+Aa-
    Zalo

    Hà Nội: Mập mờ việc xuất hóa đơn GTGT của một số hệ thống bán lẻ nổi tiếng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Xuất hóa đơn không đúng chủng loại hàng hóa, nhiều sản phẩm nhập khẩu không nhãn phụ tiếng Việt, không có tem chống hàng giả... là tình trạng đang diễn ra tại một số hệ thống bán lẻ lớn trên địa bàn TP.Hà Nội. Theo luật sư, hành vi này tuỳ theo tính chất có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

    Xuất hóa đơn kiểu “thay tên, đổi họ” 

    Theo quy định của pháp luật tại khoản 9, Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020, sử dụng hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.

    Thực tế, quá trình thực thi pháp luật của một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP.Hà Nội đang tồn tại nhiều bất cập. Đơn cử như cửa hàng mẹ & bé Suri Store và hệ thống mỹ phẩm Mint Cosmetics.

    Hiện, Suri Store và Mint Cosmetics bày bán nhiều mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ từ các thương hiệu lớn của nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…). Tuy nhiên thực tế, hóa đơn GTGT của hai đơn vị này vẫn  “thay tên, đổi họ” đối với các sản phẩm được giới thiệu là xách tay chính hãng.

    Cụ thể, vào ngày 17/5/2023 tại cửa hàng Suri Store (S1-05 Vinhomes Ocean Park, Gia Lâm, Hà Nội), PV đã mua sản phẩm sữa bột Nan Úc A2- 800g với giá 575.000 đồng. Trong hóa đơn GTGT, sản phẩm trên đã bị hô biến thành một lọ DHA cho trẻ em. Bộ phận bán hàng sau đó giải thích do sữa Nan Úc A2 không có hóa đơn chứng từ nên đã xuất sang sản phẩm khác có cùng giá thành!? 

    Tương tự như Suri Store, sản phẩm bảng mắt Romand 10 ô better than eye palette giá 349.000 đồng được PV mua tại cửa hàng Mint Cosmetics (ngõ 215, 106D6 Tô Hiệu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) không có nhãn phụ tiếng Việt, tem chống hàng giả. Đáng chú ý, hóa đơn GTGT được xuất bởi một đơn vị khác trong đó, sản phẩm trên bị đổi sang bộ kẻ mắt nhãn hiệu BBIA.

    c2
    c

    Thấy gì từ việc xuất hóa đơn GTGT không đúng hàng hóa khách hàng đã mua?

    Trao đổi qua số điện thoại PV, một người phụ nữ tự giới thiệu là nhân viên hành chính của Mint Cosmetics cho biết: “Bên mình là hộ kinh doanh nên không thể xuất hóa đơn đỏ, sẽ nhờ một đơn vị khác xuất hóa đơn, tên sản phẩm sẽ khác nhưng tổng giá trị sẽ giữ nguyên như đơn hàng mình mua”.

    Khi PV thắc mắc về việc, tại sao nhân viên cửa hàng cam kết xuất đúng hóa đơn theo mặt hàng nhưng khi nhận hóa đơn VAT lại đổi sang sản phẩm khác? Người phụ nữ này thừa nhận các mặt hàng “xách tay” sẽ không xuất được hóa đơn. 

    Được biết cửa hàng mỹ phẩm này thuộc công ty TNHH Xuất nhập khẩu mỹ phẩm Mint, người đại diện pháp luật là ông Lê Tuấn Linh, từng bị xử phạt 12 triệu đồng vào năm 2020 do kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

    d
    Mint Cosmetics từng bị xử phạt do kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu.

    Vi phạm quy định về xuất hóa đơn

    Trao đổi với PV về vấn đề trên, bà Đào Thị Thu Hương - Giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín - Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: “Theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về thời điểm lập hóa đơn chứng từ, trong mọi trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, khi có phát sinh hoạt động mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là phải xuất hóa đơn, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ và giá bán hàng hóa đã bao gồm thuế GTGT”.

    Bà Hương khẳng định: “Các đơn vị kinh doanh trên có dấu hiệu vi phạm về việc sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, chứng từ như trên, đơn vị kinh doanh có thể phải bị xử phạt hành chính được quy định rõ tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn”.

    Luật sư Nguyễn Công Tín - Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng bổ sung: “Việc Mint Cosmetics sử dụng hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn của cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để hợp thức hóa hàng hóa bán ra; hàng hoá ghi trên hoá đơn không có thật một phần hoặc toàn bộ được xem là hành vi sử dụng không hợp pháp hoá đơn, chứng từ (khoản 9 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP)”.

    “Hành vi sử dụng không hợp pháp hoá đơn, chứng từ, tuỳ theo tính chất, mức độ, 3 đơn vị trên có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 28, Nghị định 125/2020/NĐ-CP, hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”, luật sư Tín thông tin thêm.

    Lê Quang

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-noi-map-mo-viec-xuat-hoa-don-gtgt-cua-mot-so-he-thong-ban-le-noi-tieng-a578640.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan