ đang thi hành công vụ phải có tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên mới có thể xử lý hình sự thiếu nữ 15 tuổi này được.

    Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong 28 điều của Bộ luật này.

    Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, nếu cô gái cố ý đâm xe vào chiến sỹ cảnh sát nhằm gây thương tích để cản trở các cảnh sát, hòng tẩu thoát thì hành vi đó có dấu hiệu của tội "Chống người thi hành công vụ", quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015 hoặc tội "Cố ý gây thương tích", gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

    Theo luật sư, đối với tội chống người thi hành công vụ thì pháp luật quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó trường hợp hành vi của cô gái có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ, nhưng chưa đủ tuổi thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

    Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự quy định đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

    Đặc biệt, hành vi của cô gái được Công an kết luận là Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác thì việc cô gái có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không còn phụ thuộc vào tỉ lệ thương tích của chiến sĩ cảnh sát trong kết luận giám định pháp y.

    "Nếu tỉ lệ thương tích của chiến sĩ cảnh sát cơ động thuộc một trong các khoản 3, 4 hoặc 5 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì cô gái sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác. Nếu tỉ lệ thương tích không thuộc các khoản trên thì cô gái không chịu trách nhiệm hình sự" - luật sư cường dẫn luật.

    Cũng theo luật sư Cường, trong trường hợp chưa đủ căn cứ để xử lý thiếu nữ về mặt hình sự thì vẫn có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính do cố ý gây thương tích tùy theo tính chất, mức độ vi phạm nếu người vi phạm từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

    Trước đó, chiều 12/8, tổ công tác Y5/141 (Công an TP.Hà Nội) được phân công làm nhiệm vụ tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, thuộc địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội.

    Đến khoảng 15h cùng ngày, tổ công tác phát hiện và ra hiệu lệnh dừng xe nữ thanh niên tóc trắng-vàng điều khiển xe máy mang BKS 29E2-257.03 không đội MBH chạy tốc độ cao hướng Khuất Duy Tiến đi Nguyễn Trãi.

    Lúc này, chiến sĩ cảnh sát trong tổ Y5/141 đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, cô gái này không chấp hành lệnh của cảnh sát mà lái xe máy quay đầu chạy ngược chiều trên đường Khuất Duy Tiến và đâm vào Thiếu uý Nguyễn Hải Đức, người được phân công trong tổ Y5/14 làm nhiệm vụ chống quay đầu.

    Cú đâm khiến Thiếu uý Đức ngã văng xuống đường. Thấy vậy, một chiến sĩ CSCĐ khác là Đại uý Phạm Văn Tuyền tiếp tục ra chặn xe cũng bị cô gái này tăng ga đâm thẳng vào chân. Hậu quả khiến Thiếu uý Đức bị xây xát còn Đại úy Tuyền bị gãy chân phải.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-thieu-nu-15-tuoi-thong-chot-141-tong-gay-chan-canh-sat-luat-su-noi-gi-a240131.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan