+Aa-
    Zalo

    Cuộc trốn chạy của những đứa trẻ bị lừa bán sang Trung Quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nghe thu nhập quá “hời”, Sử bảo ông cũng muốn đi nhưng không được 2 gã thanh niên chấp thuận. Họ từ chối khéo rằng, ông chủ bên đó chỉ cần người trẻ.

    (ĐSPL) - Nghe thu nhập quá “hời”, Sử bảo ông cũng muốn đi nhưng không được 2 gã thanh niên chấp thuận. Họ từ chối khéo rằng, ông chủ bên đó chỉ cần người trẻ, người có tuổi không đủ sức khỏe nên họ không cần.

    Nỗi lòng của những người cha

    Thời gian ngồi đợi chính quyền UBND xã xuống TP. Hà Giang nhận lại những đứa trẻ không may trở thành nạn nhân của nạn lao động chui sang Trung Quốc. Tôi đã kịp đi xe máy khục khặc vượt qua cung đường toàn đá lổm nhổm đến thôn Khau Là, xã Minh Sơn (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang). Nơi ở của những đứa trẻ bị kẻ lạ mặt người Trung Quốc về dụ dỗ sang bên kia biên giới làm thuê với hứa hẹn thu nhập “khủng”.

    Thấy tôi, chị Triệu Thị Nga, bí thư thôn Khau Là cau mặt bảo: “Khổ thể đấy nhà báo ạ! Có phải chúng tôi không tuyền truyền đâu. Nhưng càng ra sức cảnh báo không cho họ đi thì họ càng dấu mình trốn đi. Đến khi sự việc đã rồi thì chúng tôi mới biết”.

    Trong căn nhà tối om, một người đàn ông hai tay đang cố ghì vào cái ống điếu, miệng phì phèo khói thuốc vẻ say sưa.

    Chị Nga giới thiệu: “Anh ấy là Ly Sính Páo (SN 1973), bố của nạn nhân Ly Mí Quả (14 tuổi). Hiện cháu Quả đang được chính quyền xã thuê xe xuống thành phố đón về”.

    Nghe chị Nga nói dứt lời, Páo như bừng tỉnh. Anh hỏi lại chị Nga: “thằng Quả đang về thật rồi à?”. Páo bảo, anh đã chờ tin con mấy ngày nay, đến nỗi đêm về thấp thỏm không tài nào chợp mắt nổi.

    Theo Páo, con anh đi biệt tích là 10/3. Lúc đó anh còn mải ở trên lán làm nương. Mấy ngày trước đó, anh dặn con trai ở nhà phải đi đổi công với người ta phát ngô, phát cỏ. Để mấy nữa nhà mình làm mới có người giúp. Nhưng việc xong xuôi thì không thấy con trai đâu mất. Anh đã nhờ anh em “xới tung” cả mấy ngóc nghách thôn Kho Là mà không thấy tăm hơi con đâu cả.

    Một gia đình khác cũng tương tự, nhưng có điều câu trả lời của người đàn ông này khiến tôi hơi thoáng buồn vì chính ông đã quyết định cho con trai mình vượt biên.

    Ông là Sùng Mí Sử (SN 1976), Sử là bố của em Sùng Mí Súng (SN 2000), một trong những nạn nhân trong vụ lừa sang Trung Quốc lần này.

    Ông Sử bảo, ông cho con học hết lớp 4 thì ông bắt Súng về. Cho rằng để con cái đi học cũng không thể mài ra mèn mén mà ăn được. Vì thế, học cho biết cái chữ, biết nói tiếng kinh là đủ.

    Sử kể, hai thanh niên lạ đến đúng lúc ông còn đang ở nhà, họ đi xe máy đến dưới nhà ông thì dừng lại. Rồi đi bộ lên nói với ông là tìm người đi làm thuê, hứa hẹn thu nhập mỗi người chừng 100 - 300 đồng trong một ngày (khoảng một triệu VNĐ).

    Nghe quá “hời”, Sử bảo ông cũng muốn đi nhưng không được hai gã thanh niên chấp nhận. Họ từ chối khéo rằng, ông chủ bên đó chỉ cần người trẻ, người có tuổi rồi thì sức khỏe thường không chắc chắn nên họ không cần. Phải mãi sau khi chuyện được phát rác, Sử mới hối hận về quyết định lần đó của mình.

    Những đứa trẻ bị lừa sang Trung Quốc lao động.

    Ngày gùi đất, tối đào ao

    Chập tối, xe khách đón những đứa trẻ là nạn nhân trong vụ lừa đảo vượt biên đi làm thuê về đến sân trụ sở xã. Mấy phụ huynh trực chờ cả ngày trời, thấy con mình về đến nơi ai cũng chạy lại ôm trầm lấy máu mủ của mình mấy ngày đã mất tích.

    Trò chuyện với người viết, cậu bé Ly Mí Quả nói rằng mình đã bị bỏ đói trong nhiều ngày liền, mới đây mới được các chú bộ đội biên phòng ở cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) cho ăn nên mới có sức lực để ngồi ô tô trở về.

    Quả cho biết, trước đó em có đi đổi công phát cỏ cho nhà anh em thì gặp hai thanh niên người H’Mông, một người xưng tên là Phử, còn một người xưng Só dụ dỗ em đi Trung Quốc trồng cây kiếm tiền.

    Nghĩ nhà mình có 9 anh em, quanh năm suốt tháng mèn mén còn không đủ ăn thì được đi ra ngoài biết đây biết đó là vui rồi. Với lại công việc họ hứa hẹn cũng nhẹ, lại có tiền nên Quả hào hứng lắm.

    Sau cuộc trò chuyện với Quả, tôi quay sang nói chuyện với một cô bé người hơi đậm cùng lên chuyến xe với Quả trở về. Hỏi ra mới biết em tên Giàng Thị Vá (14 tuổi).

    Vá nói rằng tuổi đời của em tuy ít, nhưng đã từng một lần vượt biên sang Trung Quốc làm thuê rồi. Lần đó trừ hết tất cả chi phí đi lại, ăn uống Vá đem về nhà được 5 triệu đồng.

    Cũng chính vì lần đi kiếm tiền thành công và trở về lành lặn như thế, mà lần này Vá rủ cả em trai là Giàng Mí Chai, mới có 12 tuổi đi cùng. Thực ra với Chai, em nói rằng mình đã ước được sở hữu cái điện thoại cảm ứng từ rất lâu rồi. Nên khi chị mình rủ, em đã đồng ý và quyết định dấu không cho bố mẹ biết chuyện hai chị em vượt biên.

    Hỏi Vá còn nhỏ, kiếm tiền để làm gì? Thì cô bé đáp: “Kiếm tiền về để đi chơi, đi mua quần áo. Đến ngày chợ phiên mới có tiền mời bạn bè ăn bánh nướng được”. Cô bé vẻ mặt hồn nhiên.

    Từ việc làm quen với hai chị em Vá, Chai và Súng... Hai thanh niên lạ mặt đã buông lời hứa hẹn ngọt ngào để những đứa trẻ dại dột rủ thêm số bạn còn lại đi Trung Quốc làm thuê. Tất thảy có 13 đứa trẻ ở hai thôn Kho Là và Lùng Quốc vượt biên lần này.

    Vá kể, trước đây thì em đi theo chú của mình đào ao ngay khu vực biên giới nên muốn về cũng dễ. Nhưng lần này đi theo hai thanh niên lạ mặt, họ dẫn đi bộ vượt không biết bao nhiêu quả đồi, con sông mới đến khu vực biên giới.

    “Lúc sang hết đất của Việt Nam, em thấy người tên Só bấm số điện thoại rồi gọi cho một người nói tiếng H’Mông ở đầu dây bên kia. Khi đó nghĩ có chuyện chẳng lành, em hỏi Só: “Các anh định đưa bọn em đi tận đâu?”.

    Só đáp: “Thì đưa các em đi làm thuê chứ đi đâu nữa. Nhưng bọn em đi làm chỗ khác, bọn anh làm chỗ khác, chỗ đó đủ người rồi, giờ không cần bọn anh nữa. Lát sẽ có xe của người quen đưa các em đi. Cứ yên tâm nhé””. Vá kể tiếp.

    Vài phút sau, một xe khách 16 chỗ trong đó tài xế là một người H’Mông và một người Trung Quốc đến. Cả nhóm lưỡng lự không muốn lên xe, nhưng hai người dẫn đường lẫn những người đến đón lại dỗ ngon ngọt, hứa hẹn rằng chắc chắn đến nơi cả nhóm sẽ nhận được món tiền ứng trước.

    Theo những nạn nhân tường thuật lại, sau khi lên xe người ta buông hết những tấm rèm trên xe xuống và nói rằng làm vậy để tránh các cơ quan chức năng dòm ngó. Dĩ nhiên họ cũng yêu cầu không cho một ai được phép mở những tấm rèm này ra.

    Vá bảo, địa điểm em đến là một khu nhà khép kín, bên ngoài có cả bảo vệ và tường bao cao ngất. Sau khi được nhận phòng, họ nói tất cả mọi người cứ tự nhiên tắm giặt rồi ra ăn cơm. Còn chuyện công việc thì ngày mai sẽ cho người sắp xếp và bắt đầu.

    Thấy mình được khoản đãi tử tế, mấy đứa trẻ khi ấy mừng quýnh cho rằng đây sẽ là địa điểm để chúng gắn bó kiếm tiền lâu dài. Nào ngờ khi bắt đầu công việc, mới vỡ ra mình đang bị giam giữ ở một lò vắt sức trẻ em thậm tệ.

    Nhắc đến thời gian sống khổ sở ở xứ người, Giàng Mí Chai chân tay run rẩy nói: “Em còn tưởng sang đó trồng cây thật. Nào ngờ sang đó người ta bắt chúng em lao động khổ sai, ngày đi gùi đất, còn đêm thì đốt đèn bắt chúng em đào ao”.

    THÀNH NAM

    Cập nhật các bài viết liên quan tại chuyên mục : An Ninh Hình SựTin báo pháp luật mới
    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-tron-chay-cua-nhung-dua-tre-bi-lua-ban-sang-trung-quoc-a139670.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan