+Aa-
    Zalo

    Dạy con học lớp Một: Cha mẹ gào thét đến khản cổ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dạy con học lớp một là câu chuyện khá đau đầu với nhiều bậc phụ huynh khi con tiếp thu bài chậm khiến cha mẹ căng thẳng, mệt mỏi, bất lực.

    Dạy con học lớp một là câu chuyện khá đau đầu với nhiều bậc phụ huynh khi con tiếp thu bài chậm khiến cha mẹ căng thẳng, mệt mỏi, bất lực, thậm chí nhiều người không giữ đủ bình tĩnh đã “động tay, động chân” với con.

    Cha mẹ bất lực, con khóc mếu máo

    Tưởng như việc dạy con vào lớp Một là chuyện đơn giản vì lượng kiến thức ít, bài tập không nhiều, thầy cô tạo điều kiện tiếp thu từ từ, không gây áp lực. Tuy nhiên, đó lại là chuyện nan giải với nhiều bậc cha mẹ bởi họ dễ nổi cáu, không đủ bình tĩnh để trao đổi, thậm chí là dùng đòn roi dạy con.

    Mỗi khi dạy cô con gái 6 tuổi học lớp một, chị Thu Trang lại bất lực, kiệt sức vì con.

    Chị Thu Trang, quận Thanh Xuân, TP. HN chia sẻ: “Sao chương trình học của con giờ khác trước nhiều quá! Mỗi buổi tối hai mẹ con vật lộn rất vất vả. Có lúc tôi bất lực không biết làm thế nào để con hiểu bài. Việc cơ quan, việc nhà rồi giờ lo cả việc dạy con học, tôi quá mệt mỏi! Khi không thể nhịn được, tôi đành bỏ ra ngoài, nhờ chồng dạy con học tiếp”.

    Vốn mong muốn chồng sẽ có phương pháp dạy con hiệu quả hơn, tuy nhiên nhiều lần chị Trang thấy chồng cắn răng đi ra ngoài. "Có hôm tôi còn thấy chồng mình chui đầu vào tủ lạnh, khi tủ lạnh kêu "ting... ting" tôi hỏi chồng mới hay anh đang bốc hỏa, anh phải tìm cách để làm dịu cái đầu của mình để không đánh con", chị Trang nhớ lại.

    Sau nhiều lần vật lộn với con, chị Trang và chồng cuối cùng đều thống nhất phương án thuê gia sư để giảm bớt căng thẳng, áp lực. 

    Nhiều tối, hai vợ chồng phải thay phiên nhau cùng con làm bài tập về nhà, chuẩn bị bài mới.

    Còn anh Hiển (chồng chị Thu Trang) thở dài ngao ngán: “Bình thường vợ tôi là người phụ nữ hiền dịu, nhẹ nhàng. Nhưng cứ vào dạy con học là cô ấy trở thành một con người khác. Ngồi được 30 phút thôi là hai mẹ con bắt đầu hậm hực, mẹ thì gầm lên, con thì “nước mắt ngắn, nước mắt dài”. Tôi xót con nên yêu cầu vợ dừng việc dạy lại”.

    “Hai mẹ con cùng nhau nhận mặt chữ cái, ghép vần, luyện chữ, làm toán khá mệt mỏi. Lại thêm ông bà nội hay tò mò việc học của con, không ngần ngại chê bai, so sánh khiến tôi thêm gắt gỏng. Cháu thứ hai nhà tôi mới được vài tháng, phải nhờ chồng trông giúp. Biết việc dạy con khó như vậy thì tôi đã mời gia sư về kèm cháu từ trước”, chị Huyền, sống tại quận Cầu Giấy, TP. HN cho biết.

    “Học cùng con” mỗi ngày

    Năm 2020 – 20201 là năm học đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục mới trên toàn quốc, các trường lựa chọn bộ sách giáo khoa khác nhau. Với việc áp dụng bộ sách mới khiến phụ huynh “choáng váng” vì chưa có thời gian tìm hiểu, thích nghi. Từ đó xảy ra tình trạng: Ở lớp cô giáo dạy con một kiểu, về nhà cha mẹ dạy kiểu khác. Điều này khiến bé càng hoang mang, khó tiếp nhận kiến thức. Hơn thế nữa, các bậc cha mẹ gần như không có chuyên môn sư phạm khiến việc dạy con rơi vào bế tắc.

    Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, Trung tâm tư vấn tâm lý Tuổi trẻ Hạnh phúc đã bật mí những phương pháp hữu ích để việc dạy con trở nên nhẹ nhàng, tránh sự áp lực, căng thẳng.

    Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng phương pháp hữu hiệu nhất là "học cùng con".

    Chuyên gia cho rằng, việc đầu tiên là cha mẹ hãy “học cùng con”, trở thành người bạn đồng hành. Việc la mắng, nạt nộ là phản tác dụng bởi khiến con sợ hãi, tự ti, ghét việc học. Trong quá trình dạy con, cần tiết chế cảm xúc, duy trì trạng thái phấn chấn, vui vẻ. Chắc chắn, con sẽ chia sẻ nhiều hơn với cha mẹ, cảm thấy thích thú việc học tập.

    Thứ hai, trẻ ở độ tuổi này thiếu tính bền bỉ, mất tập trung, dễ bị phân tán bởi âm thanh, sự việc khác ngoài nội dung học. Trẻ thường quan tâm, chú ý đến những môn học có đồ dùng trực quan, tranh ảnh sinh sộng, thời gian chỉ định tối đa từ 25 – 30 phút. Một số cha mẹ chưa nắm rõ điều này đã vội vã kết luận con học kém, chưa ngoan.

    Bà Lê Thị Túy bật mí phương pháp hiệu quả: “Thay vì bắt con “cày ngày cày đêm”, học kéo dài vài tiếng đồng hồ thì nên sắp xếp lại thời gian hợp lý, cho con nghỉ giải lao, sau khoảng 30 phút học cần thay đổi phương pháp tiếp cận bài, tạo sự hứng thú. Thời gian giải lao, hãy cùng con vẽ tranh, xếp hình, đọc truyện, đố vui… vừa giải trí lại giúp phát triển não bộ”.

    Thứ ba, cần tăng cường thời gian hoạt động ngoài trời sau giờ học. Học ở lớp rồi lại về nhà ngồi lì học khiến con vô cùng sợ hãi. Từ đó, ảnh hưởng đến việc tiếp thu của bé, cơ thể không được giải phóng năng lượng dư thừa. Vì vậy, cần cùng con chơi những trò chơi thú vị như: Đá bóng, đuổi bắt, đá cầu…Việc học tập và chơi đùa rất quan trọng cho việc phát triển trí não, thể chất.

    “Một phương pháp nữa theo tôi là cha mẹ và giáo viên phải thống nhất với nhau cách dạy con học. Giáo viên chủ nhiệm hãy hướng dẫn phụ huynh cách dạy con hiệu quả. Cha mẹ phần lớn không có nghiệp vụ sư phạm, cần lắng nghe, trau dồi kỹ năng dạy con. Không chỉ con học, cha mẹ cũng phải học rất nhiều để có thể đồng hành cùng con”, chuyên gia Lê Thị Túy chia sẻ.

    Ứng Hà Chi

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/day-con-hoc-lop-mot-cha-me-gao-thet-den-khan-co-a342886.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan