+Aa-
    Zalo

    Chuyện tình vị tướng lấy chiến công làm lễ đính hôn người con gái Việt Bắc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đến thăm gia đình Thiếu tướng Nguyễn Diệp, nguyên Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc, khi những cơn gió lạnh đầu đông đã bắt đầu len lỏi qua từng con phố.

    (ĐSPL) - Đến thăm gia đình Thiếu tướng Nguyễn Diệp, nguyên Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc, khi những cơn gió lạnh đầu đông đã bắt đầu len lỏi qua từng con phố. Chứng kiến cảnh ông bà chuẩn bị cho nhau từng cái khăn, chiếc mũ trước khi ra đường, chúng tôi không khỏi ngưỡng mộ. Ở tuổi xấp xỉ 90, Thiếu tướng Nguyễn Diệp và người vợ hiền thảo Nguyễn Sỹ Nga vẫn dành cho nhau những cử chỉ ân cần, âu yếm và ánh mắt sáng ngời tin yêu...

    Tỏ tình kiểu lính thông tin

    Xuất thân trong một gia đình nền nếp, gia phong, ngay từ nhỏ, cô nữ sinh Đồng Khánh Nguyễn Sỹ Nga đã được thừa hưởng những nét lịch lãm, ý tứ, kín đáo của cha mẹ nên được nhiều người để ý. Mỗi lần nhận được thư tỏ tình, Nga đều thẳng thắn từ chối vì tuổi còn trẻ và muốn theo đuổi lý tưởng cách mạng. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Nga lên chiến khu Việt Bắc. Chính tại nơi núi rừng đại ngàn này, Nga không thể ngờ mình đã gặp người đàn ông định mệnh của cuộc đời.

    Lớp báo vụ viên Nga học do những đàn anh khóa trước giảng dạy, trong đó có Nguyễn Diệp. Vừa là thầy giáo, vừa là đồng chí, người thanh niên sở hữu gương mặt thư sinh, hiền lành Nguyễn Diệp khiến không ít học viên nữ nhỏ to bàn tán, chỉ riêng Nga với bản tính vô tư, hồn nhiên, chẳng hề bận tâm tới bất cứ điều gì ngoài công việc. Cho tới cuộc họp mừng công sau chiến thắng năm 1947, không biết do vô tình hay hữu ý, Nga được chỉ định lên trao giấy khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký tặng cho đồng chí Nguyễn Diệp, vì có thành tích bảo vệ xưởng sản xuất và sửa chữa vô tuyến điện CRL an toàn trong đợt địch tấn công căn cứ địa. Lúc đó, cả người trao và người nhận đều bối rối. Sau lễ mừng công, tuy trong thâm tâm có chút xốn xang nhưng Nguyễn Diệp chưa dám thổ lộ ngay. Anh nghĩ, một cô gái Hà thành xinh đẹp, giỏi giang như Nga chắc gì đã để ý tới mình, một anh chàng "nông dân ngoại thành chính cống”, nên đành chốt chặt tình cảm trong lòng.

    uy vậy đến tháng 7/1948, anh nghĩ ra một cách có thể thăm dò thái độ của Nga bằng việc viết vào một cuốn sổ nhỏ những tình cảm, suy nghĩ của mình, quan niệm về tình yêu, hôn nhân, gia đình, lý tưởng sống... Hằng ngày, sau buổi làm việc, Nguyễn Diệp đều viết vài trang, đến cuối tháng, anh nhờ cô bạn gái tên Mai cùng lớp chuyển cuốn sổ tới Nga, mong cô hiểu thấu nỗi lòng.

    Thiếu tướng Nguyễn Diệp tâm sự: “Tôi không ngờ hồi đó mới 19 tuổi mà mình đã có những suy nghĩ chín chắn đến vậy, đã nêu kế hoạch tìm hiểu thích hợp với hoàn cảnh lúc đó. Đưa cuốn sổ đi, tôi hồi hộp chờ đợi, chỉ sợ nhận được câu trả lời: Tôi còn ít tuổi lại xa gia đình nên chưa nghĩ đến chuyện yêu đương”. Và khi nỗi bồn chồn, nóng ruột sắp chuyển sang nỗi thất vọng thì anh nhận được một lá thư nhỏ với vài dòng ngắn gọn: “Anh Diệp. Đáng lẽ phải trả lời anh như Nga đã trả lời những anh khác một là “có”, hai là "không”, nghĩa là dứt khoát. Nhưng về chữ “có” với Nga không phải trong chốc lát. Quan niệm về tình yêu đối với Nga là phải hiểu nhau, phải hợp nhau. Biết đâu trong thời gian trao đổi ý kiến có những điểm anh không thể yêu Nga cũng như Nga không thể yêu anh. Vậy thời gian sẽ trả lời dứt khoát” (ngày 6/8/1948).


    Không thể diễn tả nỗi vui mừng của Nguyễn Diệp. Giai đoạn đầu của “kế hoạch ba giai đoạn” anh đề xuất trong cuốn sổ đã được Nguyễn Sỹ Nga đồng ý. Hai người chính thức bước vào giai đoạn tìm hiểu. “Từ lúc đó, để tiện giữ bí mật, chúng tôi không viết thư mà dùng luôn cuốn sổ của anh Diệp. Hai người cứ viết suy nghĩ của mình vào đó rồi nhờ chị Mai chuyển đi chuyển lại. Sau này, chúng tôi vẫn gọi đùa chị ấy là bà mối kiêm giao liên đặc biệt”-bà Nga tâm sự.

    Niềm hạnh phúc, hy vọng rực cháy trong lòng chàng thanh niên trẻ Nguyễn Diệp khi anh nhận được hồi âm của Nga với những lời lẽ tin tưởng, yêu thương: “Thân mến gửi anh Diệp! Tất cả tấm lòng thành thật của em, một thiếu nữ chưa biết yêu, chưa tìm hiểu yêu đã dám yêu và đã yêu vì em tin tưởng ở anh, một thanh niên cách mạng, một hướng đạo sinh, bao giờ cũng chẳng thật thà, thẳng thắn từ lời nói, tư tưởng, việc làm để đảm bảo cho một tình yêu chân chính, vững bền” (ngày 12/8/1948).

    Và khi tình yêu chín muồi, đúng ngày 2/9/1948, trong buổi mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc khánh, Nguyễn Diệp và cô nữ sinh Hà thành xinh đẹp báo cáo đoàn thể và cấp trên.

    Đám cưới nơi rừng thiêng

    Nhờ động lực của tình yêu trong sáng, Nguyễn Diệp và Nguyễn Sỹ Nga luôn tích cực công tác, đạt nhiều thành tích và hứa với nhau chờ ngày kháng chiến thắng lợi sẽ báo cáo với hai gia đình để tổ chức hôn lễ. Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra đúng như dự định. Chiến dịch Biên Giới bùng nổ, Nguyễn Diệp được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ xây dựng Đội vô tuyến điện cơ động 101 để bảo đảm liên lạc với các đơn vị tham gia chiến dịch.

    Thiếu tướng Nguyễn Diệp kể: “Tâm trạng tôi lúc đó vừa mừng, vừa buồn, lo. Mừng vì được đi tham gia một chiến dịch lớn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Cục trưởng Hoàng Đạo Thúy, người anh, người thầy đã giáo dục, động viên tôi tham gia bộ đội thông tin. Lo là vì mấy năm nay, tôi đang làm công tác bảo đảm kỹ thuật, giờ chuyển sang làm chỉ huy, quản lý, không biết có hoàn thành yêu cầu không. Còn buồn vì từ nay phải xa anh em ở xưởng CRL và nhất là tạm biệt người yêu”.

    Thế nhưng, nhiệt tình của một đảng viên trẻ và ý thức chấp hành mệnh lệnh vẫn là động lực thôi thúc Nguyễn Diệp lên đường. Nơi chiến trường, nỗi nhớ thương người con gái nơi chiến khu Việt Bắc luôn hiển hiện, càng thôi thúc anh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với đơn vị, anh đã lập công xuất sắc và được tặng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba. Bất ngờ tháng 2/1951, ở cơ quan Cục Thông tin liên lạc có một cặp đề nghị cơ quan tổ chức đám cưới, nên theo lời khuyên của Cục trưởng Hoàng Đạo Thúy: “Kháng chiến nhất định thắng lợi nhưng chưa rõ năm nào”, cặp đôi Diệp-Nga cũng tổ chức luôn.

    Một đám cưới giản dị nhưng vô cùng ấm áp và gần gũi đã diễn ra nơi chiến khu Việt Bắc. Chú rể Nguyễn Diệp trong bộ quân phục giản dị, còn cô dâu Sỹ Nga với tấm áo màu gỗ hồng hạnh phúc bên đồng đội. “Tôi còn nhớ lúc đó Nga sửa một áo dài mang từ Hà Nội thành áo ngắn cô dâu. Còn tôi được anh em góp tiền mua hai bút máy làm quà tặng thay cho nhẫn cưới. Và một điều đặc biệt là ngày ghi trong giấy đăng ký là ngày 14/2/1951, mà sau này chúng tôi mới biết đó là ngày Lễ Tình nhân. Có lẽ cũng là điềm lành báo trước một tình yêu vĩnh cửu”-Thiếu tướng Nguyễn Diệp xúc động nói khi nhớ lại thời khắc trọng đại ấy.

    Còn bà cười hồn hậu: “Hai ngày sau đám cưới, ông ấy đã lên đường đi chiến dịch. Tôi ở lại chiến khu tiếp tục công tác. Mãi đến trước khi đi Chiến dịch Quang Trung (khoảng tháng 5/1951) vợ chồng tôi mới thật sự có được thời gian quý giá bên nhau”. Lần lượt 4 người con chào đời đều trong những năm tháng chiến tranh khi ông mải miết cùng đồng đội đi hết các chiến trường từ Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ đến Trị Thiên-Huế, B5, B2..., một mình bà tự xoay xở.

    Tuy vậy, cũng là một người lính, bà rất hiểu nỗi vất vả của ông nên không kêu ca, phàn nàn. Với cả hai ông bà, mối tình đầu cũng là mối tình duy nhất nên tình cảm và sự tin tưởng họ gửi gắm cho nhau hoàn toàn trọn vẹn. Đến nay hơn 60 mùa xuân cùng nhau vượt qua biết bao thăng trầm, nhìn thấy con cái đều trưởng thành, Thiếu tướng Nguyễn Diệp mỉm cười: “Hạnh phúc thật giản đơn khi mỗi sớm thức dậy, chúng tôi được nhìn thấy nhau, cùng nhau tham gia những hoạt động đoàn thể hay ngao du đó đây”.

    NGUYỄN HÀ 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-tinh-vi-tuong-lay-chien-cong-lam-le-dinh-hon-nguoi-con-gai-viet-bac-a170774.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.