+Aa-
    Zalo

    “Cuồng phong” rầy nâu: Dân phải mặc áo mưa khi trời tạnh, chui vào màn xem tivi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Do mưa nhiều, người dân sử dụng thuốc trừ sâu phun trên lúa đã khiến rầy nâu không có chỗ trú ngụ, bay vào nơi có ánh đèn trong nhà dân.

    (ĐSPL) - Do mưa nhiều, người dân sử dụng thuốc trừ sâu phun trên lúa đã khiến rầy nâu không có chỗ trú ngụ, bay vào nơi có ánh đèn trong nhà dân. Thậm chí, đèn xe của người dân đi ngoài đường ban đêm cũng thu hút rầy nâu. Thực trạng này đang khiến người dân hàng loạt tỉnh miền Tây lao đao.

    Rầy nâu tấn công tứ phía

    Tối 25/6, khi PV báo ĐS&PL đang đi xe gắn máy đến địa bàn xã Phước Long (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) thì bất ngờ gặp phải một trận “cuồng phong” rầy nâu. Từ tứ phía, rầy nâu liên tục lao vào người PV. Chỉ trong thời gian chưa tới 10 phút, rầy nâu đã phủ khắp người. Thậm chí, ba lô, túi đựng máy ảnh cũng dính đầy rầy nâu. Không thể tiếp tục điều khiển xe trong điều kiện như vậy, PV xuống xe dắt bộ. Tuy nhiên, phải khó khăn lắm, PV mới thoát ra được khu vực rầy nâu xuất hiện dày đặc.

    Trao đổi với PV, anh Nguyễn Thái An (ngụ xã Phước Long) mếu máo: “Ba ngày nay, rầy nâu xuất hiện dày đặc ở địa phương. Việc nhà báo bị rầy nâu tấn công là chuyện thường xuyên xảy ra trong những ngày qua. Tại đây, rầy nâu không chỉ tấn công người đi đường mà còn vào tận nhà dân. Cứ vào chiều tối, khi nhà dân bật đèn là rầy nâu bắt đầu xuất hiện. Chỉ trong thời gian khoảng chục phút, nhà nào cũng xuất hiện dày đặc rầy nâu”.

    Như nhà anh An, do biết rầy nâu xuất hiện dày đặc những ngày qua, nên cứ chiều tối là anh đóng kín các cửa. Thế nhưng, vào tối 24/6, khi cả gia đình đang ăn cơm thì rầy nâu từ các khe hở của ngôi nhà cứ thế bay vào. Chưa đầy 5 phút sau rầy nâu bám kín các bóng đèn. Còn mâm cơm gia đình đang ăn dở cũng bị rầy nâu bu kín. Trước tình cảnh đó, gia đình anh phải chui vào mùng (màn – PV) để lánh nạn, đến sáng thì quét được vài kg rầy nâu chết ở dưới nền nhà.

    Cũng chia sẻ thông tin với PV, chị Bùi Thị Hoa (người dân địa phương) cho hay: “Mấy ngày nay, người dân vô cùng khốn khổ khi bị rầy nâu tấn công. Cứ chỗ nào có ánh đèn, ánh điện là rầy nâu lại bay tới với số lượng lên đến cả ngàn con. Do liên tiếp bị rầy nâu bay vào nhà, chồng tôi đã bịt kín toàn bộ những chỗ hở. Không chỉ gia đình tôi, mà cả chục hộ dân ở đây đều phải làm như vậy”.

    Sau mỗi buổi sáng, người dân thu gom cả kg rầy nâu.

    Tại thị trấn Phú Lộc (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng), tình trạng rầy nâu xuất hiện dày đặc cũng khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Tiếp xúc với PV trong tình trạng mặc áo mưa kín mít, ông Lê Văn Bảo (nhân viên bán xăng tại địa phương) chia sẻ: “Do cây xăng có nhiều bóng đèn điện nên thu hút rất nhiều rầy nâu bay đến. Hai ngày nay, cứ tối đến là hàng ngàn con rầy nâu bay đến cây xăng. Do rầy nâu bay trúng mắt, rồi chui vào mũi, tai nên tôi phải mặc bộ đồ “bảo hộ” để tránh. Với tình trạng mưa nhiều như thế này, không biết khi nào rầy nâu sẽ giảm bớt”.

    Cũng tại thị trấn Phú Lộc, PV ghi nhận một số trường hợp người dân khi đi trên đường về nhà vào buổi tối đã bị rầy nâu bay vào mắt, mũi, tai và phải đến bác sỹ để thăm khám. “Khi đi về nhà vào buổi tối bằng xe gắn máy, tôi và vợ bất ngờ bị rầy nâu bay tới tấp. Do không đeo mắt kính, khẩu trang nên rầy nâu bay trúng mắt khiến cay xè. Thậm chí, rầy nâu còn chui vào miệng. Vợ tôi cũng gặp tình trạng tương tự. Để thoát khỏi “cơn bão” rầy nâu, vợ chồng tôi phải lấy bịch nilon trùm đầu lại rồi đi về nhà. Do mắt ngứa ngáy, khó chịu nên tôi phải đi bác sỹ thăm khám”, anh Nguyễn Văn Thái (một người dân) chia sẻ.

    Loay hoay tìm cách đối phó

    Tại huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), những nơi có đồng ruộng nhiều, tình trạng rầy nâu tấn công nhà dân cũng diễn ra vô cùng “khốc liệt”. Tại đây, nhiều hộ dân phải chấp nhận cuộc sống bị rầy nâu tấn công. “Cứ chiều đến là gia đình tôi lại chui vô mùng. Tất cả các sinh hoạt như ăn cơm, chuyện học hành của con cái đều phải diễn ra trong mùng. Đợt rầy nâu này xuất hiện ngay đợt diễn ra Euro 2016 nên khiến người mê bóng đá như tôi rất khổ sở. Để thỏa sở thích của mình, tôi phải mang ti vi vào mùng để xem”, nông dân Trần Văn Tài (ngụ huyện Lai Vung) tếu táo chia sẻ.

    Trong khi đó, tại tỉnh Hậu Giang, PV cũng ghi nhận được vài câu chuyện về việc người dân đối phó với rầy nâu. Bà Nguyễn Thị Năm (ngụ xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) thông tin: “Do mấy hôm nay mưa nhiều nên rầy nâu xuất hiện dày đặc tại địa phương. Do đã có kinh nghiệm nhiều năm nên cứ tối đến, mỗi khi ra đường là tôi lại chuẩn bị một bộ quần áo bảo hộ có mũ trùm kín mặt. Cứ khi nào đến khu vực có rầy nâu là tôi lại mặc vào. Khi về đến nhà, nếu rầy nâu nhiều quá, tôi mặc vậy luôn. Đến khi nào chui vô mùng ngủ thì mới cởi ra”.

    Tại tỉnh Sóc Trăng, để xua đuổi rầy nâu, nhiều người dân nảy ra sáng kiến treo bóng đèn ở bên hông nhà hoặc ngoài sân để thu hút rầy nâu, còn trong nhà thì tắt hết điện. Chỉ khi cần làm việc gì người dân mới bật đèn pin để lấy ánh sáng. Còn tại tỉnh Cà Mau, tình trạng rầy nâu cũng ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Tại một số khu vực rầy nâu xuất hiện quá nhiều, người dân phải lánh nạn đi nơi khác. “Rầy nâu bay vào nhà nhiều quá khiến cuộc sống gia đình tôi đảo lộn hoàn toàn. Do nhà tôi có 2 con nhỏ nên tôi đành đưa cả nhà vào nhà ngoại ở khu vực nội đô để tránh”, ông Bùi Văn Sáu (ngụ huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) nói.

    Chia sẻ với PV về nguyên nhân khiến rầy nâu tấn công nhà dân, ông Sáu phản ánh: “Những ngày qua, tại khu vực miền Tây xảy ra mưa nhiều, trên diện rộng Trong khi loài này không chịu nước nên thường tìm đến nơi có ánh sáng để tru ngụ. Chính vì thế, nhà dân chính là chô trú ẩn lý tưởng nhất. Hầu như năm nào ta các tỉnh miền Tây cũng diễn ra tình trạng này. Tuy nhiên, năm nay tình trạng rầy nâu tấn công nhà dân diễn biến khốc liê nhất”.

    Nhiều người dân sinh sống tại huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) cũng thông tin, ngoài tình trạng mưa nhiều, mưa dầm, việc nông dân sử dụng các loa thuốc trừ sâu phun lên lúa khiến rầy nâu mất chỗ trú ngụ nên mới quay sang tấn công nhà dân. “Thực trạng này thường xuyên diễn ra tại địa phương. Tuy nhiên đến nay các ngành chức năng vẫn chưa co biện pháp hữu hiệu nào để diệt trừ loa rầy nâu này”, anh Nguyễn Văn Tín (ngu huyện Lai Vung) nói.

    Gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân

    Thạc sỹ Bùi Văn Thái – chuyên gia nông nghiệp trường ĐH Cần Thơ cho biết: “Khi lúa ngoài đồng khoảng 20 – 25 ngày tuổi, rầy nâu xuất hiện rất nhiều. Lâu nay, để diệt trừ rầy nâu, nông dân phải phun thuốc diệt rầy. Ngoài số rầy nâu bị tiêu diệt, số khác đã bay đi để tìm chỗ trú ngụ. Đây chính là lý do vì sao cứ sau mỗi đợt người dân phun thuốc rầy nâu xuất hiện rất nhiều”. Cũng theo thạc sỹ Thái, rầy nâu gây ảnh hưởng đến một số vấn đề sức khỏe người dân. Đơn cử như nếu rầy nâu bay vào mắt gây ra tình trạng ngứa ngáy, dị ứng. Nếu không được sự hỗ trợ của bác sỹ thì mắt của người dân rất dễ bị trầy xước giác mạc, hỏng mắt.

    Ngành nông nghiệp đang phối hợp ứng phó

    Trao đổi với PV, ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Ngành nông nghiệp địa phương đã nắm được tình trạng rầy nâu bay vào nhà người dân. Trước đó, do diễn biến của thời tiết, nên ngành nông nghiệp đã có cảnh báo đến nông dân. Hiện, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với chính quyền địa phương giúp người dân ứng phó với tình trạng này”.

     Q. HUY – T. THỊ

    [mecloud]PFEPp4iDQF[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuong-phong-ray-nau-dan-phai-mac-ao-mua-khi-troi-tanh-chui-vao-man-xem-tivi-a137114.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan