+Aa-
Zalo

Bà Trương Mỹ Lan nói con gái đang rao bán nhà 1 tỷ USD ở Hà Nội để khắc phục hậu quả

(ĐS&PL) - Trong phần xét hỏi của các luật sư tại phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiều 12/3, bà Trương Mỹ Lan nói con gái bà đang rao bán tòa nhà ở Hà Nội trị giá 1 tỷ USD để khắc phục hậu quả.

Sẵn sàng chuyển cổ phần cho NHNN để tiện cho việc điều hành SCB

Theo báo VnExpress, ngày 12/3, phiên xét xử bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm về các sai phạm tại Vạn Thịnh Phát và SCB tiếp tục với phần xét hỏi của luật sư.

xet xu vu van thinh phat ba truong my lan noi con gai dang rao ban nha 1 ty usd o ha noi de khac phuc hau qua
Bà Trương Mỹ Lan tại tòa ngày 12/3. Ảnh: VnExpress

Trả lời luật sư Phan Trung Hoài, một trong 5 người bào chữa, bà Trương Mỹ Lan bày tỏ lời cảm ơn đến các cơ sở giam giữ, TAND Tối cao, TAND TP HCM đã tạo điều kiện giúp bà chăm sóc sức khỏe tốt trong suốt quá trình điều tra cho đến khi ra tòa.

Bà Lan dành nhiều thời gian trình bày về lý lịch, nguồn gốc hình thành khối tài sản của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo cho biết quê ở Triều Châu, Trung Quốc, nhưng sinh ra và lớn lên ở TP HCM. Trước đây, mẹ bà làm tiểu thương ở chợ Bến Thành, sau này bà cũng buôn bán như vậy. Suốt 14 năm làm tiểu thương, bà và gia đình tích lũy được khối tài sản vững chắc. Năm 1992, khi Nhà nước cho phép mở công ty TNHH, bà bắt đầu lập Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn. Về sau, bà mở thêm nhiều công ty và hình thành Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Liên quan đến vụ án, luật sư Phan Trung Hoài hỏi: "Trước tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, cáo trạng, lời khai của các bị cáo khác, và lời trình bày của chị trước đó tại tòa, chị suy nghĩ thế nào về tầm quan trọng của mình trong vụ án?". Bà Lan không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà nói "tôi tôn trọng cáo trạng, kết luận của cơ quan điều tra và lời khai của các bị cáo", sau đó chuyển qua kể về cơ duyên với SCB là được một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước mời tham gia ban cố vấn hợp nhất.

Theo bà Lan, trước khi hợp nhất 3 nhà băng vào ngày 1/1/2012, bà được một số lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước động viên, nên đã đưa nhiều tài sản vào để tái cơ cấu SCB. Trong đó, bà đã cho mượn tòa nhà Khách sạn 5 sao Windsor (sở hữu của Công ty cổ phần đầu tư An Đông thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát) làm tài sản đảm bảo, vay 15.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo tính thanh khoản khi hợp nhất. "Lúc đó, tôi tin rằng với trí tuệ, khả năng và các mối quan hệ bạn bè của mình có thể giúp được SCB", bà Lan nói.

Trả lời luật sư về việc "có tiên lượng gì về mặt hậu quả pháp lý, khi dùng tài sản thế chấp vay tiền để tái cơ cấu", bà Lan đáp: "Với tư duy của tôi, tôi cho ngân hàng mượn nếu ngân hàng không vực dậy được thì tôi sẽ mất hết. Nhưng tôi có một niềm tin, giác quan là làm được, tôi mới làm".

Về nhóm 5 cổ đông sở hữu 35% cổ phần của SCB, bị cáo cho biết đây là cổ phần của những người bạn, đối tác nước ngoài chứ không phải bà nhờ đứng tên. Bà Lan thừa nhận vai trò, ảnh hưởng lớn ở SCB vì "mọi người ở SCB chỉ biết cái mặt của tôi thôi, chỉ có tôi là người đưa tài sản vào SCB". Nhưng sau đó bị cáo lại cho rằng "không có ảnh hưởng tới HĐQT của SCB, không biết việc phân công, bổ nhiệm các chức danh" mà chỉ biết "sống chết với SCB".

Được hỏi về các khoản vay không đúng quy định pháp luật, với tư cách là cổ đông lớn khi để xảy ra hậu quả, bà Lan nói sẽ chịu trách nhiệm về các thiệt hại của vụ án và sẽ "dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả".

Tiếp đó, bà Lan đề nghị HĐXX "xem xét thật kỹ" về số tiền thiệt hại, số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt cũng như các tội danh đang bị cáo buộc. Bị cáo cho biết, trong quá trình điều tra đã có rất nhiều đơn đề nghị, văn bản xin cam kết tự nguyện khắc phục thiệt hại, và giữ nguyên các cam kết đó tại tòa.

Bà Lan nói đồng ý chuyển số tiền 1.000 tỷ đồng (ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella, khắc phục) đến tài khoản của SCB để giải quyết hậu quả vụ án. "Hôm nay, trước mặt HĐXX, tôi xin hứa cổ phần của tôi, con tôi, bạn bè tôi đều sẵn sàng chuyển cho Ngân hàng Nhà nước để tiện cho việc điều hành SCB", bị cáo trình bày thêm.

Ngoài ra, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng khai có 13 dự án nằm ngoài danh mục các tài sản bị kê biên trong vụ án và đồng ý dùng các tài sản này để khắc phục. Tuy nhiên, các dự án này có cả các nhà đầu tư nước ngoài, nên đề nghị tòa tạo điều kiện cho bị cáo đàm phán. "Năm ngoái có nhà đầu tư nước ngoài đưa 30 tỷ USD để mua dự án và tôi cũng sẵn sàng. Tôi đã uỷ quyền cho con gái giải quyết, nhưng con gái tôi nói 'mẹ ơi người ta nói mẹ đang bị tội như vậy họ sợ, không mua nữa”.

Con gái bà Trương Mỹ Lan rao bán nhà 1 tỷ USD ở Hà Nội để khắc phục hậu quả

Theo báo Dân trí, bà Lan cho biết thêm con gái bà cũng đang rao bán tòa nhà ở Hà Nội trị giá 1 tỷ USD để khắc phục hậu quả.

Bên cạnh đó, trong phiên tòa sáng cùng ngày, bà Lan bày tỏ muốn đem cổ phần của bản thân, các con và bạn bè ủy quyền không hủy ngang cho Ngân hàng Nhà nước để tiếp tục điều hành.

Tại phiên tòa chiều cùng ngày, luật sư hỏi bà Lan có mong muốn được tạo điều kiện như thế nào để thực hiện việc chuyển cổ phần cho Ngân hàng Nhà nước, bị cáo cho biết có 8 cổ đông là công ty nước ngoài, hiện tình cảnh bà không thể tác động được nên mong tòa hỗ trợ bà.

Theo cáo trạng, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự để xác minh, làm rõ vụ án.

Trong đó, Bộ Công an đề nghị Tổng Chưởng lý quần đảo Brishtish Vigin thuộc Vương quốc Anh, Tổng Chưởng lý quần đảo Cayman thuộc Vương quốc Anh và Cục Tư pháp Khu hành chính đặc biệt HongKong, nước CHDCND Trung Hoa, phối hợp xác minh 8 công ty nước ngoài với các nội dung: thông tin về pháp nhân, người đại diện pháp luật, quan hệ với Trương Mỹ Lan và các cá nhân khác tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Việt Vĩnh Phú; xác định việc mua, sở hữu cổ phần tại SCB, Công ty Việt Vĩnh Phú và các nội dung có liên quan đến SCB.

Song, đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an chưa nhận được kết quả trả lời.

Vân Anh (T/h)

Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ba-truong-my-lan-noi-con-gai-dang-rao-ban-nha-1-ty-usd-o-ha-noi-de-khac-phuc-hau-qua-a614125.html
Sự kiện:
Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát: Cựu phó tổng giám đốc SCB tự trách bản thân vì đặt niềm tin nhầm chỗ

Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát: Cựu phó tổng giám đốc SCB tự trách bản thân vì đặt niềm tin nhầm chỗ

Trả lời phần chất vấn tại phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát diễn ra ngày 11/3, cựu phó tổng giám đốc SCB - bị cáo Trần Thị Mỹ Dung đã bày tỏ sự thất vọng trước lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan. Bị cáo Dung khẳng định đã đặt niềm tin nhầm chỗ khi từng "thần tượng" bà Trương Mỹ Lan.

Zalo

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

Đã tặng:
Tặng quà tác giả
BÌNH LUẬN
Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
Tin liên quan
Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát: Cựu phó tổng giám đốc SCB tự trách bản thân vì đặt niềm tin nhầm chỗ

Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát: Cựu phó tổng giám đốc SCB tự trách bản thân vì đặt niềm tin nhầm chỗ

Trả lời phần chất vấn tại phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát diễn ra ngày 11/3, cựu phó tổng giám đốc SCB - bị cáo Trần Thị Mỹ Dung đã bày tỏ sự thất vọng trước lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan. Bị cáo Dung khẳng định đã đặt niềm tin nhầm chỗ khi từng "thần tượng" bà Trương Mỹ Lan.