+Aa-
    Zalo

    Trung Quốc tăng cường in ngoại tệ và những sự thật phía sau

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trung Quốc đang in ngoại tệ trên quy mô lớn nhằm giúp Bắc Kinh tăng ảnh hưởng với nền kinh tế và địa chính trị thế giới.

    Trung Quốc đang in ngoại tệ trên quy mô lớn nhằm giúp Bắc Kinh tăng ảnh hưởng với nền kinh tế và địa chính trị thế giới.

    Nhiều nguồn tin trong Cục In ấn và Đúc Tiền Trung Quốc đã xác nhận với tờ South China Morning Post vào tháng 7 rằng, các nhà máy sản xuất tiền giấy trên toàn quốc đang hoạt động hết công suất nhằm đáp ứng hạn ngạch cao bất thường do chính phủ đặt ra trong năm nay.

    Hầu hết nhu cầu đến từ những đơn vị tham gia chiến dịch “Vành đai và Con đường”. Một nguồn tin yêu cầu giấu tên do tính chất bí mật của thông tin, cho biết nhân dân tệ Trung Quốc chỉ chiếm “một tỷ lệ nhỏ trong các đơn hàng”.

    Đồng Nhân dân tệ - đơn vị tiền tệ của Trung Quốc - Ảnh: SCMP

    Một công ty nhà nước, có trụ sở tại quận Xicheng, Bắc Kinh được mô tả là máy in tiền quy mô lớn nhất thế giới. Với hơn 18.000 nhân viên, công ty này vận hành hơn 10 cơ sở bảo mật nghiêm ngặt chuyên sản xuất tiền giấy và tiền xu.

    Ngược lại, đối tác Mỹ, Cục khắc và in ấn Mỹ chỉ sử dụng 1/10 số nhân viên tại hai nhà máy tiền tệ, và công ty lớn thứ hai thế giới, công ty Anh De La Rue, chỉ có hơn 3.100 nhân viên vào cuối năm ngoái .

    Ở Trung Quốc, sự lên ngôi của phương thức thanh toán di động trong những năm gần đây đã làm giảm đáng kể việc sử dụng và nhu cầu về tiền giấy.

    Từ các thành phố lớn đến các làng quê xa xôi, điện thoại thông minh đã trở thành ví tiền. Hầu hết các giao dịch trong cửa hàng tạp hóa hiện nay đều được thực hiện bằng công nghệ, khiến nhiều nhà máy in thiếu việc làm.

    Tuy nhiên, kết quả ảm đạm ấy đã kết thúc bất ngờ vào đầu năm nay.

    Nhà máy giấy lớn nhất của quốc gia ở Baoding, tỉnh Hà Bắc, đã vào guồng với sự xuất hiện đột ngột của “những đơn hàng lớn”, theo một nhân viên làm việc tại Nhà máy 604, một công ty con của tập đoàn.

    “Các máy của chúng tôi đã hoạt động hết công suất trong nhiều tháng”, theo một nhân viên khác làm việc tại cơ sở này. Tuy nhiên, các đơn đặt hàng tăng dồn dập đã khiến nhà máy phải rất vất vả để theo kịp.

    Quá trình sản xuất tiền giấy bao gồm việc nghiền các sợi bông và sợi lanh mịn thành bột giấy, sau đó được chuyển thành tiền giấy chất lượng cao với dấu chống tiền giả.

    Một sạp rau ở chợ nhận thanh toán bằng ứng dụng quét mã vạch - Ảnh: SCMP

    Quá trình này đòi hỏi rất nhiều hơi nước được cung cấp từ các nhà máy sản xuất địa phương và nhu cầu năng lượng mới nên đã khiến toàn thành phố phải vật lộn để theo kịp với tốc độ sản xuất.

    “Tình trạng thiếu hơi nước vẫn là một vấn đề đau đầu. Chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại lên chính quyền thành phố. Họ đang tìm kiếm giải pháp. Cho đến nay, tình trạng thiếu hơi nước chưa có quá nhiều tác động đến sản lượng, ”một nhân viên khác cho biết ngày 13/8.

    Một nhà máy giấy tiền tệ khác ở Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, đã thông báo một sự thay đổi tương tự.

    “Tình hình năm ngoái đặc biệt tồi tệ. Chúng tôi hầu như không có việc làm, ”một nhân viên nói.

    “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm giấy chứng nhận kết hôn và giấy phép lái xe để giữ dây chuyền sản xuất không bị han rỉ. Năm nay, khối lượng công việc đã nhiều”, anh nói.

    Hầu hết tiền giấy do các nhà máy sản xuất không phải là đồng nhân dân tệ, nhân viên này nói.

    “Quá trình xử lý khác nhau. Tiền giấy của các quốc gia và mỗi khách hàng đều có yêu cầu riêng của họ”. Các nhân viên yêu cầu không được nêu tên do bí mật công việc.

    Theo Liu Guisheng, chủ tịch của Cục In và Đúc tiền Trung Quốc, nước này đã không in ngoại tệ cho đến thời gian gần đây.

    Vào năm 2013, Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch “Vành đai và con đường” - một kế hoạch phát triển toàn cầu liên quan đến khoảng 60 quốc gia từ châu Á, châu Âu đến châu Phi để kích thích tăng trưởng kinh tế với các dự án đầu tư vốn và xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

    Hai năm sau, Trung Quốc bắt đầu in các tờ tiền mệnh giá 100 rupee cho Nepal, Liu đã viết trong một bài báo trên tờ China Finance vào tháng 5 - một tạp chí phát hành hai tháng một lần do ngân hàng trung ương Trung Quốc quản lý.

    Kể từ đó, công ty đã "nắm bắt các cơ hội nhờ tính chủ động" và "giành được hợp đồng cho các dự án sản xuất tiền giấy khá thành công ở một số quốc gia bao gồm Thái Lan, Bangladesh, Sri Lanka, Malaysia, Ấn Độ, Brazil và Ba Lan".

    Nhưng đó có thể chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Số lượng quốc gia thực tế đã hoặc có kế hoạch thuê Trung Quốc in tiền giấy có thể lớn hơn nhiều, theo một nguồn tin trong tập đoàn.

    Một số chính phủ đã yêu cầu Bắc Kinh không công bố thỏa thuận này vì lo lắng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hoặc gây ra các cuộc tranh luận không cần thiết trong nước”, người này nói.

    Thu Phương(Theo SCMP)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-tang-cuong-in-ngoai-te-va-nhung-su-that-phia-sau-a240047.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan