+Aa-
    Zalo

    Chi tiết 9 thời điểm người Việt Nam có cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng trong năm 2024

    (ĐS&PL) - Trong năm Rồng 2024, người Việt Nam sẽ có dịp chứng kiến nhiều hiện tượng thiên văn kỳ thú. Đặc biệt, sẽ có 9 lần chúng ta có cơ hội được chiêm ngưỡng mưa sao băng đến từ vật thể không gian bí ẩn, kỳ dị. Vào đêm cực đại của trận mạnh nhất, bạn sẽ thấy tới 150 ngôi sao băng mỗi giờ.

    Báo Người lao động đưa tin, the định vị tại TP.HCM bằng công cụ của trang Time and Date, các các trận mưa sao băng mà người Việt Nam có cơ hội chiêm ngưỡng trong năm Giáp Thìn sẽ có số sao băng đêm cực đại khá chênh lệch nhau.

    Vào đêm cực đại của trận mạnh nhất, bạn sẽ thấy tới 150 ngôi sao băng mỗi giờ. Trong khi đó, trận yếu nhất chỉ 5 ngôi sao băng mỗi giờ.

    1. "Bản giao hưởng" Lyrids: Có nguồn gốc từ đuôi của sao chổi Thatchet nhưng lại như tuôn xuống từ chòm sao Thiên Cầm (Lyra), mưa sao băng Lyrids dự kiến sẽ tuôn khoảng 18 ngôi sao băng vào thời điểm cực đại rơi vào tối ngày 22, rạng sáng 23/4.

    Lyrids có thể được quan sát ở cả hai bán cầu từ ngày 14 đến 30/4.

    2. Eta Aquarids từ Halley: Đây là một trong hai trận mưa sao băng được tạo nên bởi sao chổi Halley lừng danh và trông như tuôn ra từ chòm sao Bảo Bình (Aquarius) từ ngày 19/4 đến 28/5, nhìn thấy ở cả hai bán cầu.

    Theo giờ Việt Nam, đêm cực đại với 50 ngôi sao băng mỗi giờ sẽ là đêm ngày 5, rạng sáng ngày 6/5.

    chi tiet 9 thoi diem nguoi viet nam co co hoi chiem nguong mua sao bang trong nam 2024jpg0
    Mưa sao băng lớn nhất 2024 sẽ diễn ra vào lúc nào?. Ảnh minh họa.

    3. "Á quân" Perseids: Từ chòm sao Anh Tiên mang hình dáng chàng dũng sĩ trong thần thoại Hy Lạp Perseus, mưa sao băng Perseids sẽ đổ xuống Trái Đất tận 100 ngôi sao băng mỗi giờ trong đêm 12, rạng sáng 13/8. 

    Perseids có tầm quan sát tốt nhất ở Bắc bán cầu từ ngày 17/1 đến 24/8 và có nguồn gốc từ sao chổi 109P/Swift-Tuttle.

    4. "Rồng trời" phun lửa Draconids: Rất tiếc cơn mưa ánh sáng từ chòm sao mang hình con giáp của năm nay - Thiên Long, tức Draco - lại là trận mưa sao băng yếu nhất với chỉ 5 ngôi sao băng mỗi giờ trong đêm ngày 8, rạng sáng ngày 9/10, cũng là đêm cực đại.

    Draconids có nguồn gốc từ sao chổi 21P/Giacobini-Zinner, có thể nhìn thấy tốt nhất từ Bắc bán cầu trong khoảng ngày 6 đến ngày 10/10.

    5. Orionids: Halley trở lại: Trận mưa sao băng thứ 2 từ Halley sẽ phun ra từ phía chòm sao Lạp Hộ (Orion) trong khoảng ngày 2 đến 10/10, tuy nhiên nhỏ hơn trận trước một chút. 

    Đêm cực đại rơi vào tối 21, rạng sáng 22/10 theo giờ Việt Nam với khoảng 20 ngôi sao băng mỗi giờ. Bạn cũng có thể nhìn thấy Orionids ở cả hai bán cầu.

    6. Sư tử trời Leonids: Rơi từ chòm sao Sư Tử (Leo), Leonids được quan sát ở cả hai bán cầu từ ngày 6 đến 30/11. Nó cũng có nguồn gốc từ sao chổi, mang tên 55P/Tempel-Tuttle.

    Cái tên nghe có vẻ rất dũng mãnh, tuy nhiên Leonids cũng "dịu dàng" gần như Draconids. Bởi lẽ, số sao băng vào đêm cực đại chỉ là 10 ngôi sao băng mỗi giờ. Bạn có thể đón nó vào tối 17, rạng sáng 18/11.

    7. Siêu mưa sao băng Geminids: Mưa sao băng lẽ ra phải rơi từ sao chổi, nhưng Geminids thì không! Thay vào đó, mưa sao băng này có nguồn gốc từ tiểu hành tinh 3200 Phaethon.

    Vì sao 3200 Phaethon có đuôi và tạo ra mưa sao băng? Đó là câu đố mà giới khoa học vẫn đang tìm kiếm. Trong đó, giả thuyết được ủng hộ nhất là một vụ va chạm cổ đại.

    Vào đêm cực đại tối 13, rạng sáng 14/12, từ Việt Nam bạn có thể quan sát đến 150 ngôi sao băng mỗi giờ. Bạn cũng có thể nhìn thấy từ hai bán cầu từ ngày 4 đến 20/12.

    8. Gấu con Ursids: Phun ra từ chòm Tiểu Hùng (Ursa Minor), Ursids sẽ đạt cực đại vào đêm 22, rạng sáng 23/12 với khoảng 10 ngôi sao băng mỗi giờ. 

    Bên cạnh đó, bạn cũng có thể quan sát trận mưa sao băng từ sao chổi 8P/Tuttle này từ Bắc bán cầu vào khoảng ngày 17 đến 26/12.

    9. "Kẻ kỳ quái thứ hai" và Quadrantids: Quadrantids cũng rơi từ một tiểu hành tinh mang tên 2003 EH1. Tuy chưa được quan tâm nhiều như 3200 Phaethon nhưng việc nó rơi từ một tiểu hành tinh vẫn là điều kỳ quái.

    Ngoài ra, số phận của mưa sao băng này rất "long đong": Quadrantids lấy từ tên chòm sao Quadrans Muralis đã bị Liên minh Thiên văn quốc tế (IAU) xóa sổ từ năm 1922.

    Tuy nhiên bạn cũng có thể nhắm hướng chòm sao Mục Phu (Bootes) để tìm kiếm nó từ ngày 28/12/2024 đến 12/1/2025 ở Bắc bán cầu.

    Đêm cực đại của trận mưa sao băng cuối cùng năm Giáp Thìn sẽ rơi vào tối ngày 3, rạng sáng ngày 4/1/2025.

    Sao băng là các thiên thạch — những hạt đá nhỏ tấn công bầu khí quyển Trái đất. Những hạt hỗn loạn này nóng lên và bốc hơi, giải phóng năng lượng có thể nhìn thấy dưới dạng những vệt sáng trên bầu trời đêm. Mưa sao băng Quadrantid được cho là do bụi và mảnh vụn còn sót lại trong bên trong hệ mặt trời bởi tiểu hành tinh 2003 EH1, quay quanh mặt trời cứ sau 5,5 năm.

    Theo báo Sức khỏe và đời sống, ngoài những trận mưa sao băng kỳ thú, trong năm 2024, người dân Việt Nam sẽ còn có thể được chứng kiến những sự kiện thiên văn kỳ thú như:

    Hiện trượng trăng xanh: Trên thực tế, đây không phải một hiện tượng thiên văn, và Mặt Trăng không bao giờ có màu xanh. Theo văn hóa của một số khu vực ở phương Tây, Trăng tròn lần này được gọi là Trăng xanh do mùa hè năm 2024 (tính từ hạ chí tới thu phân) có 4 lần Trăng tròn và đây là lần thứ 3. Nói cách khác, đây là sự kiện có tính văn hóa, không phải hiện tượng tự nhiên. Hiện tượng này sẽ diễn ra vào ngày 19/8.

    Ngày 8/9: Sao Thổ tới vị trí trực đối, đây là thời điểm đáng chú ý nhất hàng năm để bạn quan sát hành tinh này. Sao Thổ sẽ nằm đối diện với Mặt Trời qua Trái Đất, và vì thế đó là thời điểm nó nằm tương đối gần Trái Đất so với các điểm khác trên quỹ đạo của chúng ta, đồng thời phần được chiếu sáng của nó hướng về Trái Đất nhiều nhất. Với những ai có kính thiên văn, đây sẽ là cơ hội tốt nhất trong năm để quan sát hành tinh này cùng vành đai tuyệt đẹp của nó.

    Ngày 17/11: Sao Thiên Vương tới vị trí trực đối, đây là thời điểm tuyệt vời nhất để bạn quan sát hành tinh này. Mặc dù về lý thuyết, nó có thể được nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng nó sẽ chỉ là một chấm nhỏ mờ nhạt ngay cả ở những nơi có điều kiện quan sát lý tưởng nhất. Do đó, giống như với Sao Hải Vương, đây sẽ chỉ là sự kiện đáng chú ý với người quan sát được kính thiên văn hỗ trợ.

    Ngày 25/12: Sao Thủy đạt biên độ cực đại về phía Tây. Trên đây là những hiện tượng thiên văn năm 2023 mà bạn có thể quan sát được khi đứng tại Việt Nam. Trong danh sách này, chúng tôi chỉ nêu những hiện tượng đáng chú ý, những sự kiện không có gì đặc biệt về mặt quan sát không được liệt kê.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chi-tiet-9-thoi-diem-nguoi-viet-nam-co-co-hoi-chiem-nguong-mua-sao-bang-trong-nam-2024-a610065.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan