+Aa-
    Zalo

    Biên tập viên Kim Yến: “Vì đời đâu cho ta mấy lần đôi mươi”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những câu chuyện không chia theo chương, không đánh số, gần như một sự ngẫu nhiên, như tác giả chia sẻ: “Viết chuyện này nhớ sang chuyện khác. Các đoạn nối tiếp một cách

    Những câu chuyện không chia theo chương, không đánh số, gần như một sự ngẫu nhiên, như tác giả chia sẻ: “Viết chuyện này nhớ sang chuyện khác. Các đoạn nối tiếp một cách không chủ ý như vậy”. Biên tập viên Kim Yến đã tự mình viết nên những trang mới trong cuộc đời, bằng tâm huyết, tinh thần cầu tiến trong nghề báo. 5 năm là một chặng đường dài, đủ cho con người ta để lại một điều gì đó tỏa ngát cho đời…

    Hữu duyên với du lịch, nhưng nghề báo mới là khát vọng rực cháy

    Ước mơ gắn bó và hoạt động trong nghề báo được cô học sinh Kim Yến ấp ủ ngay từ ghế nhà trường. Nghe các cô giáo kể lại, ở lớp chuyên văn Trường THPT Xuân Hòa (Vĩnh Phúc), có cô bé tay lúc nào cũng cầm bút viết, với ước mơ sau này nhất định làm nhà báo giống bác Lại Văn Sâm hay cô Tạ Bích Loan - người đồng hương quê Phú Thọ. Tại thời điểm trong kì thi đại học, vì đầu vào của Học viên Báo chí & Tuyên truyền và Đại học Khoa học xã hội và nhân văn rất cao, cô học sinh Kim Yến dù đạt ngưỡng 21 điểm nhưng vẫn không đủ để đỗ tại 2 trường trên, cô học sinh ấy đành rẽ ngang với trường Đại học Văn hóa Hà Nội với chuyên ngành Văn hoá du lịch. Khi được hỏi lí do vì sao rẽ ngang, Kim Yến chỉ cười trừ rồi nói: “Vì Du lịch được đi đây đó, được tìm hiểu về văn hóa, cội nguồn lịch sử dân tộc, là một ngành khá năng động phù hợp với tính cách và quan trọng hơn, nó với báo chí có nhiều điểm tương đồng với nhau. Vì vậy, lựa chọn đó sẽ là bước đệm cho ước mơ làm báo mà mình theo đuổi…”. Trong thời gian còn là sinh viên, Kim Yến có cơ duyên gặp chú Ninh- Trưởng ban tạp chí truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam. Và cũng trong thời gian này, Kim Yến làm cộng tác viên cho tạp chí của Đài với chuyến đi công tác Nghệ An đầu tiên, chăm chỉ đi viết bài để học hỏi kinh nghiệm nhưng quan trọng hơn, là được thỏa cái nỗi đam mê…

    Kim Yến trong ngày lễ tốt nghiệp tại Đại học Văn Hóa Hà Nội

    Tốt nghiệp Đại học, Kim Yến vào công tác tại ở bộ phận văn phòng, phòng công chứng trực thuộc Sở Tư pháp Hà Nội trong thời gian 2 năm. Bằng sự cần cù, ham học hỏi, Kim Yến quyết định tham gia chương trình “Trao đổi văn hóa thanh niên các nước Đông Nam Á năm 2013” tại Seoul (Hàn Quốc) và đã được tổ chức tại Hàn Quốc lựa chọn. Khỏi phải nói Kim Yến đã vui và háo hức như thế nào khi nghĩ đến những ngày trải nghiệm phía trước tại Đất nước Hàn Quốc thịnh vượng, tiên tiến. Cô gái nhỏ đã tự mình chuẩn bị từ những thứ nhỏ nhất cho chuyến đi đầu đời này: Tài chính, sức khỏe, kiến thức… Nhớ lại những kỷ niệm đánh dấu cột mốc tuổi trẻ đó, Kim Yến tâm sự: “ Trong hơn 1 tuần có mặt tại Seoul (Hàn Quốc), vào những ngày cuối có một buổi thuyết trình về Đất nước của bạn, vì sơ suất không chuẩn bị áo dài, mà chỉ có bánh Chưng (vốn dĩ định mang sang để mời các bạn ăn thôi). Mình đánh lấy chiếc bánh trưng ra và giới thiệu cho các bạn Quốc tế biết về hương vị của quê hương mình. Bất ngờ thay, bài giới thiệu đó lại được đánh giá cao từ Tổ chức ở Hàn Quốc và đặc biệt là vị ngon đậm đà của thức quà cổ truyền làm họ không sao quên được.”

    Kim Yến tham gia chương trình trao đổi văn hóa tại Seoul

    Trở về từ chuyến đi Hàn Quốc đáng nhớ, Kim Yến may mắn có được cơ duyên tham gia cuộc thi tuyển vào Kênh Truyền hình Quốc hội, khi ấy thuộc Đài tiếng nói Việt Nam. Chỉ có khoảng thời gian ít ỏi chuẩn bị cho cuộc thi vào Đài Tiếng nói Việt Nam mà như Kim Yến nghĩ “ đó là cuộc thi quan trọng nhất cuộc đời”. Vẫn đi đi về về từ Hà Nội lại Vĩnh Phúc, khi biết thông tin cuộc thi này cũng là lúc 17 giờ chiều ngày cuối cùng của vòng nộp hồ sơ, Kim Yến đã giấu bố mẹ và nhanh chóng hoàn thiện giấy tờ: Về Ủy ban Nhân dân phường Xuân Hoà, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc bổ sung dấu cho giấy tờ còn thiếu rồi lại ngược lên Hà Nội nộp hồ sơ kịp trước 17h chiều. Ban giám khảo trong cuộc thi đó có: Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nhà báo Chu Nhạc, nhà báo Vĩnh Quyên, Nghệ sĩ Ưu tú Kim Tiến cùng rất nhiều cô chú gạo cội khác của Đài Tiếng nói Việt Nam. Những ngày thi đó, số lượng thí sinh khá đông, đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước, Kim Yến cũng như nhiều thí sinh khác phải trải qua các vòng thi từ thi viết, thi tiếng anh, thi hùng biện tới khả năng giới thiệu, dẫn chương trình…Sau thời gian chờ đợi kết quả, niềm vui vỡ oà khi Kim Yến nhận được điện thoại có cơ hội làm việc tại Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam. Hôm nay, cô gái nhỏ quê Vĩnh Phúc Kim Yến vẫn luôn tự tin trả lời, đối đáp, tràn đầy năng lượng trong ánh mắt, nụ cười. Cô gái trẻ ấy chinh phục tôi bằng ngọn lửa rừng rực, chảy trong huyết quản của một nhà báo chính trực.

    Kim Yến và các đồng nghiệp tại Đài Tiếng nói Việt Nam VOV

    Chuyến công tác Miền Tây hóa ra lại là mốc son đáng nhớ của tuổi trẻ

    Không lâu sau khi bước chân vào nơi làm việc mà mình hằng mong ước, Biên tập viên trẻ Kim Yến nhận quyết định đi công tác tại Cần Thơ- Sóc Trăng – Hậu Giang, mảnh đất miền Tây đầy nắng và gió. Thời gian đầu gian nan, chưa có nhà, chưa có xe, máy móc thiết bị thiếu thốn, hàng ngày, BTV Kim Yến và người đồng nghiệp tên Công Tràng phải đi làm bằng chiếc xe máy với chặng đường Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng. Sau gần 2 tháng ròng rã ngược xuôi, cuối cùng hai anh em cũng tìm được một ngôi nhà ưng ý ở đường Phạm Ngũ Lão, quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ, thuận tiện cho việc di chuyển công việc làm cơ quan đại diện của THQH Việt Nam tại miền Tây. Mất khoảng thời gian kha khá để BTV Kim Yến làm quen với môi trường và con người miền sông nướcMiền Tây, vốnnổi tiếng với kênh rạch chằng chịt, sông ngòi dày đặc. Người miền Tây phóng khoáng, thật thà, Như Kim Yến cảm nhận:“ Con người họ thật lắm, giản dị lắm, có bát canh rau với mấy con cá khô cũng mời khách ăn cơm đó, mình biết vậy nên ăn liền, không khách sáo đâu. Khách sáo là họ không ưa”.

    Hình ảnh BTV Kim Yến tác nghiệp tại lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng

    Có nhà rồi có xe của cơ quan gửi vào Sài Gòn, hai anh em cùng nhau đi xe khách xuống Sài Gòn lấy ô tô để đi lại. Thời gian đầu, Kim Yến cùng đồng nghiệp mướn người lái xe tên bác Bé vì chưa thạo đường. Với tất cả sự chân thành, Kim Yến chia sẻ “ luôn thầm cảm ơn vì bác Bé coi mình như người thân trong nhà. Nhiều khi thấy mình làm xong việc, lại nước mắt ngắn, nước mắt dài nhớ nhà, bác lại mời mình về quê bác chơi, thăm Kiên Giang. Mình ngồi xe máy sau lưng bác y như hai cha con vậy đó”. Dần dần, hai anh em cũng thuyết thục được bác nghỉ ngơi vì tóc bác đã bạc trắng, tuổi cũng đã cao, động viên bác ở nhà để có nhiều thời gian hơn với con cháu. Thêm vào đó, với đặc thù công việc thường xuyên phải di chuyển, giờ ăn uống nghỉ ngơi thất thường, hai anh em quyết định tự học lái xe để làm việc, cứ anh mệt thì em lái xe và ngược lại. Dọc những con đường miền Tây, người ta thường bắt gặp hình ảnh của một cô biên tập viên nhỏ nhắn đằng sau chiếc vô lăng, bon bon đi lấy tin bài, có mặt ở khắp mọi lúc, mọi nơi.

    Tự lái xe, BTV Kim Yến rong ruổi khắp những con đường miền Tây đầy nắng gió

    Những năm tháng xông pha tới miền Tây là một khoảng trời tuổi trẻ đáng nhớ của BTV Kim Yến. Nhớ lại kỷ niệm còn đọng lại sâu sắc nhất, Kim Yến chia sẻ “ Cả đời làm nghề chắc hẳn chằng bao giờ quên đêm giao thừa hôm ấy, đêm giao thừa xa nhà, xa gia đình, không có tết đúng nghĩa”. Đó là đêm ghi hình không khí giao thừa năm mới tết 2015 tại Cần Thơ. Biên tập viên trẻ Kim Yến cùng người đồng nghiệp Công Tràng đã có mặt tại điểm cầu trực tiếp lúc 19h tối trên đường Nguyễn Trãi, thành phố Cần Thơ ( nơi có cột phát sóng ở bưu điện ) chờ kết nối giao thừa với đầu cầu Hà Nội. Đói, lạnh, tất bật chuẩn bị dây nối, text âm thanh, hình ảnh… là công việc của hai anh em trước giờ lên sóng trực tiếp đêm giao thừa. Ngoài kia đường phố , đã đông đúc lắm bởi tết là dịp để người người hối hả về với gia đình, quây quần bên những người thân, xum họp bạn bè bên những bàn ăn tất niên đầy ắp tiếng cười. Tết là những cái ôm qua phố đông người, là những cái nắm tay siết chặt băng qua những con phố. Vậy mà gạt đi nước mắt hờn tủi, gạt đi nỗi nhớ nhà, gạt đi sự cô đơn trống vắng trong lòng, cô gái ấy vẫn kiên cường, mạnh mẽ hoàn thành nhiệm vụ cùng đồng nghiệp như những người chiến sỹ. Để rồi, 2 h sáng, khi màn đêm buông xuống, khi những con phố thưa thớt người dần, trở về cơ quan, chào người đồng nghiệp, Kim Yến lên phòng và ngục xuống bàn khóc vì nhớ nhà, nhớ gia đình rồi lại mạnh mẽ tự lau nước mắt, không cho lòng yếu đuối thêm. Trong phút chốc, giữa đường phố Cần Thơ xa hoa và nhộn nhịp ấy, bất giác không thể tìm được một nơi để trở về, khi gia đình ở rất xa còn trái tim ta không kìm được mà lạnh cóng.

    Biên tập viên Kim Yến tác nghiệp tại bến Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ

    Nhớ về khoảng thời gian gian truân ấy, đến bây giờ Biên tập viên trẻ Kim Yến vẫn chưa hiểu được tại sao mình lại vượt qua được khi mà “ nắng ở trên đầu, mưa ướt đến đai lưng”. Cứ tối đến, sau một ngày tất bật, Kim Yến giữ thói quen lưu lại kỷ niệm nghề qua trang nhật ký, tự động viên bản thân để mà thêm yêu nghề, đam mê và gắn bó với nghề. Những câu chuyện đó có thể là những việc làm ý nghĩa mà Kim Yến và đồng nghiệp đã làm được, hay những ngày tháng làm quen với cuộc sống ở miền Tây của BTV trẻ Kim Yến “ Sau 2 tháng, hôm nay ngày 05 tháng 02 dương lịch: Tôi dần quen với cuộc sống, không khí, con người và món ăn nơi đây. Quen với vị chua chua ngọt ngọt trong các món ẩm thực miền tây, quen với những chiếc cầu khỉ lắt lẻo, quen với những con đường " nhỏ xíu", những cây cầu như chơi trò " đu trượt", những nụ cười của những đứa trẻ con có làn da " đen bóng " mà mạnh khỏe đến kỳ diệu, chúng đi thoăn thoắt trên những thửa ruộng, những góc phố, con đường.... Sau 2 tháng, tôi yêu nơi này dến kỳ lạ, tôi thích không gian thành phố này, tôi thích cái nắng cái gió đã thấm vào da thịt mình, tôi thích những chiếc khăn rằn, cái áo bà ba, thích nghe " đờn ca tài tử " ... Cuộc sống không ồn ào quá, nhưng cũng rất lung linh và cá tính, cứ bình lặng và đơn sơ tới kỳ lạ mà thấm vào con người tự lúc nào. Tôi đã đi vòng vòng đươc một vài ngôi chùa của TP Cần Thơ, đã nhớ một vài tên đường, đã hiểu một vài con người miền Tây ... Tất cả rồi sẽ dần giúp tôi có một sự so sánh đầy đủ và sâu sắc về hai miền Nam Bắc, nơi tôi sinh ra, lớn lên, nơi tôi làm việc, công tác và cống hiến... Theo thời gian, vốn sống sẽ " tăng" lên một chút, tình yêu đất nước sẽ lớn thêm một chút bởi đơn giản đó đều là những mảnh đất quê hương Việt Nam của tôi.  (Trích đoạn trong “NHẬT KÝ KIM YẾN“)

    Cường Hàn
    (Viết bằng tất cả sự thán phục)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bien-tap-vien-kim-yen-vi-doi-dau-cho-ta-may-lan-doi-muoi-a268895.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan