+Aa-
    Zalo

    Thu hồi giấy phép, xử phạt nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động

    (ĐS&PL) - Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu lao động trên cả nước bị thu hồi giấy phép hoạt động và xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng.

    Báo Người lao động đưa tin, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa ký quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của 3 doanh nghiệp đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.

    thu hoi giay phep xu phat nhieu doanh nghiep xuat khau lao dong
    Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị thu hồi giấy phép hoạt động và xử phạt hành chính.

    3 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép gồm: Công ty TNHH Đào tạo quốc tế Đông Đô (Hà Nội), Công ty CP Vinaconex Sài Gòn (TP.HCM) và Công ty CP Quốc tế Hoàng Gia Long (Hà Nội).

    Theo báo Công Thương, ngoài 3 công ty kể trên, Tổng công ty cổ phần Đường sông miền Nam (SOWATACO) cũng bị  cơ quan quản lý thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

    Cả 4 doanh nghiệp này đều bị thu hồi giấy phép hoạt động do không đảm bảo điều kiện về ký quỹ, số lượng nhân viên nghiệp vụ, cơ sở vật chất và trang thông tin điện tử đáp ứng điều kiện quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

    Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu các công ty trên sau khi chấm dứt hoạt động vẫn tiếp tục có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng cung ứng lao động, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hiệu lực.

    Ngoài các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép, đầu tháng 7/2023, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính 3 công ty xuất khẩu lao động với số tiền 325 triệu đồng.

    Cụ thể, Cục quyết định xử phạt hành chính 180 triệu đồng đối với doanh nghiệp xuất khẩu lao động là Công ty CP Vận tải biển và hợp tác lao động quốc tế - INLACO SAIGON (TP.HCM). Công ty này bị xử phạt là do ký không đúng mẫu hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với 2 lao động; đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt quá số lượng người đăng ký theo hợp đồng cung ứng lao động 322 người.

    Công ty cổ phần đầu tư Thuận An DMC (Hà Nội) bị xử phạt 85 triệu đồng do ký không đúng mẫu hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với 3 lao động; thanh lý hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không theo quy định pháp luật; không hướng dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; đóng không đúng thời hạn vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định pháp luật.

    Công ty CP tư vấn du học và thương mại Giang Anh (Hà Nội) bị xử phạt 60 triệu đồng, do không duy trì một trong các điều kiện quy định tại điều 10 của luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của pháp luật trong suốt quá trình hoạt động.

    Bên cạnh bị xử phạt hành chính, Công ty CP tư vấn du học và thương mại Giang Anh còn bị đình chỉ hoạt động 9 tháng, báo Đảng cộng sản Việt Nam đưa tin.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-hoi-giay-phep-xu-phat-nhieu-doanh-nghiep-xuat-khau-lao-dong-a583057.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan