+Aa-
    Zalo

    Cần nghiên cứu kỹ tác động của thuốc lá thế hệ mới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - BS Nguyễn Hải Công - Chủ nhiệm Khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cho biết thuốc lá điện tử cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc và toàn diện, trước khi cho lưu thông.

    Vietnamnet dẫn thông tin từ hội thảo về chủ đề sử dụng thuốc lá có trách nhiệm cho cá nhân và cộng đồng diễn ra tại TP.HCM ngày 18/4 cho biết, kết quả điều tra "Thực trạng sử dụng thuốc lá và công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Hà Nội năm 2022" của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế và Trường Đại học Y tế Công cộng đã chỉ ra tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người dân từ 15 tuổi trở lên là 19,1%, tăng gần 3% so với năm 2019.

    Bộ Y tế cũng ước tính số người hiện đang hút thuốc lá tại Việt Nam khoảng 15,4 triệu người. Vậy làm thế nào để các cá nhân sử dụng thuốc lá có trách nhiệm? Theo bác sĩ Nguyễn Hải Công - Chủ nhiệm Khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), trách nhiệm này bao gồm hai phần: với cộng đồng và với bản thân.

    Với cộng đồng, người sử dụng thuốc lá cần tuân thủ chặt chẽ quy định không hút thuốc tại nơi công cộng, gần trẻ nhỏ hay phụ nữ mang thai, để tránh khói thuốc ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người khác.

    Với bản thân, phương thức lý tưởng nhất là người dùng cố gắng cai nghiện thuốc lá thông qua việc hạn chế, giảm liều lượng sử dụng, bỏ hẳn hút thuốc, không sử dụng thuốc lá trong thời gian dài hoặc cân nhắc giải pháp giảm thiểu tác hại.

    thuoc la the he moi
    Ảnh minh họa.

    Hiện nay, giải pháp được coi là sự thay thế, giảm thiểu tác hại cho những người khó bỏ thuốc lá truyền thống đang ngày càng phổ biến trong cộng đồng phải kể đến thuốc lá thế hệ mới (bao gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử).

    Các nước phát triển như Anh, New Zealand, Mỹ, Canada... cũng đã nhìn nhận về tiềm năng giảm thiểu tác hại của một số thành phần trong thuốc lá thế hệ mới, cho phép lưu hành và có những khuyến cáo người dùng chuyển dần sang các sản phẩm này vì trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.

    Tuy nhiên, Việt Nam chưa chính thức cho phép nhập khẩu và lưu thông các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Trước bối cảnh này, Bộ Công thương cho biết sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 67 về quản lý thuốc lá để trước mắt đưa thuốc lá làm nóng vào quản lý. Bởi đây là sản phẩm có chứa nguyên liệu thuốc lá, phù hợp với định nghĩa của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá hiện hành. Tuy nhiên, hiện còn nhiều ý kiến trái chiều và đề xuất này cần được cân nhắc cẩn trọng và kỹ lưỡng bởi nhiều nguyên nhân.

    Cụ thể, từ góc độ của chuyên gia y tế, hiện nay chưa có báo cáo hay nghiên cứu chính thức nào từ cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam về thuốc lá làm nóng nói riêng, hay thuốc lá thế hệ mới nói chung (như thành phần, các chất sinh ra khi làm nóng để không tạo khói, công nghệ sử dụng…), cũng như chưa có thống kê và đánh giá tác động của thuốc lá thế hệ mới đối với người tiêu dùng và thị trường Việt Nam.

    BS Nguyễn Hải Công cho biết bất kỳ sản phẩm nào có tác động đến sức khỏe, dù là thuốc lá làm nóng hay thuốc lá điện tử đều cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc và toàn diện, trước khi cho lưu thông. Đồng thời, cần nghiên cứu tác động, thí điểm đồng bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới để đảm bảo khi Việt Nam cho phép lưu thông dòng sản phẩm này sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm hợp pháp, chất lượng.

    Để hiện thực hóa điều này, Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ càng về cơ sở khoa học, cơ sở kỹ thuật, cơ sở pháp lý để đảm bảo các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng được quản lý một cách toàn diện, đồng bộ và phù hợp.

    Do đó, BS Nguyễn Hải Công khẳng định cần thêm thời gian để cẩn trọng nghiên cứu kỹ về tác động của thuốc lá thế hệ mới nhằm xây dựng khung pháp lý toàn diện và hợp lý cho sản phẩm này tại Việt Nam.

    Cũng chia sẻ với báo chí quan điểm trước đề xuất về thí điểm thuốc lá thế hệ mới, Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng nếu cho phép thí điểm sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề cũng như nhiều vướng mắc pháp lý.

    Cụ thể, chưa có đủ dữ liệu đánh giá tác động chính sách, đặc biệt là tác hại đến sức khỏe, xã hội, gánh nặng bệnh tật, hệ lụy cho giới trẻ và chi phí, tác động xã hội…

    Bộ Y tế cũng cho rằng, hiện Việt Nam chưa đủ điều kiện bảo đảm cho việc xây dựng và thực hiện chính sách thí điểm thuốc lá mới do thuốc lá mới có chứa nhiều thành phần hoá học, phụ gia và hương liệu có hại cho sức khoẻ mà ngay cả các quốc gia có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến vẫn chưa đủ điều kiện để phân tích, kiểm nghiệm.

    Cũng theo Bộ Y Tế, nếu cho phép thí điểm thuốc lá thế hệ mới, các bộ sẽ phải xây dựng và ban hành hàng loạt cơ chế, quy định cho việc thí điểm bao gồm quản lý kinh doanh, cấp phép, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn sản phẩm, cảnh báo sức khoẻ…, theo Người Đưa Tin Pháp Luật.

    Linh Chi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-nghien-cuu-ky-tac-dong-cua-thuoc-la-the-he-moi-a572709.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Thuốc lá điện tử: Biết độc hại… nhưng vẫn sử dụng

    Thuốc lá điện tử: Biết độc hại… nhưng vẫn sử dụng

    Với nguy cơ gây ung thư cao gấp 15 lần thuốc lá bình thường và muôn vàn hệ lụy đến sức khỏe, thuốc lá điện tử và tác hại của nó được nhắc đến hàng ngày, hàng giờ trên các trang thông tin đại chúng. Nhiều người trẻ biết, nhưng lựa chọn làm ngơ và tiếp tục sử dụng.