+Aa-
    Zalo

    Sau vụ Con Cưng: Cục Quản lý thị trường bất ngờ bị rà soát

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tổ công tác sẽ rà soát, đánh giá việc chấp hành pháp luật của cá nhân, tập thể lãnh đạo Cục Quản lý thị trường và các cá nhân liên quan trong vụ Con Cưng.

    Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo sẽ có trách nhiệm rà soát, đánh giá việc chấp hành pháp luật về hoạt động công vụ của cá nhân, tập thể lãnh đạo Cục Quản lý thị trường và các cá nhân liên quan trong vụ Con Cưng.

    Bộ Công thương lập Tổ rà soát quy trình kiểm tra của Cục Quản lý thị trường. Ảnh: Kinh tế & Đô thị

    Chiều 19/8, Bộ Công thương cho biết đã có quyết định thành lập Tổ rà soát, đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với CTCP Con Cưng của Cục Quản lý thị trường.

    Song song với đó, Tổ sẽ đánh giá hoạt động của Tổ công tác triển khai Quyết định số 334 của Bộ trưởng Công Thương phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020.

    Tổ này có nhiệm vụ kiến nghị Bộ trưởng các biện pháp xử lý các cá nhân, tập thể vi phạm hoạt động công vụ nếu có.

    Tổ trưởng Tổ công tác là ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. Ngoài ra còn có các thành viên là đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Cục Quản lý thị trường. Kết quả sẽ được báo cáo với Bộ trưởng trước ngày 30/8.

    Được biết, ngày 17/8 vừa qua, Bộ Công Thương đã công bố kết luận kiểm tra liên quan tới nghi vấn gian lận hàng giả tại hệ thống siêu thị Con Cưng.

    Theo kết luận này, Con Cưng mắc sai sót trong khuyến mãi, thương mại điện tử... nhưng không bán hàng giả như nghi vấn ban đầu. Hồ sơ nhập khẩu của Con Cưng hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hóa nhập khẩu.

    Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường và các chi cục xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với Công ty cổ phần Con Cưng, Bộ Công Thương yêu cầu có biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đã được phát hiện.

    Tổ công tác 334 được thành lập nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và người tiêu dùng về tác hại của hàng hóa giả mạo xuất xứ đối với phát triển kinh tế, xã hội; làm giảm cơ bản các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại một số địa bàn trọng điểm; từng bước thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước.

    Thông qua kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng tổng hợp, đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa, bảo đảm chế tài đủ mức răn đe để tổ chức, cá nhân kinh doanh và người dân tự giác chấp hành pháp luật, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ.

    Tại quyết định thành lập Tổ 334, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương, cơ quan, đơn vị quản lý thị trường các cấp phải xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong việc đấu tranh chống các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ nói riêng và hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung.

    Vũ Đậu (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sau-vu-con-cung-cuc-quan-ly-thi-truong-bat-ngo-bi-ra-soat-a240838.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan