+Aa-
    Zalo

    Chuyên gia chỉ ra 3 biện pháp giải quyết triệt để nợ xấu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – “Cần bơm “tiền tươi” cho VAMC. Vì hiện tại, vốn của VAMC chỉ có 500 tỷ đồng mà hiện tại tài sản lên tới 50.000 tỷ đồng, tỷ lệ là 100/1".

    (ĐSPL) – “Cần bơm “tiền tươi” cho VAMC. Vì hiện tại, vốn của VAMC chỉ có 500 tỷ đồng mà hiện tại tài sản lên tới 50.000 tỷ đồng, tỷ lệ là 100/1. Một công ty tài chính có đòn bẩy cao như thế thì rất là rủi ro. Thành ra, VAMC cần được bơm một dòng tiền rất lớn”, chuyên gia cho biết.

    Vừa qua, một loạt báo cáo tài chính của các ngân hàng mới công bố càng cho thấy một gam màu khá u ám của hệ thống ngân hàng, khi nợ xấu, đặc biệt nợ có nguy cơ mất vốn tăng rất mạnh trong 6 tháng đầu năm.

    Chẳng hạn, theo công bố mới đây của ngân hàng Vietcombank nợ xấu của ngân hàng này đã chiếm 3,09\% trên tổng dư nợ. Trong đó, riêng nợ có khả năng mất vốn tăng 70,7\% so với hồi cuối năm 2013.

    Còn trong công bố báo cáo tài chính của Sacombank, tỷ lệ nợ xấu tính đến 30/6 là 1,51\% trên tổng dư nợ. Mặc dù, con số này vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng so với cuối năm 2013 đã tăng 1,48\%. Đáng lưu ý, trong khi nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 giảm thì nợ xấu nhóm 5 (nhóm có nguy cơ mất vốn) tăng 316 tỉ VND so năm 2013.

    Chuyên gia chỉ ra 3 biện pháp giải quyết triệt để nợ xấu

    Nợ xấu, đặc biệt nợ có nguy cơ mất vốn tăng rất mạnh trong 6 tháng đầu năm.

    Đánh giá về tình trạng gia tăng tỷ lệ nợ xấu đặc biệt trong 6 tháng đầu năm, một chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành Tài chính – Ngân hàng cho rằng: “Hiện tại, nợ xấu có khuynh hướng gia tăng, không những nợ tồn đọng không được giải quyết một cách ráo riết mà trong thời gian gần đây, số nợ xấu mới phát sinh tiếp tục gia tăng.

    Tỷ lệ nợ xấu gia tăng là điều rất đáng lo ngại. Hiện tại, tỷ lệ nợ xấu là hơn 4\% cũng chưa phải là con số chính xác. Nhưng nhìn vào con số này chúng ta thấy nó có khuynh hướng tăng.

    Ở đây không những ở tỷ lệ tăng, con số tuyệt đối tăng mà lo ngại ở chỗ chúng ta không giải quyết được. Hơn nữa, nợ xấu có tác động rất lớn đến vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Vì nợ không thu hồi được trở thành nợ mất vốn, nó sẽ ăn vào vốn tự có tạo sự nguy hiểm cho ngân hàng và toàn hệ thống”.

    Nguyên nhân của tình trạng này được chuyên gia chỉ ra: “Nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn trì trệ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đang gặp những khó khăn bởi vậy họ trì hoãn việc trả nợ và mất khả năng thanh toán”.

    Trước ý kiến cho rằng, do thị trường bất động sản sụt giảm và đóng băng trong một thời gian dài ảnh hưởng đến tài sản đảm bảo, vị chuyên gia này cho biết: “Đó là một nhận định rất chính xác. Thị trường bất động sản đóng băng đưa ra 2 vấn đề lớn. Thứ nhất, rất nhiều dự án đình trệ do chủ đầu tư hết vốn. Trong khi đó, vốn vay của các ngân hàng trước đây chủ đầu tư không trả nổi cả gốc và lãi. Từ đó nó sẽ nhanh chóng trở thành nợ xấu.

    Thứ hai, nó ảnh hưởng đến tài sản bảo đảm. Trước kia, nhiều món nợ được bảo đảm bằng thế chấp bất động sản với một giá trị rất lớn. Tuy nhiên, tới thời điểm tài sản bảo đảm giá trị xuống rất thấp, nhiều khi chỉ bằng nột nửa lúc đầu. Rõ ràng tỷ lệ an toàn xuống rất thấp, dư nợ còn cao hơn giá trị tài sản thế chấp và phần cao hơn là rủi ro mất vốn của các ngân hàng”.

    Vấn đề giải quyết nợ xấu được vị chuyên gia chỉ ra: “Hiện tại, chúng ta có VAMC đứng ra xử lý nợ xấu. Cho đến hiện tại, VAMC mua được hơn 50.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, VAMC không phải là công cụ để giải quyết nợ mà nó chỉ là công cụ để xử lý tạm thời.

    Khi VAMC ra đời, có lẽ rất nhiều người kỳ vọng nó sẽ trở thành công cụ để giải quyết nợ xấu. Thế nhưng, tại thời điểm đó, tôi đã nhận ra rằng VAMC được xây dựng nên với một mô hình không cần ngân quỹ quốc gia mà nó chỉ đem món nợ ra khỏi "cơ thể" ngân hàng rồi tìm một bãi đậu khác. Do đó, cách đây 1 năm tôi đã nhìn thấy VAMC chỉ là công cụ để xử lý nợ xấu một cách tạm thời, mà tự bản thân của nó không thể giải quyết được”.

    Giải thích nhận định này, vị chuyên gia cho biết: “Vì muốn giải quyết nợ xấu phải có vốn, phải “mua đứt bán đoạn”. Tức là mua nợ xấu của các ngân hàng rồi trả cho họ một số tiền để ngân hàng kinh doanh và quên phần nợ xấu đó đi.

    Còn ở đây, VAMC mua nợ xấu và trả cho ngân hàng bằng “1 tờ giấy nợ”. Vì thế, đây chỉ là một cách giải quyết tạm thời. Do đó, nợ xấu cách đây 1 năm chưa được giải quyết triệt để so với thời điểm này.

    Dĩ nhiên, nợ xấu của các ngân hàng họ vẫn đang tiếp tục xử lý bằng nhiều cách như: Trích lập dự phòng rủi ro, tìm cách thu hồi nợ theo khả năng... Nhưng khả năng của các ngân hãng xử lý nợ xấu còn rất hạn chế. Thành ra nợ tồn đọng đã nhiều trong khi nền kinh tế vẫn đang trì trệ lại phát sinh nợ mới. Vì thế, tình trạng nợ xấu tăng lên có lẽ cũng không đáng ngạc nhiên”.

    Theo đó, vị chuyên gia này đưa 3 biện pháp để giải quyết triệt để nợ xấu: “Thứ nhất, Thông tư 02 phải được áp dụng một cách triệt để. Ngân hàng Nhà nước cần tiến hành triệt để Thông tư 02, những qui định trì hoãn cần được thực hiện sớm hơn.

    Hiện tại, mình gia hạn một số quy định trong Thông tư 02 cho đến cuối năm nay, nhưng thực chất những gia hạn này không giúp gì cho xử lý nợ xấu cả.

    Cách đây 1 năm, khi được hỏi về việc có nên hoãn lại một số quy định trong Thông tư 02, tôi đã thẳng thắn trả lời không nên. Vì cho đến thời điểm hiện tại, tình trạng nợ xấu vẫn không giải quyết được, tình trạng của các doạn nghiệp cũng không khá hơn. Thành ra việc trì hoãn một năm là không đúng.

    Thứ hai, cần bơm “tiền tươi” cho VAMC. Vì hiện tại, vốn của VAMC chỉ có 500 tỷ đồng mà tài sản lên tới 50.000 tỷ đồng, tỷ lệ là 100/1. Một công ty tài chính có đòn bẩy cao như thế thì rất là rủi ro. Thành ra, VAMC cần được bơm một dòng tiền rất lớn.

    Theo đó, Ngân hàng nhà nước cũng như Chính phủ cần phải tăng vốn điều lệ của VAMC lên để có một tỷ lệ đòn bẩy hợp lý giúp họ có thể vay của các tổ chức Quốc tế khác, rồi dùng tiền đó mua lại nợ xấu đúng theo giá thị trường chứ không phải giá trị sổ sách như lúc này. Mà mua là “mua đứt bán đoạn”, chứ không phải “mua có điều kiện”, mua rồi trả lại như hiện nay.

    Điểm quan trọng hơn tất cả là các ngân hàng phải quan tâm rất nhiều đến vấn đề tuân thủ các quy định Luật tổ chức tín dụng cũng như các quy định thông thường, thông lệ quốc tế trong vấn đề cho vay.

    Vì hiện tại, vẫn còn có các ngân hàng không có các kỷ luật về tài chính để cho vay một cách an toàn. Rất nhiều ngân hàng tiếp tục cho vay những công ty liên quan của mình, cho vay những dự án của các cổ đông lớn… để lại những hậu quả rất lớn”.


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-chi-ra-3-bien-phap-giai-quyet-triet-de-no-xau-a50588.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan