+Aa-
    Zalo

    Tân Hiệp Phát đăng ký ngành nghề kinh doanh bất động sản

    (ĐS&PL) - Tân Hiệp Phát đăng ký mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực, trong đó có mảng bất động sản.

    Đăng ký bổ sung 33 ngành nghề

    Theo tin tức kinh doanh trên báo Tiền Phong, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) vừa qua bổ sung thêm hàng loạt ngành nghề đăng ký kinh doanh, vào ngày 2/8/2023.

    tan hiep phat dang ky nganh nghe kinh doanh bat dong san 2
    Tân Hiệp Phát đăng ký ngành nghề kinh doanh bất động sản.

    Theo đó, Tân Hiệp Phát đăng ký bổ sung thêm 33 ngành nghề kinh doanh, nâng tổng số ngành nghề từ 46 lên 79 ngành.

    Đáng chú ý, doanh nghiệp bổ sung ngành kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; hoàn thiện công trình xây dựng; sản xuất đường; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản; sản xuất rượu vang; sản xuất săm, lốp cao su; sản xuất thủy tinh; vận tải hàng hóa đường thủy nội địa; kho bãi và lưu giữ hàng hóa; bốc xếp hàng hóa; tái chế phế liệu… Ngành nghề kinh doanh chính vẫn giữ nguyên là sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng.

    Theo giấy thay đổi đăng ký doanh nghiệp mới nhất, Tân Hiệp Phát giữ nguyên 2 người đại diện pháp luật doanh nghiệp là bà Phạm Thị Nụ (vợ ông Trần Quí Thanh) giữ chức Tổng giám đốc và ông David Riddle, Phó giám đốc.

    Theo thông tin từ phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hiệp Phát được thành lập ngày 27/10/1997. Tân Hiệp Phát đã có 44 lần thay đổi đăng ký kinh doanh và lần gần nhất là ngày 15/5/2023.

    Hiện tại, Tân Hiệp Phát có vốn điều lệ 276 tỷ đồng. Trong đó, bà Phạm Thị Nụ góp 150,4 tỷ đồng (chiếm 54,49% vốn điều lệ), bà Trần Uyên Phương góp 81,1 tỷ đồng (chiếm 29,38% vốn điều lệ), bà Trần Ngọc Bích góp 44,5 tỷ đồng (chiếm 16,12% vốn điều lệ). Bà Phạm Thị Nụ là Chủ tịch HĐTV kiêm cổ đông sáng lập Công ty Tân Hiệp Phát.

    Cuộc "đổ bộ" của Tân Hiệp Phát vào bất động sản

    Theo báo Dân trí, việc thay đổi đăng ký kinh doanh, thêm ngành nghề bất động sản của Tân Hiệp Phát diễn ra trong bối cảnh "lạ". Hồi tháng 4 năm nay, ông Trần Quí Thanh và 2 con gái Trần Ngọc Bích, Trần Uyên Phương bị khởi tố về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", liên quan tới các đơn tố cáo về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là các dự án bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại TP.HCM, Đồng Nai.

    tan hiep phat dang ky nganh nghe kinh doanh bat dong san 1
    Ông Trần Quí Thanh và con gái Trần Uyên Phương.

    Trước đó, từ năm 2018, gia đình ông Trần Quí Thanh và Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã có những động thái mạnh mẽ để tham gia vào lĩnh vực bất động sản.

    Tháng 6/2018, ông Thanh trở thành thành viên trong ban chấp hành Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM với ý định sẽ dùng nguồn tiền dồi dào của mình để cùng hỗ trợ các thành viên trong câu lạc bộ khi họ thiếu vốn cho các dự án bất động sản.

    Khi đó đại gia nước giải khát tiết lộ, thời gian tới sẽ chọn TP.HCM và Bình Dương là 2 nơi để phát triển các dòng sản phẩm bất động sản. Đặc biệt, Tân Hiệp Phát không hạn chế phân khúc sản phẩm và vai trò doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà tất cả là theo nhu cầu và cơ hội của thị trường.

    Ông Thanh khá tự tin với lĩnh vực mà doanh nghiệp chuẩn bị "dấn thân". Ông khẳng định, nguồn vốn và quỹ đất là 2 lợi thế lớn nhất hiện nay mà Tân Hiệp Phát đang nắm giữ. Còn kinh nghiệm và kiến thức ở lĩnh vực bất động sản theo ông Thanh là bản thân đang tích lũy dần, thời cơ chín muồi sẽ "nhảy" sang.

    Trong khoảng thời gian từ 18-24/4/2019, có 10 công ty được thành lập với cùng vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và cùng cơ cấu sở hữu: bà Trần Uyên Phương nắm giữ 99,9%, bà Trần Ngọc Bích nắm giữ 0,05% và bà Phạm Thị Nụ nắm giữ 0,05%.

    Đến ngày 14/5/2019, thêm CTCP Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền được thành lập với vốn điều lệ lớn hơn hẳn, đạt 3.830 tỷ đồng nhưng cơ cấu sở hữu vẫn không thay đổi.

    Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, có ít nhất 11 công ty có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản đã được thành lập với tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến 18.830 tỷ đồng. Ông Trần Quí Thanh rất ít khi đứng tên sở hữu phần vốn góp trong các công ty thuộc hệ thống Tân Hiệp Phát mà hầu hết do vợ - bà Phạm Thị Nụ và 2 con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đứng tên.

    Tuy nhiên điều bất ngờ là chỉ vài tháng sau khi thành lập, vào tháng 8-9/2019, hầu hết các công ty trong số này đã đột ngột công bố giải thể với cùng lý do là "Không có dự án để đầu tư, phát triển và về việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp không có hiệu quả", tạp chí Nhịp sống thị trường thông tin.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tan-hiep-phat-dang-ky-nganh-nghe-kinh-doanh-bat-dong-san-a591576.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan