+Aa-
    Zalo

    Chuyện vị lương y giành giật với tử thần để cứu vợ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bằng lòng quyết tâm và một tình yêu không thể xa lìa vợ, ông Mã Văn Hùng, người dân tộc Nùng đã tìm ra phương thuốc chữa khỏi bệnh gan ở giai đoạn cuối của vợ…

    (ĐSPL) - Bằng lòng quyết tâm và một tình yêu không thể lìa xa người vợ một đời chung gối, ông Mã Văn Hùng, người dân tộc Nùng (ngụ xã Bom Bo, Huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đã tìm ra phương thuốc chữa khỏi bệnh gan ở giai đoạn cuối của vợ…

    Người hùng giản dị

    Ở thôn 5, xã Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) có một người nắm giữ các phương thuốc bí truyền chữa khỏi hàng trăm chứng bệnh từ gan, thận, xương… cho đến nọc độc của các loài thú nguy hiểm nơi rừng già. Không chỉ người dân trong khu vực mà cả những người dân ở khắp nơi đều tìm đến, nhờ ông chữa trị. Người dân nơi đây hay gọi ông với cái tên gần gũi, giản dị: lương y Hùng.

    Ông Hùng sinh ra trong một gia đình họ Mã thuộc dân tộc Nùng, có đông anh em. Với vai trò là người con trai trưởng trong nhà nên gánh nặng phụ giúp kinh tế cho cha mẹ, làm gương cho các em luôn đè nặng lên đôi vai của ông. So với các bạn cùng trang lứa, ông không được học hành chữ nghĩa nhiều, nhưng may mắn ông được cha mẹ truyền dạy cho rất nhiều bài học quý báu trong đời. Vì cuộc sống khó khăn nên bậc sinh thành buộc phải đưa cả gia đình rời vùng núi Lâm Đồng xuống Bom Bo để sinh sống.

    “Cả gia đình tôi đi bộ, băng rừng lội suối, gặp nhiều hiểm nguy, nhưng chính điều đó đã rèn cho anh em tôi sự bền bỉ, không sợ khổ ải.Chân đi tới đâu, cha tôi cũng chỉ rõ từng cây thuốc, giải thích tường tận cho tôi công dụng của chúng. Cũng là con trai trưởng nên tôi được cha mẹ truyền dạy các bài thuốc quý “bí truyền” của dân tộc mình”.

    Vốn có biệt tài “nhìn” thuốc, cậu bé Hùng ngày đó nhanh chóng học hỏi được tên cây, công dụng và nhận dạng được một số thảo dược hiếm một cách dễ dàng. Về sau, khi lớn lên, chàng thanh niên tên Hùng vẫn dành thời gian lên đồi làm rẫy và đi tìm cây thuốc. Ban đầu chỉ là “thầy thuốc của gia đình”, trong nhà ai có bệnh thì ông đều chữa trị khỏi, sau tiếng lành đồn xa, hễ ai ốm đau đều tới nhờ ông điều trị.

    “Tôi không phải là thầy thuốc, chỉ là một người dân tộc Nùng như bao người dân quê tôi mà thôi. Chuyện tôi chữa khỏi bệnh cho bà con là nhờ phương pháp của người Nùng chúng tôi truyền lại. Có nhiều phương thuốc, cách chữa bệnh bí truyền mà chỉ người Nùng chúng tôi mới biết”.

    Phép màu tình yêu

    Trong 30 năm chữa bệnh cho người nghèo, ông Hùng nhớ nhất là ca bệnh đầu tiên và cũng là “bệnh nhân bất đắc dĩ của mình”. Người đó chính là vợ ông, bà Huỳnh Thị Tú. Được biết, hai vợ chồng cưới nhau được một thời gian thì vợ ông đột nhiên có nhều biểu hiện lạ như da vàng như nghệ, ói mửa thường xuyên.

    Đi khám tại bệnh viện trung ương thì họ chẩn đoán, vợ ông bị bệnh gan giai đoạn cuối và gần như không có phương pháp chữa trị. Bị bệnh viện trả về, gia đình xáo trộn, ai nấy đều tột cùng tuyệt vọng. Nhưng với tinh thần không chịu bỏ cuộc, ông đã tự điều chế thuốc chữa bệnh cho vợ. “Tôi lấy một số loại thuốc như cây dứa dại đỏ, kim tiền thảo, hoàng đắng và vài cây cỏ dại khác, sắc cho vợ uống liên tục trong vòng 10 ngày. Thật bất ngờ, vợ tôi không còn ói mửa, màu da cũng từ từ biến sắc, ăn uống nhiều hơn. Thời gian sau sức khỏe vợ tôi có sự chuyển biến tích cực”, ông Hùng nhớ lại.

    Đưa vợ đi kiểm tra lại, bác sĩ báo bệnh gan của bà đã được đẩy lùi một cách kì lạ. Hai vợ chồng ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Từ đó, ông Hùng càng quyết tâm tìm thêm các phương pháp, bài thuốc chữa trị cho người nghèo, giúp họ thoát khỏi những căn bệnh khó trị. Như trường hợp của anh Trần Công Minh (43 tuổi, ngụ xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) tưởng trừng đã mất mạng khi bị rắn hổ mang chúa cắn. May mắn được người thân sơ cứu nhanh, rồi đưa đến trạm y tế xã nhưng anh bị từ chối vì nọc độc đã ngấm sâu vào người. Lúc này may mắn có người đi ngang qua, liền mách gia đình anh Minh nên đưa anh tới tim lương y Hùng, may ra mới có thể sống sót. “Ngỡ tưởng tôi đã vong mạng, nào ngờ được lương y Hùng sơ cứu lấy độc, đắp thuốc và sức khỏe tôi dần hồi phục. Đến giờ, dù ởxa nhưng tôi thường xuyên sang nhà giúp đỡ ông bốc thuốc, chữa bệnh coi như trả ơn người đã cứu tôi từ tay thần chết”, anh Minh chia sẻ.

    Cùng mang niềm cảm kích đó, chị Trần Thị Hoa (46 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng), luôn coi lương y Hùng như một vị tiên sống với gia đình mình. Chị Hoa bị u nang buồng trứng, bụng chướng to. Được gia đình đưa tới Bệnh viện tỉnh Bình Phước chữa trị nhưng bác sĩ lắc đầu bảo trường hợp của chị không thể qua khỏi.

    Thế nhưng, gia đình chịu không bỏ cuộc, tìm mọi cách nhờ lương y Hùng cứu giúp.

    Nhớ về thời gian chữa bệnh cho chị Hoa, ông Hùng kể lại: “Tôi phải đi bộ vượt núi ra ruộng tìm bắt con “đạp đa” (theo tiếng Nùng). Con đạp đa chỉ có ở ruộng Lâm Đồng thôi. Sau đó mang về nướng, kết hợp với một số phương thuốc độc nhất vô nhị của người Nùng, sắc cho chị Hoa uống chưa đầy một tuần sau, bệnh tình chị Hoa đã thuyên giảm rất nhiều, chị có thể đi làm, đi chăn trâu như người bình thường”.

    Theo ông Hùng, ở núi Bom Bo, hầu như tất cả cây cỏ đều trở thành vị thuốc hữu ích chữa bệnh cứu người. Tưởng chừng các loại rau mà chúng ta hàng ngày vẫn hay dùng nước đu đủ, mướp đắng, rau diếp, khoai lang đều được ông chế biến thành các vị thuốc đặc trị bệnh. Không những vậy, các loài côn trùng có hại như gián, nhện, rết được ông dùng để chữa trị bệnh. “Con gián bắt về huơ thành than, đàn ông bị chướng bụng, đầy hơi chỉ cần ăn 7 con là khỏe khoắn trở lại. Còn sáp nhện có thể trị tận gốc chứng bệnh tiểu đêm rất công hiệu”, ông Hùng giãi bày. Không những là một vị “từ mẫu” được yêu mến, lương y Hùng còn nổi tiếng nhất vùng Bom Bo về cách sống, ứng xử và chấp hành tốt luật pháp của mình.

    Ông Nông Công Hiệu (Trưởng thôn 5, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cho biết: Đa số dân ở đây là các dân tộc thiểu số, không mấy am hiểu về pháp luật. Nhờ có lương y Hùng, ngày ngày chữa bệnh đồng thời phổ biến kiến thức pháp luật tới người dân. “Nhiều lần chính quyền địa phương thấy thu nhập từ việc chữa bệnh cứu người của lương y không đủ nuôi gia đình có ngỏ ý mời ông vào Hội Đông y xã làm việc nhưng ông ấy năm lần bảy lượt từ chối. Ông trả lời: “Tôi chỉ muốn cứu người chứ không quan trọng tiền tài. Chỉ cần thấy bệnh nhân khỏe mạnh trở lại mới là điều quan trọng”.

    Bài đã được đăng trên chuyên trang Hôn nhân pháp luật của báo Đời sống và Pháp luật

    THÙY DƯƠNG

    Xem thêm video Xôn xao clip chồng bắt quả tang vợ ngoài tình với người nước ngoài

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-vi-luong-y-gianh-giat-voi-tu-than-de-cuu-vo-a93632.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan