+Aa-
    Zalo

    Cảnh báo những “biến chứng nguy hiểm” dịch cúm B ở trẻ vào mùa Đông

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cúm B là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra tấn công hệ hô hấp thông qua mũi, cổ họng và phổi. Khác với cúm A, cúm B chỉ lây từ người sang người, không lây từ động vật.

    Tuy không phổ biến như cúm A nhưng cúm B cũng có khả năng tạo thành nhóm dịch bệnh theo mùa và truyền nhiễm quanh năm để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng với các nhóm đối tượng sức đề kháng yếu, có bệnh lý nền mạn tính như phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người già người bị suy giảm miễn dịch.

    cum b2
    Cảnh báo những biến chứng nguy hiểm dịch sốt cúm B ở trẻ vào mùa Đông.
    Ảnh minh hoạ

    Bác sĩ Ninh Thị Phương Mai - chuyên khoa Nội Nhi Tổng hợp, Bệnh viện E cho biết, cúm B hay còn gọi là cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do virus cúm (Influenza virus) với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Có 4 chủng virus cúm mùa (A, B, C, D) trong đó chủ yếu thường gặp cúm A và cúm B, chủng C và D rất hiếm gặp.

    Các triệu chứng thường gặp của bệnh cúm B khá giống các triệu chứng khi mắc các bệnh lý nhiễm virus đường hô hấp khác, bao gồm:  Sốt, chảy mũi, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi, chán ăn. Trẻ em bị cúm cũng có thể có các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy). 

    “Mặc dù một số triệu chứng cúm có thể tương tự như cảm lạnh và đa số trẻ sẽ bình phục sau 1-2 tuần, tuy nhiên các triệu chứng ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn 2 tuần. Rất khó để có thể phân biệt cúm A và cúm B, khi có các triệu chứng như trên, bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để các bác sĩ khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh” bác sĩ Mai khuyến cáo.

    Bất kỳ ai cũng có thể mắc các chủng virus cúm B. Tỷ lệ cảm nhiễm các chủng virus cúm mới rất cao, có thể lên đến 90% ở người lớn và trẻ em. Một số đối tượng trẻ em có nguy cơ mắc cao hơn và diễn biến nặng hơn khi mắc bệnh. Trong đó, trẻ em dưới 5 tuổi rất dễ mắc, trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, những trẻ có bệnh nền mãn tính như tiểu đường, tim phổi, suy thận hoặc suy gan, suy giảm miễn dịch, những trẻ đã đi học trong môi trường bán trú, trẻ ăn ngủ chung như nhà trẻ, trường tiểu học có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

    Đa số các trường hợp trẻ mắc cúm B đều khỏi hoàn toàn trong vòng 1-2 tuần kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Tuy nhiên, ở một số trẻ có thể xuất hiện biến chứng, do đó khi mắc cúm B trẻ cần được theo dõi cẩn thận và tái khám định kỳ để phát hiện và điều trị các biến chứng kịp thời, tránh di chứng nặng nề. Biến chứng thường gặp nhất khi mắc cúm B ở trẻ em là viêm phổi, đặc biệt, ở các trẻ mắc bệnh mãn tính, hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.

    Ngoài ra, bệnh còn gây ra viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu. Một số trường hợp mắc cúm B có thể tiến triển nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong. Đặc biệt, biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm B là gây nên phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong rất cao. Vì vậy, nếu thấy có các biểu hiện bất thường cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế tin cậy, tốt nhất là cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng đáng tiếc. 

    Tuỳ thuộc vào biểu hiện lâm sàng của trẻ mà các bác sĩ sẽ chỉ định những biện pháp điều trị và chăm sóc phù hợp. Đa số trẻ có thể được theo dõi và điều trị tại nhà khi mắc cúm B.

    cum b11
    Một số lưu ý khi điều trị cúm B ở trẻ. Ảnh minh hoạ

    Một số lưu ý khi điều trị và chăm sóc tại nhà với các trẻ bị cúm nhẹ (chủ yếu điều trị triệu chứng) cần cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà với môi trường sạch sẽ, thoáng mát thông gió, dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ có sốt trên 38,5 độ C, các thuốc có thể sử dụng như paracetamol liều từ 10 -15 mg/kg/lần khoảng cách dùng cách 4-6h, nếu sốt ≥ 38,5 độ C (không dùng với các trẻ có các bệnh gan), hoặc ibuprofen liều 6-8 mg/kg/lần khoảng cách dùng cách 6-8h (không dùng với trẻ có giảm tiểu cầu hoặc nghi ngờ có sốt xuất huyết), cho trẻ ăn, thức ăn mềm, lỏng, uống nhiều nước ấm, có thể bổ sung các loại nước hoa quả, nước dừa, nước cam chanh, giúp làm loãng đờm và tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Hạn chế các loại nước ngọt có ga, cà phê, sữa, do làm đặc đờm, khiến trẻ ho nhiều hơn.

    Trong quá trình theo dõi và chăm sóc trẻ tại nhà, bố mẹ cần chú ý để phát hiện các dấu hiệu nặng để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế khi thấy trẻ sốt cao ≥ 39,5 độ C dùng thuốc hạ sốt và các phương pháp vật lý hạ nhiệt (phòng thoáng mát 26-29 độ, chườm nước ấm tích cực) nhưng không hạ sốt hoặc trẻ sốt cao ≥ 38,5 độ C quá 3 ngày không có xu hướng thuyên giảm, trẻ thở nhanh, thở bất thường: thở rít, khò khè, khó thở, rút lõm lồng ngực, co kéo cơ hô hấp, nổi vân tím, lạnh chi (khi không sốt cao), trẻ bỏ ăn, bỏ uống có biểu hiện mất nước, môi khô, mắt trũng, niêm mạc miệng/lưỡi khô, uống háo hức, hoặc đi tiểu ít (theo dõi thấy bỉm/tã ít ướt hơn bình thường), thay đổi ý thức trẻ không chịu chơi, quấy khóc, li bì, co giật,…Trẻ lớn hay kêu đau bụng, tức ngực, nôn nhiều.

    Nếu trẻ có ho, có thể dùng các thuốc ho thảo dược, hỗ trợ thông thoáng đường thở bằng nhỏ hoặc xịt nước muối sinh lý dạng phun sương, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, đặc biệt là người già, trẻ em và những người có sức đề kháng kém, không đi lại những nơi tụ tập đông người.

    Nguyễn Phương Anh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-bao-nhung-bien-chung-nguy-hiem-dich-cum-b-o-tre-vao-mua-dong-a556966.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan