+Aa-
    Zalo

    Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Tranh luận việc thêm quyền cho đại lý thuế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), vấn đề nóng được nhiều doanh nghiệp đưa ra tranh luận là việc thêm quyền cho Đại lý thuế được kinh doanh dịch vụ kế toán.

    Trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), vấn đề nóng được nhiều doanh nghiệp đưa ra tranh luận là việc thêm quyền cho Đại lý thuế được kinh doanh dịch vụ kế toán. Các doanh nghiệp cho rằng, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế được phép cung cấp dịch vụ kế toán là không phù hợp, thậm chí là “trèo lên luật kế toán” - tức luật chồng luật”.

    Sáng 7/8, Tổng cục Thuế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Tư vấn thuế Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

    Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Tổ trưởng tổ soạn thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cho biết, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở lấy người nộp thuế làm trung tâm. Theo đó, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đảm bảo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý thuế.

    Ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phát biểu tại hội thảo. 

    Do đó, với tinh thần thẳng thắn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị các doanh nghiệp có ý kiến đóng góp sôi nổi, đóng góp ý kiến cho dự thảo luật, để dự án luật khi đi vào cuộc sống sẽ hạn chế tối đa những vướng mắc.

    Cũng tại buổi hội thảo, nhiều nội dung trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm như: bổ sung quyền của người nộp thuế; thủ tục khai thuế, nộp thuế; khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp; hóa đơn chứng từ điện tử; hóa đơn chứng từ điện tử…

    Trong đó, vấn đề nóng được nhiều doanh nghiệp đưa ra tranh luận là khoản 3 Điều 104 về Doanh nghiệp đại lý thuế được ký hợp đồng với Người nộp thuế để thực hiện dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

    Cụ thể, theo bà Bùi Thị Lệ Phương, Giám đốc Công ty tư vấn Centax, Kinh doanh dịch vụ kế toán và kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế là hai ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp chỉ được tiến hành kinh doanh khi có đủ các điều kiện knh doanh theo quy định của các bộ Luật liên quan: kinh doanh dịch vụ kế toán chịu sự điều chỉnh của Luật Kế toán; Kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế hay còn gọi là đại lý thuế chịu sự điều chỉnh của Luật Quản lý Thuế.

    Căn cứ vào các quy định cụ thể trong các Bộ Luật (và văn bản hướng dẫn thi hành) thì giữa Kinh doanh dịch vụ kế toán và Dịch vụ về thuế đang có nhưng quy định chênh nhau như: trình độ chuyên môn của người dự thi cấp chứng chỉ; số lượng và kết cấu môn thi đảm bảo người đạt chứng chỉ hành nghề có đủ trình độ chuyên môn cần thiết cho chất lượng sau này; điều kiện đăng ký hành nghề cho cá nhân và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho doanh nghiệp; việc ràng buộc trách nhiệm của cá nhân hành nghề thông qua việc góp vốn và mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; việc cập nhật kiến thức định kỳ và duy trì hoạt động của tổ chức; việc quản lý giám sát, kiểm tra chất lượng  dịch vụ định kỳ của các cơ quan quản lý nhà nước.

    Do đó, bà Phương cho rằng, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế được phép cung cấp dịch vụ kế toán là không phù hợp. Thậm chí, việc cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng cần thiết có tác động không nhỏ tới toàn kinh tế.

    Hơn nữa, theo bà Phương, nếu Luật Quản lý thuế cho phép Đại lý thuế hành nghề Dịch vụ kế toán thì việc này sẽ mâu thuẫn 3 thông tư của Bộ tài chính trước đó. Bà Phương nhận định: “Chưa nói đến việc điều chỉnh của Luật Quản lý thuế về Dịch vụ kế toán, thì tôi thấy đối tượng điều chỉnh không đúng, phạm vi điều chỉnh không đúng, vì chỉ có Luật kế toán mới điều chỉnh được việc hành nghề Dịch vụ kế toán. Nếu Luật Quản lý thuế cũng điều chỉnh việc hành nghề Dịch vụ kế toán  nữa thì đây là “trèo lên luật kế toán” - tức luật chồng luật”.

    Ngoài ra, theo bà Phương, hiện nay doanh nghiệp của Viêt Nam hiện 95% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cho nên việc Luật Quản lý thuế cho phép Đại lý thuế thực hiện dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tức là Đại lý thuế có quyền cung cấp dịch vụ kế toán ở khắp nơi.

    Đồng quan điểm với bà Phương, ông Nguyễn Ngọc Quang – Công Ty TNHH Tư Vấn QMC – nêu vấn đề: “Theo quy định tại Khoản 3, Điều 56, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 22/6/2015 có nêu rõ: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.” 

    Như vậy, nếu được Quốc hội Thông qua khoản 3, điều 104 của Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) thì nội dung này sẽ phủ nhận cả chương IV của Luật Kế toán số 88/2015/QH13 quy định về Dịch vụ kế toán vì các luật này đều do Quốc hội ban hành. 

    Ông Quang cho rằng, điều này là vô cùng nghiêm trọng, nó sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống pháp lý và phá bỏ công sức của bao lớp người tạo dựng ngành Dịch vụ kế toán hàng chục năm qua, đang cố gắng nâng tầm Dịch vụ lên ngang với thế giới. Hệ lụy rất lớn là làm nhụt chí của những người đang phấn đấu thi Chứng chỉ hành nghề đáp ứng yêu cầu về ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu điều 104 Dự Luật Quản lý thuế này được thông qua, người ta chuyển sang làm Đại lý thuế mà không cần phải nâng cấp trình độ và đáp ứng một loạt điều kiện khác vốn sinh ra để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

    Trái ngược với những quan điểm nêu trên, phát biểu tại hội thảo bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Đại lý thuế Công ty TNHH Tư vấn tài chính và Kế toán FAC đã hoạt động được 8 năm trong nghề dịch vụ Đại lý thuế đặt câu hỏi rằng: “Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, riêng trong Quý I/2018, cả nước có 2.780 doanh nghiệp mới thành lập; 561.064 doanh nghiệp đang hoạt động. Với số lượng như thế này là rất lớn đối với Đại lý thuế và Dịch vụ kế toán. Chúng ta đã đáp ứng được hết chưa?...

    … Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp dịch vụ kế toán tính đến 31/12/2017 vẫn rất hạn chế. Vậy Đại lý thuế có được làm kế toán cho doanh nghiệp hay không? Ở đây, không được làm thì vẫn cứ phải làm, bởi  nếu chúng tôi không hiểu về kế toán thì không thể giải thích với các đoàn kiểm tra thay cho doanh nghiệp được. Mà bắt buộc chúng tôi phải làm về kế toán thì mới gải quyết được”. 

    Cũng theo bà Nga, việc cho Đại lý thuế kinh doanh dịch vụ kế toán sẽ hỗ trợ, giúp giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, bởi vì, một doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không thể thuê cùng một lúc 2 doanh nghiệp kế toán và thuế được. 

    Vị Đại lý thuế này cũng chia sẻ thêm, về pháp luật, đã ký hợp đồng là phải chịu trách nhiệm với số liệu mình đã kiểm tra. Do đó, Đại lý thuế phải là người có đủ trình độ thì mới dám là và có thể giải thích với cơ quan thuế về kế toán, hoạt động của doanh nghiệp. Vậy thì tại sao Đại lý thuế lại không được làm kế toán? 

    Do đó, theo vị Đại lý thuế này, nếu Luật Quản lý thuế sửa đổi giúp Đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì đây cũng là một cơ hội để cho các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong tương lại…

    Bảo Ngọc

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-thao-luat-quan-ly-thue-sua-doi-tranh-luan-viec-them-quyen-cho-dai-ly-thue-a239464.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan