+Aa-
    Zalo

    Bài 8: Dự án do nhà thầu TQ thực hiện và lời cảnh báo về mưa axit

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Việc các nhà thầu Trung Quốc thực hiện quá nhiều dự án nhiệt điện trong nước đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại đến góc độ môi trường bị hủy hoại khi công nghệ không đạt chuẩn.

    (ĐSPL) - Việc các nhà thầu Trung Quốc thực hiện quá nhiều dự án nhiệt điện trong nước đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại đến góc độ môi trường bị hủy hoại khi công nghệ không đạt chuẩn. Thực tế đã từng có lời cảnh báo đáng lo ngại về khả năng... mưa a-xít.
    Ô nhiễm môi trường... ai lo?
    Một thực tế đáng lo ngại là, với các dự án nhiệt điện do Trung Quốc làm tổng thầu, ai có thể khẳng định được rằng khi xây dựng xong và sau vài năm bảo hành, các nhà máy này còn đảm bảo công suất, thông số kỹ thuật, tuổi thọ hay không? Tuy nhiên, hệ luỵ nhãn tiền là hiện tượng gây ô nhiễm môi trường quanh các nhà máy nhiệt điện này.
    Bài 8: Dự án do nhà thầu TQ thực hiện và lời cảnh báo về mưa axit
    Dự án năng lượng do nhà thầu Trunng Quốc thực hiện và lời cảnh báo về mưa axit do ô nhiễm môi trường (Ảnh minh họa).
    Nổi bật là sự kiện xảy ra hồi giữa năm ngoái khi những người dân sinh sống quanh nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh) lên án việc nhà máy này vừa mới đi vào hoạt động được bốn tháng đã gây ô nhiễm môi trường. Dẫn lời những người dân sinh sống tại đây cho thấy, sau khi nhà máy khánh thành được mấy ngày thì dầu đã theo cống nước thải của nhà máy chảy xuống suối Gạo (thuộc địa phận thôn Đông Sơn) rồi ra sông Cầm (thuộc khu vực xã Tràng An và Xuân Sơn). Trước sự việc trên, xã Bình Khê đã có văn bản đề nghị nhà máy tiến hành xử lý, mặc dù nhà máy đã xác nhận sự cố tràn dầu và tiến hành xử lý sự cố trên, nhưng hàng đêm nhà máy vẫn xả các chất ô nhiễm theo đường cống chảy ra suối Gạo. Mỗi khi nước ở nhà máy thải ra, thường có màu đục, đen, thỉnh thoảng có cả váng dầu loang trên mặt nước.
    Những người dân khác cho hay, nhà họ hầu như lúc nào cũng có bụi bay vào nhà, không những vậy, còn có những tiếng nổ rất to như sét đánh phát ra từ nhà máy, có đêm người dân còn đếm đến vài chục tiếng nổ. Có nhà dân cách chừng 500m, nhưng độ rung lắc rất mạnh khiến nhiều đoạn tường trong nhà đã bị nứt. "Nhưng sợ nhất là khói bụi, cứ vài ba ngày, vào ban đêm nhà máy lại xả khói bụi ra, nhiều lúc tôi cứ tưởng là mưa rào", một người dân lắc đầu nói.
    Vấn đề này sau đó đã được lãnh đạo nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê thừa nhận là có sự cố tràn dầu trong nhà máy và việc khuếch tán bụi là điều không thể tránh khỏi (???).
    Một thông tin khác được phát đi từ Sở TN&MT Quảng Ninh, trong quá trình hoạt động nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh cũng phải ngừng lò nhiều lần trong một năm do các nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Sự cố hư hỏng thiết bị của nhà máy, ngừng hoạt động theo lịch điều hành kế hoạch phát điện của EVN, mất điện... Trung bình mỗi năm nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh phải dừng và khởi động lại lò hơi khoảng 60 lần. Và như vậy mỗi lần khởi động lại nhà máy nhiệt điện phải mất từ 30 phút đến 12 giờ do thời gian khởi động phải dùng dầu FO để đốt, đồng thời phải chờ để các thiết bị hoạt động ổn định mới đưa hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào sử dụng được, do vậy sẽ phát sinh bụi qua ống khói nhà máy.
    Vấn đề nhà máy nhiệt điện đang tiếp tục được "hâm nóng", khi hàng trăm người dân ở hai xã Tam Hưng, Phục Lễ (thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cũng bày tỏ bức xúc trước nạn xả khói bụi của nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. Nỗi bức xúc này càng tăng lên sau sự cố nước từ bãi xỉ thải của công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng tràn qua đập chắn chảy ra kênh sinh hoạt của địa phương.
    Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, đối với nhà máy nhiệt điện, tất cả các nguồn gây ô nhiễm trong quá trình hoạt động đều có thể gây tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khoẻ của con người trong vùng chịu ảnh hưởng của dự án. Tuỳ thuộc vào nồng độ và thời gian tác dụng của các chất ô nhiễm mà mức độ tác hại của chúng đối với sức khoẻ cộng đồng sẽ khác nhau. Đặc biệt, với những nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu, không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật thì mức độ ảnh hưởng sẽ lớn hơn gấp bội lần.
    Bài 8: Dự án năng lượng do nhà thầu Trung Quốc thực hiện
    Môi trường sẽ bị hủy hoại bởi các nhà máy nhiệt điện có công nghệ lạc hậu, phi chuẩn (Ảnh minh họa)
    Hậu họa khôn lường
    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, TS. Nguyễn Khắc Kinh, Phó Chủ tịch hội Đánh giá tác động môi trường cho biết: "Mức độ ảnh hưởng môi trường của các nhà máy nhiệt điện phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: Quy mô nhà máy (công suất càng lớn ảnh hưởng càng rộng); nhiên liệu sử dụng: Mức độ ảnh hưởng lớn dần theo thứ tự nhiên liệu là: Khí đốt thiên nhiên (nhỏ nhất), dầu die-zen (DO), dầu nhiên liệu đốt (FO), than đá (lớn nhất); công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất - càng hiện đại, tiên tiến càng ít ảnh hưởng; công nghệ, kỹ thuật phục vụ xử lý khí thải, nước thải (nước làm mát là chính), tro xỉ, tro bay...". 
    Trao đổi về các nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc đang thực hiện ở trong nước, TS. Nguyễn Khắc Kinh bày tỏ lo ngại khi lôi ra dẫn chứng: "Cách đây nhiều năm, các chuyên gia của viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã cảnh báo trong tro xỉ từ đốt than, nhất là than an -tra-xít ở Quảng Ninh, có phát hiện chất phóng xạ".
    Cũng theo TS. Nguyễn Khắc Kinh: "Khả năng chống chịu (sức chịu tải) của môi trường, khả năng tự làm sạch của môi trường là điều cực kỳ e ngại. Nếu sức chịu tải và khả năng tự làm sạch đã hết mà bố trí thêm nhà máy thì cực kỳ nguy hiểm. Điều này sẽ dẫn đến những hậu họa khôn lường như: Gây mưa a-xít (nước mưa có độ pH nhỏ hơn 5,6) do khí thải có chứa các khí SOx (nhất là SO2), NOx (nhất là NO2) kết hợp với hơi nước tạo thành các a-xít (a-xít sunfuric - H2SO4, a-xít nitrric - HNO3). Ngoài ra nó còn gây hủy hoại các đời sống thủy sinh ở nguồn tiếp nhận nước thải (do nước làm mát của nhà máy làm tăng nhiệt độ của nguồn tiếp nhận quá mức cho phép)...".
    Được nhắc đến trên cương vị từng giữ chức Vụ trưởng vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ TN&MT), TS. Nguyễn Khắc Kinh cho rằng: Việc lo ngại đến chất lượng của các nhà máy nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thực hiện là đúng, bởi thực tế, để xây dựng các nhà máy nhiệt điện, chủ đầu tư và nhà thầu sẽ phải có những điều kiện đủ gì để giảm thiểu tối đa mức độ ảnh hưởng đến môi trường như: Lựa chọn địa điểm phù hợp (ở đó môi trường còn đủ sức chịu tải, đủ khả năng tự làm sạch; ít hoặc không có dân cư ở xung quanh, nhất là dân cư sinh sống ở hướng gió chủ đạo;...). Bên cạnh đó công nghệ, máy móc càng hiện đại, tiên tiến càng tốt và không sử dụng công nghệ, máy móc đã bị cấm sử dụng. Sử dụng nhiên liệu càng sạch càng tốt cũng là một tiêu chí quan trọng và đảm bảo xử lý các chất thải đạt yêu cầu quy định... Tuy nhiên, theo TS. Kinh, có những tiêu chí trên xem ra chưa được thực hiện đầy đủ trong một số công trình nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thực hiện.
    Theo nhiều chuyên gia môi trường khi được PV báo Đời sống và Pháp luật đặt câu hỏi đều nghi ngại: Các công trình nghiên cứu mới đây cho biết chất độc hại nhất của nhà máy nhiệt điện là thủy ngân. Thủy ngân dù dưới dạng hợp chất cũng không bị tiêu hủy trong môi trường không khí nên sẽ bị cuốn theo mưa, theo nước xuống đất và lưu lại trong cơ thể của cá (nuôi hay tự nhiên)... nên phạm vi gây độc của nó rất lớn, hơn suy nghĩ lâu nay của mọi người. Vì thế, việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện hiện nay đang đòi hỏi sự kỹ lưỡng trong việc sàng lọc, lựa chọn nhà thầu thi công đạt tiêu chuẩn về chất lượng.                         
    Một số tư liệu cho thấy hai thành phố Đại Đồng và Dương Tuyền - một trong những thành phố tiêu thụ than nhiều nhất ở Trung Quốc - do xuất hiện nhiều nhà máy nhiệt điện đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cát Lâm, Trường Xuân và Cẩm Châu thuộc phía đông bắc, là trung tâm của ngành công nghiệp nặng, đã góp phần tạo sương mù gây khó khăn cho cuộc sống người dân trong toàn miền Bắc Trung Quốc.
    TS. Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ TN&MT), Phó Chủ tịch hội Đánh giá tác động môi trường cho biết: "Chất lượng nhà máy nhiệt điện không đảm bảo và với địa điểm nhà máy không phù hợp, ngoài các nguy cơ tiềm ẩn nêu trên (mưa a-xít, hủy hoại môi trường thủy sinh) còn các nguy cơ khác như: Gây ô nhiễm nguồn nước ngầm do các bãi chứa tro xỉ (trường hợp sử dụng than đá); ảnh hưởng đến sức khỏe con người do khí thải, bụi thải (nhất là trường hợp sử dụng than đá)".
    (Còn nữa)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-8-du-an-do-nha-thau-tq-thuc-hien-va-loi-canh-bao-ve-mua-axit-a35728.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan