+Aa-
    Zalo

    Công khai lợi nhuận DN khi tăng giá xăng: Vẫn chỉ là khẩu hiệu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Việc trao quyền tự định giá cho doanh nghiệp sẽ tạo ra lỗ hổng giúp doanh nghiệp lợi dụng biên độ, xé lẻ các đợt tăng giá để được tăng giá nhiều nhất có thể.

    (ĐSPL) - Việc trao quyền tự định giá cho doanh nghiệp sẽ tạo ra lỗ hổng giúp doanh nghiệp lợi dụng biên độ, xé lẻ các đợt tăng giá để được tăng giá nhiều nhất có thể.

    Tại cuộc làm việc với liên bộ Tài chính - Công Thương mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu phải công khai, minh bạch về các cơ sở hình thành giá bán lẻ xăng dầu, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và mức lợi nhuận của các doanh nghiệp khi tăng giá xăng. Dù mục đích của việc "đánh bài ngửa" này là tìm sự đồng cảm, chia sẻ của người dân, nhưng liệu người dân có chấp nhận những lý do mà cơ quan quản lý đưa ra? 

    Phải công khai lợi nhuận doanh nghiệp khi tăng giá xăng:
    Dù thế nào thì người dân vẫn khó chấp nhận khi xăng liên tục tăng trong thời gian qua.

    Tăng giá liên tục để "cứu" Quỹ bình ổn xăng dầu?

    Trước tình trạng giá xăng "tăng dần đều" thời gian qua khiến dư luận hết sức quan tâm, lo lắng, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với liên bộ Tài chính - Công Thương về công tác điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới. Giải thích việc tăng giá xăng liên tục thời gian qua, lãnh đạo bộ Tài chính và Công Thương cho rằng, việc tăng giá xăng là do phụ thuộc vào giá xăng dầu trên thế giới. Nếu không tăng giá xăng mà chỉ sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu để bù lỗ thì chỉ trong khoảng hơn một tháng nữa, nguồn quỹ sẽ cạn kiệt.

    Mặc dù cho rằng, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua đã thực hiện đúng theo quy định của Nghị định 84, thế nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn yêu cầu liên bộ phải giải thích rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến, tình hình giá xăng dầu thế giới, đồng thời công khai minh bạch về các cơ sở hình thành giá bản lẻ xăng dầu, về việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu... Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phải công khai lợi nhuận doanh nghiệp khi tăng giá xăng dầu để người dân đồng cảm, chia sẻ.

    Tính từ đầu năm tới nay, chúng ta đã có 9 lần điều chỉnh giá xăng (chưa kể lần tăng mới nhất) với 5 lần tăng, 4 lần giảm. Tăng thì  mạnh những giảm thì nhỏ giọt. Theo tính toán của nhiều chuyên gia, tính đến hết tháng 6, giá xăng trong nước tăng 4,2\% (tương đương với mức tăng 4,2\% của giá xăng dầu thế giới) nhưng nhiều thời điểm chúng ta lại sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu khá cao để nhằm "hạ sốt" giá xăng. Thậm chí, nhiều người đưa ra so sánh giá xăng Việt Nam có những thời điểm cao hơn xăng ở nước Mỹ tới 4.000 đồng/lít để minh chứng cho sự "bất thường" trên.

    Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, không thể so giá hôm nay của Việt Nam với bất kỳ giá của nước nào, bởi cách tính giá của chúng ta đang theo Nghị định 84. Có nghĩa là sau 30 ngày giá xăng Việt Nam mới có một lần điều chỉnh giá. Trong khi đó, giá xăng ở Mỹ thì điều chỉnh từng ngày theo biến động thị trường. Chúng ta không thể đưa xăng ở Mỹ về Việt Nam ngay lập tức được vì phải mất tới 15 ngày xăng dầu mới về tới Việt Nam. Những chi phí cửa hàng, nhân công... tồn kho cho đến bán cho người tiêu dùng là cả quá trình. Giá xăng của Việt Nam tuân theo quy luật của thị trường, trong đó cơ cấu giá phải được tính đúng, tính đủ theo thị trường.

    Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu hiện nay đang chỉ đảm bảo lợi nhuận cho các doanh nghiệp xăng dầu chứ chưa thực sự vì lợi ích người tiêu dùng. Người tiêu dùng kêu là vì kinh doanh xăng dầu vẫn đang thiếu minh bạch. Người dân khó có thể giám sát việc tăng giá của doanh nghiệp nếu chỉ dựa trên các thông tin được công bố. Vì thế, nếu công bố lợi nhuận sau khi tăng giá xăng thì cũng rất khó để kiểm tra số liệu đó như thế nào. Vì vậy, nói rằng, công bố lợi nhuận để người dân thông cảm, chia sẻ những cũng khó để chia sẻ được.

    Phải công khai lợi nhuận doanh nghiệp khi tăng giá xăng:
    TS. Ngô Trí Long: Vấn đề không nằm ở công khai lợi nhuận.

    Vấn đề không nằm ở công khai lợi nhuận

    Đó là nhận định của TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Thị trường - giá cả (bộ Tài chính) khi được hỏi ý kiến về vấn đề trên. TS. Long cho biết: "Công thức tính giá cơ sở của giá xăng (dựa trên 11 yếu tố) là hết sức rõ ràng. Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ khác. Thứ nhất, chúng ta phải xem lợi nhuận thu về từ việc kinh doanh xăng dầu như vậy đã thỏa đáng chưa? Thứ hai là Quỹ bình ổn xăng dầu thu và chi đã hợp lý chưa? Thứ ba là trong bối cảnh xăng dầu phải chịu rất nhiều thuế và phí như hiện nay thì Nhà nước có nên khoan thư sức dân hay không? Cho nên, cơ cấu giá thì rất rõ ràng, công khai nhưng cách xử lý cái đó thì chúng ta lại gặp vấn đề".

    Chuyên gia này cho hay, hiện nay chúng ta không có cơ quan độc lập để kiểm chứng những số liệu mà doanh nghiệp đưa ra. Các cơ quan quản lý thì vẫn dựa trên số liệu của những doanh nghiệp lớn đưa ra chứ chưa có một bộ phận độc lập kiểm tra, giám sát. Vì thế, thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải công khai lợi nhuận sau khi tăng giá, Nhà nước phải đảm bảo làm sao hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp. Không thể chỉ vì hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách cho đủ mà đẩy khó cho người dân được. Việc kinh doanh có phải lúc nào cũng lãi bằng một mức Nhà nước quy định đâu? Trong nền kinh tế thị trường thì rủi ro về giá cả khó lường nhất.

    Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cùng nhận định rằng, nếu vẫn để cơ chế doanh nghiệp tự định giá như hiện nay thì người tiêu dùng còn phải chịu thiệt thòi. Theo quy định của Nghị định 84 thì doanh nghiệp được tự điều chỉnh giá trong biên độ cho phép (hiện nay là từ 0-3\%) nhưng trong bối cảnh độc quyền xăng dầu như hiện nay thì người dân không hề được hưởng lợi. Việc trao quyền tự định giá cho doanh nghiệp sẽ tạo ra lỗ hổng giúp doanh nghiệp lợi dụng biên độ, xé lẻ các đợt tăng giá để được tăng giá nhiều nhất có thể - trái với nguyên tắc quản lý giá. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, giá xăng dầu tăng thì nhanh, giảm thì chậm. Nhưng điều đáng nói là phần lớn đề xuất tăng giá của doanh nghiệp xăng dầu được cơ quan quản lý chấp nhận. Chính vì thế, việc yêu cầu công khai lợi nhuận doanh nghiệp sau khi tăng giá xăng cũng chỉ là một hình thức chứ không chạm được vào gốc rễ của vấn đề.

    Sẽ có Nghị định mới về điều hành giá xăng dầu

    Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ rà soát, hoàn thiện các nội dung trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 84 để Thủ tướng ký ban hành nhằm đưa công tác điều hành giá xăng dầu theo đúng cơ chế thị trường, căn cơ, bài bản và công khai, minh bạch.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-khai-loi-nhuan-dn-khi-tang-gia-xang-van-chi-la-khau-hieu-a42501.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan