+Aa-
    Zalo

    Cảnh giác với “đòn tâm lý” của kẻ giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ Đài Loan, Nguyễn Văn Phi đã chỉ đạo đàn em ở nhà giả danh công an thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

    Sau khi nhập cư trái phép sang Đài Loan (Trung Quốc), Nguyễn Văn Phi chỉ đạo đàn em ở nhà thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Nhóm này đã giả danh cán bộ của bộ Công an để lừa các nạn nhân. Chúng nói họ liên quan đến đường mua bán người và rửa tiền, muốn chứng minh mình vô tội thì phải nộp toàn bộ số tiền đang có. Vì quá sợ hãi, các nạn nhân đã nộp hàng tỷ đồng cho bọn chúng.

    Kẻ cầm đầu đường dây

    Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An vừa tiếp nhận đối tượng Nguyễn Văn Phi (29 tuổi), trú tại xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang từ cơ quan chức năng huyện Lục Nam. Phi đã bị cơ quan chức năng khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và ra quyết định truy nã.

    Đối tượng Nguyễn Văn Phi tại cơ quan điều tra.

    Theo tài liệu điều tra, Nguyễn Văn Phi là đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của 5 bị hại. Trước đó, Nguyễn Văn Phi đã nhập cư trái phép vào Đài Loan (Trung Quốc). Tuy ở xa nhưng qua mạng xã hội và điện thoại, Phi vẫn chỉ đạo Phạm Đình Luận (26 tuổi, trú tại xã Hương Mỹ, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh thực hiện hành vi lừa đảo. Luận móc nối Nguyễn Hữu Thu (28 tuổi) và Phạm Đình Phi (20 tuổi), trú cùng xã với Luận đóng nhiều vai để dụ nạn nhân nộp tiền.

    Cụ thể, vào đầu tháng 8/2017, Phi nhờ Luận tìm người mở tài khoản ở các ngân hàng và thẻ ATM, hứa trả tiền mỗi thẻ 3 triệu đồng. Luận tìm được Thu, Phạm Đình Phi, nhờ đến các ngân hàng, mở tổng cộng 15 tài khoản ngân hàng, lấy 15 thẻ ATM. Có thẻ, Phạm Đình Luận nhờ người gửi sang Đài Loan cho Nguyễn Văn Phi. Luận còn bàn với Thu, Phạm Đình Phi làm CMND giả và tiếp tục lập thẻ ngân hàng rồi bán lại cho Nguyễn Văn Phi.

    Sau đó, từ Đài Loan, Nguyễn Văn Phi gọi điện thống nhất với Luận, Đình Phi, Thu khi có tiền của người bị hại chuyển vào các tài khoản thì sẽ đi rút tiền mặt. Nguyễn Văn Phi hứa sẽ cho Luận, Thu, Phạm Đình Phi 20% tổng số tiền chiếm đoạt được. Chiêu thức được các đối tượng áp dụng là giả danh nhân viên viễn thông, thông báo nợ tiền cước. Các nạn nhân dù ra sức thanh minh, đều bị các đối tượng này thông báo sẽ chuyển vụ việc sang cơ quan công an để điều tra.

    Ngay sau đó, điện thoại của bị hại nhận được các cuộc gọi có số đuôi 113. Người này nhận mình là cán bộ công an thông báo cho các bị hại biết họ đang liên quan đến hành vi rửa tiền, buôn ma túy, mua bán trẻ em. Số tiền trong tài khoản của họ bị nghi ngờ liên quan đến những vụ án này. Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải bí mật chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra. Các nạn nhân vì sợ hãi đã chuyển tiền cho chúng và nhận được “cam kết” sau khi kết thúc điều tra sẽ hoàn trả tiền.

    Mất hàng tỷ đồng vì lời dọa dẫm

    Vì quá sợ hãi, 5 nạn nhân đã làm theo hướng dẫn của các đối tượng. Sau khi chuyển số tiền lớn nhưng không thể liên lạc được với “cán bộ bộ Công an”, bị hại mới biết mình bị lừa và làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng.

    Sau mỗi giao dịch, các đối tượng được hưởng 20% hoa hồng, khoản tiền còn lại rơi vào túi Nguyễn Văn Phi. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng đã 5 lần thực hiện hành vi chiếm đoạt của các bị hại ở nhiều tỉnh khác nhau. Tổng số tiền mà các đối tượng thu lợi bất chính khoảng 3,3 tỷ đồng. Trong đó, chiếm đoạt của ông Nguyễn Tiến D. 218 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Đ. (Nghệ An) 200 triệu đồng, chị Hoàng Thị Phong L. (Nghệ An) 169 triệu đồng, chị Phan Khánh C. (Nghệ An) 256 triệu đồng và của bà Bùi Thị Hồng T. (Khánh Hòa) hơn 2,4 tỷ đồng.

    Qua thời gian dài điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ Thu, Luận và Đình Phi. Thời điểm này, do Nguyễn Văn Phi không có mặt tại địa phương nên Công an Nghệ An ra quyết định khởi tố và truy nã đối tượng.

    Thời gian gần đây, Nguyễn Văn Phi quay về Việt Nam và được lực lượng chức năng vận động ra đầu thú. Thời gian qua, Công an Nghệ An đã tập trung tuyên truyền về thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên trang fanpage CSHS Công an Nghệ An. Tuy nhiên, nhiều người dân thiếu cảnh giác vẫn trở thành nạn nhân của bọn tội phạm này.

    Thủ đoạn tinh vi Các đối tượng sử dụng giao thức truyền giọng nói qua Internet (VoIP), hiển thị số điện thoại ảo có đầu số trùng với đầu số 113 của công an khiến các nạn nhân nhầm tưởng và thực hiện theo các yêu cầu chuyển tiền của chúng. Chúng đã yêu cầu các nạn nhân không được tiết lộ thông tin với bất kỳ ai vì vụ án đang trong quá trình điều tra. Trong vụ án có nạn nhân đã nộp cho các đối tượng số tiền 2,4 tỷ đồng.

    Hà Hằng

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (16)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-giac-voi-don-tam-ly-cua-ke-gia-danh-cong-an-lua-dao-chiem-doat-tien-ty-a320995.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan