+Aa-
    Zalo

    Nhiều nông sản Việt Nam có cơ hội xuất chính ngạch sang Trung Quốc

    (ĐS&PL) - Năm 2023, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu nông lâm thủy lớn nhất của Việt Nam. Sang năm 2024, thị trường này tiếp tục được đặt nhiều kỳ vọng, nhất là sau chuyến làm việc của đoàn công tác thuộc Bộ NN&PTNT tại Trung Quốc.

    Việt Nam sắp xuất khẩu cá sấu, khỉ

    Trang thông tin kinh tế của TTXVN (Bnews) đưa tin, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sang làm việc với Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

    Chia sẻ với Bnews về kết quả chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết khi làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, hai bên đã trao đổi, tháo gỡ được nhiều vấn đề mà hai bên đặt ra.

    Cụ thể, Trung Quốc sẽ khẩn trương hoàn thành rà soát pháp lý để ký trong thời gian sớm nhất 3 Nghị định thư bao gồm: Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên, Nghị định thư về xuất khẩu cá sấu nuôi và Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc để phục vụ nghiên cứu khoa học.

    Đối với các sản phẩm rau quả, Trung Quốc đồng ý sẽ mở cửa thêm các loại trái cây chủ lực của Việt Nam và đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục, đặc biệt là xem xét mở cửa cho trái bơ và chanh leo của Việt Nam. Đây cũng là những sản phẩm chủ lực của Việt Nam và được bà con ở các vùng trồng rất quan tâm.

    nhieu nong san viet nam co co hoi xuat chinh ngach sang trung quoc 3
    Bơ, chanh leo sắp được ký nghị định thư với Trung Quốc.

    Về chăn nuôi, Trung Quốc đồng ý xem xét bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam, đơn vị chức năng hai bên phối hợp làm các thủ tục để dỡ bỏ lệnh cấm. Đây cũng là tin mừng cho người chăn nuôi gia cầm Việt Nam. Hai bên cũng thống nhất phối hợp xử lý vướng mắc trong xuất nhập khẩu cá tầm, tôm hùm bông theo cơ chế đặc biệt và sẽ đưa vào Nghị định thư giữa hai nước.

    Sầu riêng vẫn là "át chủ bài"

    Thông tin trên báo Tuổi Trẻ, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết trong tháng 1/2024, xuất khẩu rau quả ước tính đạt gần nửa tỷ USD (khoảng 480 triệu USD), tăng gấp đôi so với tháng 1 năm trước. Với những tín hiệu lạc quan về thị trường ngay trong tháng đầu năm, ông Nguyên tin rằng xuất khẩu rau quả của cả năm nay sẽ đạt kim ngạch từ 6 - 6,5 tỷ USD.

    Theo ông Nguyên, năm 2024 và các năm tiếp theo, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục "bùng nổ" là hoàn toàn có cơ sở bởi ngoài nghị định thư về dưa hấu thì chúng ta đang đàm phán để chuẩn bị ký nghị định thư về chanh leo, bơ, sầu riêng đông lạnh, bưởi, dừa...

    "Năm 2023, Trung Quốc chiếm 65% thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam, dự báo năm 2024 sẽ chiếm khoảng 70% thị phần. Giữa Việt Nam và Trung Quốc có khoảng cách địa lý gần, vùng trồng rau quả rất tiềm năng nên rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc rất thuận lợi, thị hiếu tiêu dùng tương đối giống nhau, tạo điều kiện để ngành rau quả phát triển mạnh hơn", ông Nguyên tin tưởng.

    Ông Nguyên cũng khẳng định năm 2024 sầu riêng, dừa, chuối, xoài, thanh long vẫn là những mặt hàng chiến lược của Việt Nam, trong đó sầu riêng vẫn là mặt hàng "át chủ bài" bởi đến đầu tháng 1 năm nay có 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

    Đặc biệt, nếu nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được ký kết sớm trong năm nay thì sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh sẽ đưa về khoảng 3,5 tỷ USD. Tương tự, trái dừa nếu ký được nghị định thư thì hứa hẹn sẽ mang về từ 500 - 600 triệu USD.

    "Do xung đột ở Biển Đỏ, xuất khẩu bằng đường biển phải đi vòng, kéo dài thêm khoảng nửa tháng nên hàng hóa từ châu Âu, châu Mỹ về Trung Quốc có thể bị trễ và chi phí tăng cao. Do đó, Trung Quốc có thể thiếu rau quả trong dịp Tết Nguyên đán này. Đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng để gia tăng thêm lượng và giá trị xuất khẩu rau quả", ông Nguyên đánh giá.

    Chuyên trang Đầu tư tài chính của báo Sài Gòn Giải phóng nhận định các nhóm ngành khác cũng đều kỳ vọng vào sự tăng trưởng của thị trường Trung Quốc trong năm nay.

    Như với tôm theo đánh giá của VASEP, xung đột Biển Đỏ khiến cước vận tải biển tăng, có thể khiến Ecuador giảm xuất khẩu sang Trung Quốc do phải chịu áp lực chi phí vận tải biển gia tăng.

    Đây có thể là cơ hội cho tôm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc nhờ vị trí địa lý gần, chi phí logistics thấp. Các tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm sang thị trường này có thể phục hồi nhẹ. Hay với cá tra, Việt Nam kỳ vọng Trung Quốc sẽ là khu vực tăng trưởng cao về tiêu thụ cá tra trong năm 2024.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-nong-san-viet-nam-co-co-hoi-xuat-chinh-ngach-sang-trung-quoc-a610220.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan