+Aa-
    Zalo

    Đồng USD tăng giá: Người cười nụ, kẻ khóc thầm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đồng USD tăng giá khiến các nhà nhập khẩu đang được hưởng lợi và người tiêu dùng có thể mua được hàng giá rẻ, nhờ hàng nhập khẩu từ các nước (trừ Mỹ) có giá rẻ h

    (ĐSPL) - Đồng USD tăng giá khiến các nhà nhập khẩu đang được hưởng lợi và người tiêu dùng có thể mua được hàng giá rẻ, nhờ hàng nhập khẩu từ các nước (trừ Mỹ) có giá rẻ hơn. Còn nhiều công ty xuất khẩu VN đã chấp nhận giảm giá bán khi đồng tiền nội địa của các nhà nhập khẩu giảm giá mạnh so với đồng USD.
    Người tiêu dùng được lợi?
    tỷ giá VND/USD đang chịu áp lực lớn do hàng loạt đồng tiền tại các thị trường xuất khẩu chính của VN đều sụt giảm so với đồng USD, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, việc giữ ổn định tỷ giá vẫn là ưu tiên số 1 nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.
    Theo các chuyên gia, trong khi hoạt động xuất khẩu VN gặp khó khăn nhất định, các nhà nhập khẩu đang được hưởng lợi và người tiêu dùng có thể mua được hàng giá rẻ, nhờ hàng nhập khẩu từ các nước (trừ Mỹ) có giá rẻ hơn.
    Thông tin trên báo Tuổi trẻ, bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP HCM), cho biết từ hơn tháng nay, hai nhóm hàng mà siêu thị nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu là bánh kẹo và hàng gia dụng đã được điều chỉnh giảm nhẹ, nhờ đồng euro giảm.

    Đồng USD tăng giá khiến các nhà nhập khẩu đang được hưởng lợi và người tiêu dùng có thể mua được hàng giá rẻ, nhờ hàng nhập khẩu từ các nước (trừ Mỹ) có giá rẻ hơn. (Ảnh minh họa).

    “Bánh kẹo nhập từ Tây Ban Nha, nhựa gia dụng nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả đều được thanh toán bằng đồng euro nên siêu thị cũng giảm giá theo tỉ lệ giảm giá của đồng euro với đồng VN. Với một số mặt hàng đã nhập khẩu trước đó, siêu thị chọn hình thức giảm giá thông qua các chương trình khuyến mãi”, bà Thảo cho biết.
    Theo các nhà nhập khẩu, trước đây tỷ giá quy đổi 200 đồng/yen nhưng hiện còn khoảng 180 đồng/yen, nên với đơn hàng lớn, doanh nghiệp nhập khẩu có thể bỏ túi một khoản kha khá. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, phần lời này được dùng để bù các chi phí bán hàng, mặt bằng, điện nước... chứ người kinh doanh không hưởng trọn. Vì vậy trong ngắn hạn, dù đồng yen có giảm thêm cũng khó có điều chỉnh giá.Đại diện hệ thống siêu thị đồng giá Daiso, cửa hàng bán lẻ hàng Nhật Bản cho biết, đồng yen Nhật giảm giá liên tục so với đồng VN đã giúp việc nhập khẩu hàng hóa của công ty “dễ thở” hơn. “90\% hàng hóa của siêu thị nhập khẩu từ Nhật đều được thiết kế để bán đồng giá. đồng yen giảm, việc lựa chọn mặt hàng nhập về dễ dàng và thoải mái hơn, đa dạng hơn”, vị này cho biết.
    Doanh nghiệp xuất khẩu phải tự cứu mình
    Theo các chuyên gia kinh tế, trong khi các đồng tiền khác mất giá, việc tỷ giá VND/USD vẫn ổn định đã làm giảm khả năng cạnh tranh của VN so với các đối thủ khác trong khu vực và trên thế giới.
    Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu phải tự cứu mình trước khi Nhà nước thay đổi chính sách tiền tệ. Ông Dương Ngọc Minh thừa nhận VN buộc phải giảm giá bán vì các nước cạnh tranh với chúng ta như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Ecuador cũng đã giảm giá.
    “Nếu không giảm giá sẽ không bán được và thực tế giá xuất khẩu tôm VN giảm khoảng 10\% so với cùng kỳ năm ngoái. Để cạnh tranh, các doanh nghiệp VN phải tìm cách giảm chi phí đầu vào và giá thành sản xuất” - ông Minh nói.

     Các doanh nghiệp xuất khẩu phải tự cứu mình trước khi Nhà nước thay đổi chính sách tiền tệ.(Ảnh minh họa).

    Ông Nguyễn Chí Trung, giám đốc Công ty TNHH giày Gia Định, cho biết về nguyên tắc nếu nhà nhập khẩu thấy thị trường nào có lợi sẽ chuyển đơn hàng về đó, “nên việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp không hẳn chỉ phụ thuộc vào tỉ giá, mà còn ở nhiều yếu tố khác, trong đó vấn đề nâng cao năng suất lao động, đảm bảo thời gian giao hàng chuẩn xác dường như quan trọng hơn cả vấn đề tỷ giá”.
    TS Trần Ngọc Thơ, trưởng khoa tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng cho rằng điều cốt lõi đối với các doanh nghiệp “là nên tập trung vào những gì mình kiểm soát được để phục vụ tốt cho công tác tổ chức sản xuất, chứ đừng chú ý nhiều đến vấn đề mà mình không thể kiểm soát, mà tỷ giá là một ví dụ”.
    Theo ông Thơ, cải tổ năng suất lao động, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, cũng như nâng cao khả năng tổ chức tiếp thị, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng là các công việc chính mà doanh nghiệp cần chú trọng nhất trong giai đoạn hiện nay.
    “Ngoài việc trông chờ Ngân hàng Nhà nước điều hành vấn đề tỉ giá một cách linh hoạt nhất, chỉ có doanh nghiệp mới giải quyết được những vấn đề nội tại mà họ đang làm chưa tốt. Có vậy thì mới mong nâng cao năng lực cạnh tranh được” - ông Thơ khuyến nghị.
    “Không chỉ VN, ngay cả Mỹ cũng gặp khó do đồng USD tăng giá. Tuy nhiên nếu tăng tỷ giá, VN sẽ khó khăn nhiều hơn, vì dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời gây áp lực phải điều chỉnh giá xăng dầu và nhiều mặt hàng khác. Cân nhắc giữa các yếu tố đó, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được ưu tiên nhiều hơn”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, nói.
    NGỌC ANH(Tổng hợp)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dong-usd-tang-gia-nguoi-cuoi-nu-ke-khoc-tham-a88194.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan