+Aa-
    Zalo

    Bắt nhóm gắn mác nhân viên ngân hàng để lừa đảo qua mạng

    (ĐS&PL) - Giả làm nhân viên ngân hàng, các đối tượng gọi điện cho chủ thẻ tư vấn nâng hạn mức thẻ, thu thập thông tin rồi đặt mua các loại hàng hóa có giá trị, qua đó chiếm đoạt số tiền lớn.

    Theo thông tin từ Lao động, ngày 12/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Hồ Minh Phúc (SN 1995, ngụ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

    Trước đó vào ngày 7/3/2024, 3 đối tượng gồm: Nguyễn Thông Thái (SN 1995), Dương Văn Tài (SN 2000) và Trương Hán Chương (SN 2000) cùng ngụ TP.HCM đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Rạch Giá bắt tạm giam với cùng tội danh nói trên.

    Theo kết quả điều tra, vào tháng 7/2023, Thái, Tài và Chương quen biết với nhau khi cùng làm việc tại một công ty dịch vụ tài chính (chuyên làm dịch vụ cho người sử dụng thẻ tín dụng nhận tiền mặt). Quá trình làm việc, Thái và Tài được cung cấp danh sách dữ liệu thông tin cá nhân người sử dụng thẻ tín dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần và đã tự lưu trữ trong điện thoại cá nhân.

    bat nhom gan mac nhan vien ngan hang de lua dao qua mang
    Thái, Tài, Chương và Phúc (bên trái qua). Ảnh: Lao động.

    Đến khoảng cuối tháng 7/2023 thì cả 3 cùng nghỉ việc. Thái, Tài bàn bạc và rủ Chương cùng thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của người sử dụng thẻ tín dụng.

    Thái lên mạng tìm mua thêm dữ liệu khách hàng, chuẩn bị 2 chiếc điện thoại di động có chức năng kết nối Internet, mua các sim rác và đến phòng do Chương thuê trước đó để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

    Căn cứ vào dữ liệu khách hàng đã có, Tài sử dụng điện thoại gắn sim rác gọi cho từng chủ thẻ, giả làm nhân viên ngân hàng tư vấn cho chủ thẻ về việc hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng lên cao hơn. Khi có chủ thẻ tin tưởng và đồng ý, Tài yêu cầu chủ thẻ cung cấp các số thẻ, mã bảo mật, hạn sử dụng thẻ và dặn chủ thẻ khi nhận được mã OTP từ tin nhắn của ngân hàng thì phải cung cấp ngay cho Tài.

    Khi có thông tin chủ thẻ cung cấp, Thái sử dụng 1 điện thoại kết nối Internet, truy cập vào các trang bán hàng trực tuyến để đặt mua và thanh toán các loại hàng hóa có giá trị lớn như điện thoại iPhone, đồng hồ... Sau khi bên bán xác nhận thanh toán đơn hàng thành công thì Chương và Tài đi nhận hàng theo địa chỉ đã đặt và mang đi bán lấy tiền về chia nhau.

    Với thủ đoạn như trên, cả 3 đã thực hiện thành công chiếm đoạt được các tài sản có giá trị rất lớn.

    Điển hình, trưa 16/8/2023, Tài điện thoại cho ông N.V.T (TP. Rạch Giá) chủ thẻ tín dụng, và nói hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng từ 100 triệu lên 200 triệu đồng. Sau đó, ông T. đã cung cấp thông tin thẻ tín dụng, mã OTP cho Tài. Lập tức, Thái lên mạng đặt mua 4 chiếc điện thoại iPhone 14, tổng tiền thanh toán trên 96 triệu đồng, sau khi nhận điện thoại các đối tượng đã bán và lấy tiền chia nhau.

    Sau khi biết tài khoản bị ghi nợ số tiền trên, ông T. đã liên hệ ngân hàng nhờ ngăn chặn giao dịch nhưng không thực hiện được.

    Đến cuối tháng 9/2023, Chương sợ bị phát hiện nên không tham gia nhóm lừa đảo nữa. Còn Thái và Tài đến thuê 1 căn hộ tại Thủ Đức (TP.HCM) để tiếp tục thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tại đây, Thái gặp bạn cũ là Hồ Minh Phúc nên rủ tham gia nhóm.

    Ước sơ bộ, nhóm đối tượng trên đã thực hiện thành công 15 vụ lừa đảo, các nạn nhân ở nhiều địa phương, chiếm đoạt số tiền rất lớn.

    Ngày 9/3, Phúc đến công an đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, theo Tiền Phong.

    Phương Linh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bat-nhom-gan-mac-nhan-vien-ngan-hang-de-lua-dao-qua-mang-a614120.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan