+Aa-
    Zalo

    Giáo dục mầm non năm học 2022-2023: Một năm phục hồi sau đại dịch

    (ĐS&PL) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, nhìn lại năm học 2022-2023, điều đáng ghi nhận nhất là giáo dục mầm non đã được phục hồi một cách bình thường sau đại dịch COVID-19.

    Những kết quả nổi bật

    Chiều 20/7, tại Nghệ An, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với Giáo dục Mầm non. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo, chuyên viên 63 Sở GD&ĐT trong cả nước.

    giao duc mam non nam hoc 2022 2023 mot nam phuc hoi sau dai dich
    Quang cảnh hội nghị tổng kết năm học với Giáo dục Mầm non.

    Báo cáo kết quả năm học 2022-2023, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm học vừa qua. Giáo dục mầm non đạt nhiều kết quả nổi bật.

    Trong đó, Bộ GD&ĐT đã làm tốt công tác quản lý nhà nước về Giáo dục mầm non: Ban hành kịp thời các văn bản quy định, chính sách và văn bản chỉ đạo. Bộ cũng kịp thời tham mưu Chính phủ, các cấp ngành trung ương ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành trong thực tiễn đặt ra… Không để xảy ra vấn đề “nóng” trong Giáo dục Mầm non.

    Triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề năm học và các chuyên đề chuyên môn, đảm bảo an toàn cho trẻ. Thực hiện hiệu quả chuyên đề đẩy mạnh phòng, chống bạo hành trẻ; các mô hình tốt trong thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; xây dựng môi trường xanh, an toàn, thân thiện…

    Các điều kiện đảm bảo chất lượng chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất dạy học, đồ dùng, đồ chơi được quan tâm đầu tư. Công tác phát triển đội ngũ được quan tâm. Tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,86 tăng 0,02; giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo là 87,3% và trên chuẩn đạt 65,1%.

    Ngành cũng thực hiện tốt công tác sắp xếp, phát triển mạng lưới trường lớp, tỷ lệ huy động trẻ tăng mạnh. Theo đó trong năm giảm 1.249 điểm trường lẻ, tăng 1.430 phòng học kiên cố và giảm 252 phòng học tạm. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ là 32,1% tăng 3,8% và mẫu giáo đạt 93,1% tăng 3,7%.

    vu truong vu giao duc mam non nguyen ba minh bao cao tai hoi nghi
    Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh báo cáo tại hội nghị.

    Cũng trong năm học, công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được tăng cường và mạng lại hiệu quả thiết thực.

    Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được được nhiều kết quả quan trọng, song giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Việc đảm bảo các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường lớp để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

    Năm học 2023-2024, định hướng chung của giáo dục mầm non là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non; chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị nhà trường theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt, năng lực tự chủ, tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở; tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở khu công nghiệp và nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lí và nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

    Cần chính sách vĩ mô

    giao duc mam non nam hoc 2022 2023 mot nam phuc hoi sau dai dich 2
    Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại lễ tổng kết bậc mầm non.

    Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá: Nhìn lại môt năm học, điều đáng ghi nhận nhất là giáo dục mầm non đã được phục hồi một cách bình thường sau đại dịch COVID-19.

    “Trong quá trình ứng phó với dịch, giáo dục mầm non chịu nhiều thách thức, tác động nhất; sự tác động đến cả cơ sở, giáo viên, học sinh, chất lượng. Số giáo viên bỏ việc, chuyển việc nhiều nhất là ở mầm non. Cho nên đáng mừng nhất là đưa được hoạt động trở lại bình thường, không những thế tỷ lệ huy động trẻ đến trường còn nhích lên”, Bộ trưởng nhận định.

    Cũng theo Bộ trưởng, một số các chỉ số khác của giáo dục mầm non đều có khởi sắc, từ quy hoạch, đến chuyển đổi số, sắp xếp mạng lưới… Trong đó, đáng chú ý xã hội đã quan tâm tới giáo dục mầm non nhiều hơn; đã manh nha, khởi động được một số chính sách mới tốt hơn cho giáo dục mầm non.

    Nhìn nhận những khởi sắc, song theo Bộ trưởng tựu chung lại giáo dục mầm non vẫn còn nguyên thách thức, với từ khoá chính là “thiếu”: thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, thiếu cơ sở vật chất, thiếu nhiều thứ… Và phân tích vì sao dẫn tới những cái thiếu này, Bộ trưởng cho rằng “có lẽ là thiếu vĩ mô, thiếu sự quan tâm đầy đủ ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương. Nơi quan tâm nhưng lực bất tòng tâm, nơi có điều kiện thì tâm bất tòng lực”.

    Từ phân tích này, Bộ trưởng khẳng định: Cần thống nhất điều chỉnh về tư tưởng đối với giáo dục mầm non trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Những người làm giáo dục mầm non cần kiến nghị nhiều hơn nữa, tham mưu nhiều hơn nữa để khối giáo dục mầm non được quan tâm hơn. Với Bộ GDĐT, thời gian tới cần đẩy mạnh chỉ đạo, quan tâm tới sự phát triển của giáo dục mầm non trên mọi phương diện. “Và chúng ta sẽ cho đó là trọng tâm trong điều chỉnh chính sách ở tầm vĩ mô”, Bộ trưởng nêu rõ.

    “Chúng ra đã có nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục mầm non rồi nhưng phải cả xã hội cùng nhận thức”, chia sẻ điều này, Bộ trưởng đề cập tới ứng xử hiện nay với bậc học mầm non - khi đây là bậc học hình thành nhân cách, tinh thần, tình cảm của mỗi con người - nhưng lại là bậc học có tỷ lệ kiên cố trường lớp thấp nhất, đời sống giáo viên thấp nhất. Lẽ ra đây phải là bậc học được quan tâm đầu tư nhất nhưng lại đang đẩy mạnh xã hội hoá nhất.

    “Không thể dùng xã hội hoá để thay cho nhà nước đầu tư đối với bậc học mầm non. Cần phải cả hai để tăng cường phát triển giáo dục mầm non mới là sự quan tâm đúng”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời nêu rõ: Tự chúng ta phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc việc này. Thời gian tới cần tăng cường chính sách, tăng cường đầu tư nguồn lực. Kiến nghị mạnh mẽ hơn nữa cho bậc học mầm non.

    Trao đổi về chương trình giáo dục mầm non mới đang chuẩn bị bắt tay thí điểm, Bộ trưởng nêu quan điểm: Khó khăn hiện nay là từ “thiếu” thì cố gắng khi triển khai chương trình mới phải là từ “đủ”; rút kinh nghiệm từ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới về việc chuẩn bị các nguồn lực, thông suốt từ xã hội, chia sẻ của phụ huynh, thử nghiệm, nhân rộng, rút kinh nghiệm thận trọng.

    “Trong giáo dục không được phép sai lầm, đối với lớp nhỏ càng thận trọng hơn nữa vì các cháu không tự điều chỉnh được. Cần chuẩn bị về chính sách, điều kiện triển khai đủ về nguồn lực, đội ngũ, các phương diện và cần đủ sự quan tâm mà chúng ta cần thuyết phục, kiên trì thuyết phục”, Bộ trưởng nói.

    Từ trao đổi của các địa phương tại Hội nghị, Bộ trưởng cho rằng đã phần nào yên tâm hơn về kiểm soát với hệ thống ngoài công lập, nhóm trẻ. Theo đó, những nơi có kinh nghiệm cần chia sẻ rộng rãi cho các địa phương trên tinh thần tăng cường hỗ trợ, quản lý, giám sát hệ thống cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là nhóm trẻ, để có môi trường trường an toàn cho các cháu, tránh việc ngược đãi, bạo lực, mất an toàn của trẻ.

    “Chúng ta không mong gì hơn các cháu an toàn, các cô an tâm, cha mẹ được an lòng. Làm được 3 điều đó là giáo dục mầm non thành công”, Bộ trưởng chia sẻ.

    giao duc mam non nam hoc 2022 2023 mot nam phuc hoi sau dai dich5
    Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu kế luận hội nghị.

    Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh một số nhiệm vụ các Sở GD&ĐT cần tập trung trong năm học mới thuộc lĩnh vực giáo dục mầm non. Đó là, công tác phối hợp giữa ngành Giáo dục với UBND cấp huyện, xã trong quản lý giáo dục mầm non cần được làm tốt hơn; tiếp tục tham mưa địa phương trong việc ban hành và thực hiện chính sách trong Nghị định 105 của Chính phủ Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.

    Tiếp tục thực hiện tốt an toàn cho trẻ, một số mô hình đã làm tốt cố gắng nhân rộng, đi vào chiều sâu như mô hình xây dựng môi trường xanh an toàn, thân thiện, mô hình trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Tiếp tục tham mưu về sắp xếp hệ thống mạng lưới trường lớp, tránh việc dồn ép cơ học. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục mầm non…

    Vân Anh - Nhật Duy

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giao-duc-mam-non-nam-hoc-2022-2023-mot-nam-phuc-hoi-sau-dai-dich-a583717.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan