+Aa-
    Zalo

    Cha mẹ nào cũng dễ mắc phải sai lầm cực nguy hiểm này khi nuôi con

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều phụ huynh nghĩ rằng vì con mình còn nhỏ, nên cho ăn nhiều để mau lớn. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng nhận định, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm.

    Nhiều phụ huynh nghĩ rằng vì con mình còn nhỏ, nên cho ăn nhiều để mau lớn. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng nhận định, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm.

    Báo động vấn đề thừa năng lượng, thiếu vi chất ở trẻ

    Áp dụng chế độ ăn với nhiều chất dinh dưỡng không hợp lý cho trẻ nhỏ là vấn đề không còn mới nhưng vẫn đáng báo động ở nhiều gia đình. Với quan điểm mọi thực phẩm bổ dưỡng, đều có lợi cho sức khỏe của con, nhiều bậc phụ huynh đang đẩy con mình vào nguy cơ mắc bệnh từ khi còn rất nhỏ hoặc tiềm ẩn những căn bệnh ở tuổi trưởng thành.

    Chia sẻ với PV tạp chí Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL), PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho rằng, vẫn có những trường hợp trẻ thừa năng lượng song thực chất lại thiếu các vi chất cần thiết do chế độ ăn uống không khoa học.

    “Theo tôi, những trường hợp này là do việc bổ sung dinh dưỡng không hợp lý. Cụ thể, việc cho trẻ hấp thụ quá nhiều chất đạm hay chất béo như thịt, cá, trứng sữa là một việc làm rất nguy hiểm. Hoặc, cũng có những trẻ dù thừa cân song lại thiếu vitamin C, thiếu máu, thiếu chất như kẽm hoặc canxi trong khẩu phần ăn”, bà Lâm nhận định.

    Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm còn cho rằng, việc nạp những chất dinh dưỡng không hợp lý một cách “vô tội vạ” cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh. “Trẻ ăn quá nhiều các món ăn có đường như bánh kẹo, nước ngọt hay đồ dầu mỡ, chiên rán là không tốt cho cơ thể của các bé. Đặc biệt, ngoài đồ ngọt, việc ăn quá nhiều cơm cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh béo phì”, nguyên Viện phó viện Dinh dưỡng quốc gia nói.

    PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia.

    Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Liên - nguyên Trưởng khoa Nhi bệnh viện Xanh Pôn- nói rằng, việc hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng không đúng cách, ngoài béo phì còn có thể gây ra tiểu đường, mỡ máu,... “Béo phì là bệnh dễ mắc nhất ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên cũng có những bệnh theo trẻ đến tuổi trưởng thành mới bộc phát, điều này rất nguy hiểm nên việc cung cấp các chất dinh dưỡng khoa học cho trẻ nhỏ là việc các phụ huynh cần phải lưu ý”, BS. Liên cho hay.

    Chia sẻ thêm với PV, BS. Liên cho rằng trẻ cần được nạp đầy đủ 4 nhóm chất: Chất đạm, chất bột đường, chất béo và các vitamin, khoáng chất cần thiết. Không nên nạp quá nhiều hay quá ít mà cần ăn đúng, ăn đủ để đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh.

    Chơi điện tử, ít vận động gây béo phì

    Bên cạnh chế độ ăn uống không hợp lý, nới lỏng con của nhiều bố mẹ, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cũng phân tích, lối sống ít vận động là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ bị béo phì.

    Đặc biệt, tình trạng trẻ béo phì gia tăng trước độ tuổi vị thành niên do trẻ em ngày nay thường dùng các thiết bị điện tử nhiều hơn việc tập thể dục thể thao.

    PGS.TS Nguyễn Lâm khuyến cáo, các bà mẹ nên tập trung vào việc để ý đến chế độ ăn uống của con, không nên để con mình thừa hay thiếu chất nào trong suốt quá trình phát triển. “Các bậc cha mẹ nên khuyến khích con mình dành thời gian để vận động, tập luyện thể dục thể thao. Ngay cả làm việc nhà hay đạp xe đạp đến trường cũng là một hình thức giải phóng các năng lượng thừa trong cơ thể con trẻ”, bà Lâm nói.

    Trước ý kiến cho rằng nhiều bà mẹ trẻ chạy theo tâm lý đám đông, tin tưởng vào các thực phẩm dinh dưỡng trên mạng rồi tìm mua về cho con dùng, bà Lâm cho rằng việc này là không nên.

    “Theo tôi, không nên nghe theo lời khuyên của những người không có chuyên môn về dinh dưỡng cho trẻ. Bên cạnh đó, việc làm này cũng dễ gây ra các bệnh lý khác cho trẻ nhỏ vì mỗi bé đều sẽ cần hấp thụ chất dinh dưỡng hoặc ăn theo một thực đơn khác nhau”, bà Lâm nói.

    Cuối cùng, vị chuyên gia dinh dưỡng đưa ra lời khuyến cáo chung cho các bậc cha mẹ: Nên đến trung tâm dinh dưỡng. Những thông tin tư vấn của bác sĩ sẽ giúp các bà mẹ thực hành nuôi con được tốt hơn, từ đó có những thực đơn cụ thể đối với từng cháu để nuôi dưỡng con thật khoa học và khỏe mạnh.

    “Đặc biệt, đối với những bà mẹ có con đang trong tình trạng thừa cân, béo phì hay có chế độ ăn uống không hợp lý, cả mẹ và bé cần được tư vấn dinh dưỡng”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nói. 

    Cảnh báo tình trạng trẻ thừa cân, nhưng vẫn suy dinh dưỡng

    Thông tin trên cổng Thông tin điện tử của bộ Y tế cho hay, điều tra năm 2017 - 2018 tại 75 trường tiểu học, THCS và THPT thuộc 25 xã/phường của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An và Sóc Trăng cho thấy có sự tồn tại đồng thời cả hai thái cực về suy dinh dưỡng là thiếu cân và thừa cân béo phì ở trẻ em. Theo đó, học sinh tiểu học ở thành phố có tỉ lệ thừa cân béo phì rất cao: 41,9% và nông thôn là 17,8%, tỉ lệ thấp còi tương ứng là 3,9% và 10,7%. Học sinh THCS thì thừa cân béo phì là 30,5% ở thành thị và ở nông thôn là 11,2%; tỉ lệ thấp còi lên tới 20,1% ở nông thôn và 3,8% ở thành thị. Học sinh THPT thì tỉ lệ thừa cân béo phì thấp hơn so với học sinh tiểu học và THCS, nhưng ở thành thị cũng cao hơn vùng nông thôn, lần lượt là 13,5% và 6,2%, tỉ lệ thấp còi ở học sinh THPT nông thôn vẫn cao 14,9% và 8,6% là học sinh thành thị.

    Nguyên nhân của thừa cân béo phì ở trẻ em học đường là do chế độ ăn quá dư thừa, ăn quá nhiều so với nhu cầu và thói quen ít hoạt động thể lực.

    Lê Trà

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ Hai (179)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cha-me-nao-cung-de-mac-phai-sai-lam-cuc-nguy-hiem-nay-khi-nuoi-con-a345628.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan